Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới
Chủ đề của Đại hội đồng là “Các Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”.
Tối 6/4, (theo giờ địa phương - rạng sáng 7/4 giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 (IPU - 140) đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Doha, Qatar với sự chủ trì của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Hội đồng Shura (Nghị viện) Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud. Quốc vương Nhà nước Qatar - Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani tới dự và phát biểu chào mừng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Lãnh đạo Nghị viện, Trưởng đoàn đại biểu 160 nghị viện thành viên cùng hơn 1.600 Nghị sỹ và đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Lễ khai mạc. Chủ đề của Đại hội đồng là “Các Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”.
Phát biểu chào mừng Đại hội đồng IPU - 140, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani đánh giá cao các nội dung cụ thể được đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự của IPU lần này; nhấn mạnh, các nội dung đều hướng tới sự tiến bộ của nhân loại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140. |
Đề cập đến chủ đề về giáo dục, Quốc vương Qatar nêu rõ, giáo dục ngày nay đã trở thành một trong những quyền của con người, quyền xã hội cơ bản của người dân và đã đưa thành mục tiêu thứ tư trong các mục tiêu phát triển bền vững. Việc đầu tư cho giáo nhằm đạt được sự thịnh vượng cho toàn bộ người dân, vì thế giáo dục phải trở thành mục tiêu hàng đầu của các Quốc gia.
Nêu thực tế ở một số nơi trên thế giới vẫn còn tình trạng những người trẻ tuổi bị các hình thức ngăn cản quyền tiếp cận giáo dục, Quốc vương Qatar nhấn mạnh, thúc đẩy giáo dục đồng thời cũng là thúc đẩy những giá trị phổ quát của nhân loại như, lòng khoan dung và không làm ngơ trước những cộng đồng khi gặp khó khăn.
Nói về chủ đề nhà nước pháp quyền, Quốc vương Nhà nước Qatar đề cao tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền là tối thượng. Bởi nếu không có nhà nước pháp quyền, các quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn từ những tư tưởng đối lập, dẫn đến tình trạng bất ổn định trong xã hội.
“Xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, các quốc gia phải bảo đảm được tính công lý, công bằng trong xã hội như là một nguyên tắc cơ bản và nội hàm cơ bản của nhà nước pháp quyền”, Quốc vương Nhà nước Qatar nêu rõ.
Trên tinh thần của Quốc vương Nhà nước Qatar, một nhà nước pháp quyền sẽ đóng góp hết sức tích cực vào việc hỗ trợ các cộng đồng khó khăn, các nhóm yếu thế và góp phần ngăn ngừa, giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xã hội cũng như trong khu vực.
Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, việc xây dựng nhà nước pháp quyền sẽ tạo nền tảng thúc đẩy hơn những ưu tiên của từng quốc gia, đặc biệt là các ưu tiên về xây dựng hệ thống pháp quyền.
Đối với các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền sẽ góp phần bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như bảo vệ nhân quyền, chống lại bạo lực và cũng góp phần làm giảm tình trạng các nước lớn gây ảnh hưởng đến các nước nhỏ. Nếu mỗi quốc gia đều có một nền pháp quyền vững mạnh sẽ giúp bảo đảm các nguyên tắc về luật pháp quốc tế.
Quốc vương Nhà nước Qatar nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, sẽ không có một giải pháp nào tốt hơn là phải thúc đẩy hơn nữa các cơ chế đối thoại mạnh mẽ trong khuôn khổ đa phương, hợp tác quốc tế từ đó tìm ra các giải pháp chống lại tình trạng xung đột, bảo đảm công bằng và nêu cao ý chí chống lại tình trạng bất công, bạo lực cũng như các cuộc xung đột xảy ra ở khu vực và trên thế giới.
Để làm được điều này, theo Quốc vương Nhà nước Qatar, các nước phải cam kết chặt chẽ hơn về việc tuân thủ các giá trị phổ quát đã được nhân loại ghi nhận, bảo đảm không một thể chế nào có quyền hoặc tự cho phép mình áp đặt lên những thể chế khác; bảo đảm sự tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng các dân tộc. Không để bất kỳ người dân nào bị cô lập khỏi những thành tựu chung.
Đây cũng chính là kim chỉ nam cho việc thúc đẩy trao đổi về thương mại, hợp tác quốc tế để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố hay ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này đánh dấu 130 năm thành lập IPU và tiếp tục phát triển những nỗ lực, thành tựu mà IPU đã đạt được trong suốt thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để IPU hành động với trách nhiệm cao hơn hướng tới tăng trưởng bền vững.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani. |
Cho rằng, thế giới đang ở trong thời điểm hết sức quan trọng vì các cuộc xung đột, các cuộc tấn công khủng bố đang có xu hướng gia tăng, gây đe dọa cho việc bảo đảm an ninh của mỗi quốc gia, Chủ tịch IPU khẳng định, Đại Hội đồng đã làm được nhiều việc, nhưng chưa đủ, mà phải nỗ lực nhiều hơn.
“Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn từ các nghị viện thành viên của các nước trên thế giới phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Cứ mỗi giây trôi qua, chúng ta phải huy động được sáng kiến, đóng góp của tất cả những nghị sĩ thành viên của IPU trên toàn thế giới. Tất cả các Nghị viện thành viên của chúng ta cần phải hài hòa mục tiêu, có cùng tiếng nói cùng nỗ lực chung để tìm ra giải pháp. Không chỉ trong việc phân bổ ngân sách đối với các hoạt động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, mà cần phải đảm bảo được ưu tiên với các mục tiêu bao trùm cho xã hội, hành tinh của chúng ta”, Chủ tịch IPU nêu rõ.
Nhân kỷ niệm 130 năm thành lập của IPU, Chủ tịch IPU kêu gọi các quốc gia tận dụng thời điểm hiện nay để giải quyết và vượt qua những thách thức, biến những giải pháp thành hiện thực để hỗ trợ và đáp ứng được quyền lợi của người dân, bảo vệ cho người dân. Những nghị sỹ là những người đại biểu của dân, đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của người dân, vì thế trong chương trình Nghị sự cần phải cố gắng để không ai bị bỏ lại phía sau.