Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tính mạng của người dân là trên hết
“Chúng ta có tỷ lệ tử vong thấp, nhưng tính mạng của người dân là trên hết, cần tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu tỷ lệ tử vong”, Chủ tịch nước yêu cầu như vậy khi làm việc với TP. HCM.
Sáng nay (30/7), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo TP. HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến góp ý, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà nhân dân TP. HCM đã trải qua trong 61 ngày giãn cách xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Website Thành ủy |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nỗ lực trong phòng, chống dịch và các giải pháp trong thời gian tới của TP. HCM. Biểu dương các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, cống hiến hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân.
Chủ tịch nước cho biết, TP đã xây dựng mới 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số giường bệnh có thể lên tới gần 50.000 giường là một nỗ lực đáng trân trọng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu trước hết, trên hết, quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong do Covid-19.
“Chúng ta có tỷ lệ tử vong thấp, nhưng tính mạng của người dân là trên hết. Cần tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu tỷ lệ tử vong”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Theo Chủ tịch nước, vấn đề cốt lõi là tổ chức thực hiện. Thực hiện không nghiêm, không kiên quyết thì không giải quyết được vấn đề. Cốt lõi của Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 là giãn cách, nhưng qua báo cáo cho thấy việc ra đường còn đông. Chủ tịch nước yêu cầu TP. HCM cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách mật độ dân cư; đề nghị TP tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội thêm một thời gian cần thiết nữa.
Trong thời gian giãn cách, Chủ tịch nước yêu cầu TP. HCM phải đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân, không để ai phải thiếu đói.
“Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố phải chịu trách nhiệm về việc để dân thiếu đói. Phải kỷ luật nghiêm những người vô trách nhiệm”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân, Chủ tịch nước yêu cầu không để tình trạng người dân gọi điện tới mà không có người chuyên môn trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng khiến người dân hoang mang… Không được để tình trạng người bệnh nặng báo tin mà không được quan tâm; không được để người ốm mà không được chăm sóc.
Đối với việc chuyển trọng tâm sang điều trị, Chủ tịch nước yêu cầu phải vừa lo điều trị, vừa lo phòng chống, dập dịch để giảm số người bệnh, giảm số người tử vong.
Đa dạng hóa các giải pháp quản lý F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Việc triển khai chăm sóc F0 tại nhà là việc cần thiết, nên được tuyên truyền rộng rãi. Không để tình trạng thiếu máy thở, ô xy tại các bệnh viện.
Về công tác tiêm vắc-xin, Chủ tịch nước chỉ đạo cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân. Ông khẳng định Đảng, Nhà nước, ngành Y tế tiếp tục tập trung vắc-xin cho TP. HCM nên phải tận dụng thời gian cách ly xã hội để tiêm an toàn cho người dân.
Chủ tịch nước và đoàn tặng quà cho TP. HCM. Ảnh: Website Thành ủy |
Cuối cùng, Chủ tịch nước yêu cầu TP cần có phương án phục hồi sản xuất, tái thiết mạnh mẽ, đồng bộ sau dịch Covid-19. Ông bày tỏ niềm tin TP. HCM với truyền thống năng động, sáng tạo sẽ cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước thay mặt đoàn công tác đã tặng TP. HCM 103 tỷ đồng và 30 máy thở.
Sẽ tiêm vắc-xin 70% dân số từ 18 tuổi trở lên trong tháng 8
Phát biểu sau khi tiếp nhận các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên thay mặt Đảng bộ và chính quyền, nhân dân TP cảm ơn sự quan tâm, động viên của Chủ tịch nước trong công tác phòng, chống dịch của TP.
Theo ông Nên, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Chủ tịch nước đã theo sát thường xuyên chỉ đạo, động viên và chia sẻ cùng TP, có những chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo TP chống dịch có hiệu quả.
“Hôm qua khi xuống máy bay, Chủ tịch nước đã xuống ngay các khu cách ly, phong tỏa, đến bệnh viện dã chiến thăm và động viên bà con, lực lượng chống dịch, nhất là tại huyện Củ Chi. Việc này đã mang lại năng lượng tích cực cho nhân dân TP, đặc biệt là các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên. |
Người đứng đầu Thành ủy nhấn mạnh, tại cuộc họp hôm nay, Chủ tịch nước đã chỉ đạo rất nhiều vấn đề trọng tâm, trọng điểm; có ghi nhận, đánh giá nỗ lực của TP vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Qua đó, ông yêu cầu các cấp, các ngành ghi nhận và thực hiện những chỉ đạo của Chủ tịch nước để ứng phó với đại dịch; bình tĩnh trong từng hành động, đặt sức khỏe nhân dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe của nền kinh tế, sức khỏe ngành Y tế và an ninh trật tự của TP.
Ông cam kết với Chủ tịch nước sẽ cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch, triệt để thực hiện Chỉ thị 16 và các biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch, đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới; cố gắng tối đa không để dịch lây lan thêm.
Đặc biệt, công tác cứu người là tối quan trọng như chỉ đạo của Chủ tịch nước, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong bằng nỗ lực của các lực lượng hiện nay, trong đó có lực lượng của Bộ Y tế.
Về vắc-xin, người đứng đầu Thành ủy cho rằng, Chính phủ đã có kế hoạch ưu tiên, phân bổ cho TP. HCM để đến tháng 8 có thể tiêm được 70% người dân từ 18 tuổi trở lên.
Ông yêu cầu phải đổi mới cách tiêm, huy động toàn hệ thống y tế cùng các lực lượng khác để tiêm vắc-xin bên cạnh các công tác chống dịch khác.
Phương pháp là phát huy tối đa 5 tại chỗ, huy động các lực lượng vào công tác chống dịch, kiểm soát dịch triệt để hơn.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, dù tốc độ chậm lại, nhưng số ca mắc hàng ngày vẫn lớn. Do đó, để kiểm soát dịch Covid-19, sau ngày 1/8 TP. HCM có thể kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa.