Chủ tịch Quốc hội: 'Không để bà con khổ sở sau khi hiến đất'
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng bào đã hy sinh nhà cửa, đồng ruộng, đất đai để phục vụ cho thủy điện, vì vậy không để bà con khổ sở sau khi hiến đất.
Trong khuôn khổ chuyến công tác các tỉnh miền núi phía Bắc, hôm nay (11/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. |
Nậm Nhùn là huyện biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lai Châu, mới được chia tách từ năm 2012. Huyện có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp.
Mật độ sông suối cao, lưu vực lớn tạo điều kiện cho phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ; có tiềm năng về khai thác vật liệu xây dựng, như các mỏ đá, đá đen, than đá, cát sỏi; vùng nguyên liệu mây tre đan…
Trên địa bàn huyện có 10 công trình thủy điện với tổng công suất thiết kế khoảng 1400 MW. Do có thủy điện, nên công tác tái định cư gắn với xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo huyện chú trọng. Cho đến nay huyện Nậm Nhùn đã hoàn thành sắp xếp ổn định dân cư cho 829 hộ dân thuộc vùng tái định cư thủy điện Lai Châu.
Hiện, huyện đang tiếp tục giải quyết, thực hiện các chính sách đảm bảo đời sống cho 738 hộ thuộc diện tái định cư thủy điện Sơn La.
Huyện Nậm Nhùn có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 70% số bản có đường xe máy đi lại thuận tiện; 11/11 xã, thị trấn có điện lưới Quốc gia, 70% số hộ được sử dụng điện; hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng. Đến nay huyện có 7 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Nậm Nhùn là huyện nghèo xa trung tâm tỉnh với 9/10 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; xuất phát điểm kinh tế, xã hội thấp; địa hình phức tạp, chia cắt, giao thông không thuận lợi, đường biên giới dài, chỉ có một Đồn Biên phòng; đường tuần tra biên giới chưa được đầu tư; diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, thiếu đất sản xuất; tập quán canh tác lạc hậu.
Huyện có 2 dân tộc đặc biệt khó khăn, có chính sách ưu đãi của Nhà nước, là dân tộc Cống và dân tộcMảng; một số hủ tục lạc hậu ở một bộ phận đồng bào dân tộc chưa được xóa bỏ. Trình độ dân trí thấp và không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, một bộ phận người dân chưa tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Quốc hội tặng ảnh lưu niệm cho huyện Nậm Nhùn. |
Với những khó khăn ấy, Bí thư huyện Nậm Nhùn Lê Đức Dực đã đề nghị với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia đến các thôn bản; đường từ huyện đến xã Hua Bum; đường giao thông phía tây Sông Đà (Nậm Ngà-Nậm Chà- Thị trấn Nậm Nhùn); có cơ chế ưu đãi để khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành quả mà Nậm Nhùn đạt được, đặc biệt là việc Nậm Nhùn có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong điều kiện là huyện mới lập, còn nhiều khó khăn, lại ở vùng sâu, vùng xa.
Nậm Nhùn đã bảo đảm an ninh lương thực với số lượng lương thực bình quân mỗi người đạt 390,6kg/năm. Tuy vậy, để phát triển kinh tế, từng hộ gia đình cần phát triển chăn nuôi đại gia súc, vì Lai Châu có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đồng cỏ.
Về chính sách tái định cư thủy điện Lai Châu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm tới vấn đề này để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
"Tái định cư cho thủy điện Sơn La, Lai Châu, việc này nằm trong nguồn vốn đầu tư cho mục tiêu tái định cư, đảm bảo đời sống của đồng bào. Đồng bào đã hy sinh nhà cửa, đồng ruộng, đất đai để phục vụ cho thủy điện. Vì vậy tái định cư của Lai Châu và Sơn La phải ưu tiên. Ở diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng cho rằng không để bà con khổ sở sau khi hiến đất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trồng cây lưu niệm tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu. |
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắn nhủ với lãnh đạo huyện Nậm Nhùn nói riêng và lãnh đạo tỉnh Lai Châu về việc đã “tích thủy” được, nhưng cần hướng tới “sinh thủy” bằng cách bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn. Các cơ quan chức năng nghiên cứu thay đổi chính sách để khuyến khích nhân dân bảo vệ và phát triển rừng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này thì có thể ưu tiên triển khai thực hiện ở một số tỉnh ở khu vực đầu nguồn như khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc. Bởi, rừng chính là yếu tố bảo đảm an ninh nguồn nước không chỉ cho thủy điện và cho địa phương, mà còn cho cả vùng hạ du. Vì vậy, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khi phân bổ nguồn lực sẽ chú ý tới các địa phương đang thực hiện nhiệm vụ an ninh biên giới, an ninh nguồn nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Nậm Nhùn phải chú ý kiện toàn bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để có đội ngũ cán bộ đủ năng lực phát huy kết quả đã đạt được, đưa Nậm Nhùn tiếp tục phát triển. Giữ được môi trường ổn định về an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho bà con sinh sống và làm ăn là yếu tốt rất quan trọng ở nơi vùng sâu, vùng xa như Nậm Nhùn.
Muốn vậy, Nậm Nhùn phải làm tốt công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và làm tốt công tác xây dựng Đảng. Nếu cả hệ thống chính trị, chính quyền vào cuộc thì từ sản xuất tới đời sống, an ninh biên giới đều sẽ được bảo đảm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu bộ máy yếu, năng lực kém thì dù đầu tư bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngôi nhà cũng không khắc phục được khó khăn, thách thức và mọi thành quả đạt được của Nậm Nhùn cũng sẽ khó giữ được. Vì thế Nậm Nhùn cần phải kiện toàn bộ máy tổ chức, chú ý nguồn nhân lực tại chỗ. Đặc biệt ưu tiên đào tạo bà con người dân tộc, để chính họ sẽ tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân:
"Giờ chưa có người nghèo, nhưng nếu để bất cứ người dân nào, thôn bản nào bị đói, trước hết, Bí thư và Chủ tịch UBND huyện này phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cần sâu sát với cơ sở, nắm được tình hình nhân dân, biết được hộ nào thiếu đói giáp hạt… Có như vậy mới giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói chuyện với công nhân Nhà máy Thủy điện Lai Châu. |
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn công tác tới thăm Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, người lao động nhà máy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giữ vững an ninh năng lượng điện, bởi muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể thiếu điện.
Việc khai thác tiềm năng thủy điện là biện pháp rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội chúc những người lao động tại Nhà máy vận hành, khai thác công trình an toàn, hiệu quả, sớm hoàn vốn đầu tư, góp phần đảm báo an ninh năng lượng cho đất nước, cũng như đóng góp cho ngân sách địa phương./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|