Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

20/08/2017 10:53

(Baonghean.vn) - Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ một công nhân, lính thợ đến tổ chức đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến, và trải qua các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho đến khi làm Chủ tịch nước, Bác luôn luôn toát lên sự khiêm tốn, giản dị của một một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên trong truyền thống yêu nước và nhân ái của quê hương, gia đình và dân tộc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm có chí hướng đi về phía nhân dân lao động, chọn hướng lao động kỹ thuật, làm thợ, hoà mình vào đời sống của giai cấp công nhân.

Bác Hồ và Bác Tôn tại Quốc hội khóa 1.
Bác Hồ và Bác Tôn tại Quốc hội khóa 1.

Tinh thần yêu nước và căm thù đế quốc đã tạo cho Tôn Đức Thắng sớm bộc lộ năng lực tổ chức thực tiễn. Khi chưa có ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, đứng trên lập trường của một người yêu nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia các cuộc bãi công, bãi khoá của công nhân xưởng Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ.

Ngay khi còn ở tuổi thanh niên, với một tấm lòng yêu nước thương dân, căm thù bọn đế quốc xâm lược, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm bộc lộ lòng yêu thương những con người bất hạnh, cùng khổ. Trong ngục tù đế quốc, hình ảnh "người cặp rằng hầm xay lúa'' Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương yêu những đồng chí anh em cùng cảnh ngộ.

Ở những cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tôn Đức Thắng hết lòng hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không màng gì tới danh lợi cho bản thân. Đồng chí Tôn Đức Thắng sống thật bình dị, không đòi hỏi gì về vật chất, thương anh em, thương đồng bào.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm hỏi, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội, 1976
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm hỏi, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội, 1976

Cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng về phương diện đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta và bè bạn thế giới nhiều lần khẳng định và đánh giá cao.

Năm 1958, nhân dịp Chúc mừng Chủ tịch Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Đồng chí Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: ''Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "... Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng".

Hồ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống Xê-cu Tu-rê, Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê sang thăm nước ta năm 1960.
Hồ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống Xê-cu Tu-rê, Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê sang thăm nước ta năm 1960.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã viết: "Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta".

Cố Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công thì khẳng định: "Cùng với lòng trung thành, tận tuỵ, lập trường vững vàng, tinh thần dũng cảm bất khuất, ở Bác Tôn còn nổi lên đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, hoà mình trong quần chúng".

Tính từ sự kiện năm 1919 đến khi từ trần năm 1980, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có trên 60 năm cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cách mạng thế giới, xứng đáng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu nhất cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thuỷ chung. Điều đó được thể hiện cụ thể trong những ghi nhận, đánh giá của bạn bè thế giới.

Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh tư liệu
Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh tư liệu

Để ghi nhận những công lao đóng góp xuất sắc của Bác Tôn đối với dân tộc, Bác Hồ đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phê chuẩn trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Và Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được nhận phần thưởng cao quý này.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài, sôi nổi và phong phú của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới.

Là nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực, Chủ tịch Tôn Đức Thắng mãi mãi để lại cho đời một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức và tác phong, không phải được thể hiện qua các áng thơ văn và trong những trước tác về lý luận mà bằng sự phát sáng trong thực tiễn hoạt động cách mạng dày dặn, phong phú, giàu tính đảng, tính chiến đấu, tính nhân văn và là sự biểu hiện rực rỡ của tư duy năng động, sáng tạo.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO