Miếng đánh không chiến của U23 Việt Nam

An Thanh 09/01/2020 09:33

(Baonghean.vn) - Khi gặp các đối thủ mạnh tại VCK U23 châu Á 2020, các đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo lại không mạnh lối đá tổ chức tấn công (Open play) thì việc tận dụng các tình huống cố định phải được đặt biệt quan tâm.

Khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến thành công của U22 Việt Nam tại SEA Games 30, một số người cho rằng, miếng đánh ghi bàn bằng đầu của U22 Việt Nam là bất ngờ mà thầy Park sử dụng tại SEA Games bởi vì ở những giải đấu quan trọng trước đó, Việt Nam của nhà cầm quân 61 tuổi này rất ít khi cụ thể hóa cơ hội từ các tình huống không chiến.

Hoàn thiện kỹ năng

Đức Chinh là cầu thủ chơi bóng bổng tốt nhất của U23 Việt Nam tại thời điểm này. Ảnh VFF

Trung phong Tiến Linh đang có cú cắt mặt đánh đầu sở trường. Ảnh VFF

Kiểm tra lại thì đúng là U23 Việt Nam chỉ ghi 1 bàn ở VCK U23 châu Á 2018 từ pha đánh đầu của Đức Chinh. Tương tự tại ASIAD 2018, Olympic Việt Nam ghi 1 bàn. Tại AFF Cup 2018, giải đấu mà chúng ta đã lên ngôi vô địch thì con số được cải thiện hơn với 3 pha lập công. Nhưng nếu so với 9 bàn thắng từ đánh đầu mà U22 Việt Nam ghi được tại SEA Games 2019 thì rõ ràng chúng ta đã có bước nhảy vọt.

Trong số 9 bàn thắng từ đánh đầu đó, tiền đạo Hà Đức Chinh không phải là người có chiều cao tốt nhất đã ghi tới 5 bàn. Ngoài ra, Nguyễn Tiến Linh (2 bàn) hay Nguyễn Thành Chung, Đoàn Văn Hậu (1 bàn). Ông Park đã yêu cầu và tiền đạo người Phú Thọ chủ động “xin được bị kèm” khi tiến về cầu thủ có chiều cao đối phương tốt nhất để “núp”, tạo sự yên tâm cho đối thủ.

Các cầu thủ tấn công của Việt Nam khi có bóng không vội sút, vội chuyền mà chủ động cầm bóng, đi bóng để gài đối thủ phạm lỗi và kiếm đá phạt. Trong khi các tình huống cố định và không chiến lại chính là "vũ khí sát thương mới" mà U22 Việt Nam mang tới SEA Games lần này.

Khi đồng đội chạy đà và tiếp bóng đá phạt, căn cứ vào các ký hiệu riêng thì Đức Chinh mới bắt đầu di chuyển, chọn điểm rơi khai thác được những tình huống đó để cụ thể thành bàn thắng. Những chuyên gia đá phạt của U22 Việt Nam như Hùng Dũng, Quang Hải hay Hoàng Đức,Việt Hưng (nếu vị trí đá phạt chếch phải), Trọng Hùng, Thái Quý (chếch trái) đều “thuộc lòng” lối di chuyển của hàng công.

Việc Đức Chinh thường xuyên có bàn thắng từ đánh đầu cũng xuất phát từ việc bố trí cách sắp xếp đá phạt góc khéo léo của thầy Park. Cụ thể, Đức Chinh sẽ đứng ngay phía sau một tiền đạo hoặc một trung vệ đồng đội vốn có chiều cao tốt hơn mình. Điều đó khiến cho các hậu vệ đội bạn không dễ chú ý đến Đức Chinh. Và tiền đạo người Phú Thọ với khả năng chọn vị trí và phán đoán điểm rơi tốt của mình đã khai thác được những tình huống đó để cụ thể thành bàn thắng.

Trong trận thắng Indonesia 2-1, trung vệ Thành Chung lên tham gia tấn công, đánh đầu ghi bàn gỡ hòa cho đội bóng của HLV Park Hang Seo trước đội bóng xứ vạn đảo. Tình huống chỉ chơi 1 cầu là có bàn thắng, người ghi bàn lại là hậu vệ nên đối phương bất ngờ. Đây là trận đấu mà trước khi có bàn thắng, chúng ta gần như bế tắc hoàn toàn trong việc tìm đường vào khung thành thủ môn đội bạn.

Đức Chinh là cầu thủ chơi bóng bổng tốt nhất của U23 Việt Nam tại thời điểm này. Ảnh VFF
Đức Chinh là cầu thủ chơi bóng bổng tốt nhất của U23 Việt Nam tại thời điểm này. Ảnh VFF

Trong trận đấu với Singapore, phút 88, xuất phát từ một tình huống đá phạt góc, Văn Hậu đánh đầu chuyền bóng cho Hà Đức Chinh. Pha bóng đã loại hàng phòng thủ Singapore, ấn định chiến thắng 1-0 cho đội nhà. Nên nhớ, những tình huống cầu nối không chiến khá phức tạp và ở hiệp 1 trận gặp đội bóng của HLV Fandi Ahmad, chúng ta còn không có nổi một pha dứt điểm.

Kỹ thuật chơi bóng bổng của U23 VN

Tại bảng D, giải VCK U23 châu Á 2020 chiều trung bình của U23 Việt Nam là 176,8 cm chỉ thua U23 Jordan 177 cm nhưng tốt hơn U23 UAE chỉ 176,6 cm và U23 Triều Tiên chỉ cao 176,3 cm. Hiện U23 Việt Nam có tới 10 cầu thủ cao từ 180 cm trở lên như Huỳnh Tấn Sinh, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Hoàng Đức... có thể phát huy khả năng không chiến trên đất Thái Lan.

Tại SEA Games 30, tỷ lệ thành công không chiến từ các tình huống đá phạt góc của U22 Việt Nam là 22/45, đạt tỷ lệ 49%, thành công khi áp dụng kỹ thuật đá phạt xoáy ra (outswing), đường chuyền nối tiếp (flick on), chuyền ngược về tuyến 2 (cutblack) đều đạt thành công tuyệt đối 100% cần được phát huy.

Các quả tạt xoáy vào trong (inswing) chỉ đạt tỷ lệ 35%, quả tạt ngắn (short corner) đạt tỷ lệ chỉ 20%, thu hồi bóng 2 để tiếp tục tấn công (second ball) chỉ đạt 50% cần được hoàn thiện thêm.

Các đối thủ tại VCK U23 châu Á 2020 đều có trình độ cao hơn SEA Games 30 nhưng điều đó không có nghĩa là các cầu thủ U23 Việt Nam không thể phát huy các thế mạnh đang có. Tiền vệ Quang Hải sẽ thay Hùng Dũng thực hiện các cú phạt cố định và người hâm mộ đang trông chờ vào những bàn thắng bằng đầu của các chàng trai Việt.

Mới nhất

x
Miếng đánh không chiến của U23 Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO