Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: 'Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh'

18/02/2017 07:21

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn nhanh đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trước thềm Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017. Đây là một sự kiện thường niên được tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức từ năm 2009.

» Nghệ An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án

» Nghệ An hấp dẫn các nhà đầu tư

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

P.V: Thưa đồng chí, sau thời gian ráo riết chuẩn bị, ngày 19/2, này Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ chính thức diễn ra. Đồng chí có thể cho biết đôi nét nổi bật của hội nghị lần này, biết rằng đây là năm thứ 9 Nghệ An tổ chức sự kiện?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Từ năm 2009, tỉnh Nghệ An bắt đầu tổ chức Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư với sự đồng tổ chức của Ngân hàng BIDV - đây được xem là sự kiện thường niên quan trọng nhất trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh. Các kỳ hội nghị không chỉ là dịp để lãnh đạo tỉnh, đại diện các cấp ngành ngồi lại cùng các nhà đầu tư sau một năm hợp tác làm việc mà cũng là cơ hội để những nhà đầu tư mới đến tìm hiểu thông tin và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Nghệ An.

Năm 2017 này là năm thứ 9 tỉnh Nghệ An chúng ta tổ chức Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư. Qua 8 kỳ hội nghị trước, chúng ta đã thu hút được 804 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 260 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 758 dự án đầu tư trong nước và 46 dự án FDI đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Riêng năm 2016 vừa qua, Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 141 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 35.400 tỷ đồng.

Nói thêm về năm 2016, đây là năm được Chính phủ xác định là năm khởi nghiệp. Cùng với chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Với Nghệ An, năm 2016 này đã cấp mới giấy đăng ký kinh doanh cho hơn 1.900 doanh nghiệp và chi nhánh mới thành lập. Đó cũng là một trong những kết quả khả quan mà chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại trong kỳ hội nghị lần này, xem xét những điều gì chúng ta làm tốt và chưa tốt, từ đó đưa ra giải pháp, định hướng để thời gian tới cùng nhau phát triển, hợp tác hiệu quả.

Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Thức ăn gia súc AustFeed Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Thức ăn gia súc AustFeed Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn

P.V: Thưa đồng chí, được biết năm nay các hoạt động chính của hội nghị diễn ra trong 2 ngày 18 - 19/2 và một hoạt động khác so với các năm trước là cuộc đối thoại với các doanh nghiệp FDI về chính sách đầu tư. Đồng chí có thể cho biết thêm về hoạt động này?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Mục đích tổ chức Hội nghị gặp mặt đầu Xuân - phỏng theo phong tục tập quán của người Việt Nam chúng ta - ngoài để thể hiện sự hiếu khách, cởi mở thì còn nhằm tạo cơ hội đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với những lãnh đạo cao nhất có quyền hạn, trách nhiệm giải đáp và giải quyết các vướng mắc của họ.

Năm nay bên cạnh các hoạt động như thường niên thì đối thoại với các doanh nghiệp FDI về chính sách đầu tư là một nét mới của hội nghị và chúng tôi kỳ vọng qua đây sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa luồng đầu tư từ nước ngoài vào Nghệ An. Năm 2016 vừa qua, chúng ta đã đạt được những bước đi đầu tiên rất khả quan với một số nhà đầu tư nước ngoài mới, hoặc củng cố thêm mối hợp tác với các nước đối tác từ trước nhưng trong lĩnh vực hoàn toàn mới. Đơn cử như Tập đoàn Hemaraj của Thái Lan - một đối tác cực kỳ có tên tuổi trên trường quốc tế và khu vực. Lần đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam, Hemaraj đã chọn Nghệ An làm điểm đứng chân đầu tiên - đó là một tín hiệu rất đáng vui mừng đối với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh nhà.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường trao đổi về việc tháo gỡ một số kiến nghị của dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An ngày 5/3/2016
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường trao đổi về việc tháo gỡ một số kiến nghị của dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An ngày 5/3/2016. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, năm 2016 cũng là năm mà tỉnh Nghệ An tăng cường đối thoại, trao đổi với Nhật Bản - một đối tác không mới nhưng lĩnh vực mà họ quan tâm đến lại rất đáng quan tâm: Phát triển nông nghiệp. Nghệ An vốn có nhiều thế mạnh về nông nghiệp và trong tương lai khi chúng ta theo đuổi con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải xác định rằng nông nghiệp vẫn sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Công nghiệp hoá không có nghĩa là xem nhẹ nông nghiệp, mà chúng ta sẽ công nghiệp hoá nông nghiệp, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong ngành sản xuất truyền thống này. Vậy nên chúng tôi đang rất kỳ vọng vào mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tôi nghĩ rằng một cuộc đối thoại trực tiếp và cụ thể với các nhà đầu tư nước ngoài là điều hết sức cần thiết, bởi chính sách đầu tư ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia không tránh khỏi những khác biệt. Chỉ có hiểu nhau và thống nhất với nhau về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên mới đảm bảo mối quan hệ hợp tác bền vững và đem lại lợi ích cho cả hai. Sự minh bạch, cởi mở và rõ ràng ngay từ đầu sẽ giúp hạn chế những sự cố không đáng có, ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong hai bên hoặc cả hai.

P.V: Như vậy là Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư lần này rất ưu ái vị khách đến từ nước ngoài, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Nói ưu ái hơn thì không chính xác. Việc quảng bá, thu hút đầu tư của Nghệ An với các doanh nghiệp trong nước đã và đang luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã có nhiều năm gắn bó với Nghệ An với những dự án tạo được dấu ấn đậm nét trong bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Có thể kể đến như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH - True Milk; Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam; Bia Hà Nội - Nghệ An; Nhà máy bao bì Sabeco; Nhà máy gỗ MDF; 2 nhà máy Tôn Hoa Sen; Nhà máy Xi măng Sông Lam 1 và 2 của Tập đoàn The Vissai; Trung tâm thực phẩm Masan Miền Bắc; Tập đoàn Mường Thanh với chuỗi khách sạn, tổ hợp du lịch thương mại giải trí; Vinpearl Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup;…

Tỉnh Nghệ An ghi nhận những đóng góp của các nhà đầu tư trong nước vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà thời gian qua và khẳng định sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả tại Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh thăm xưởng mộc của ông Trần Ngọc Sơn ở khối Nghĩa Sơn, phường Quang Phong, TX. Thái Hoà. Ảnh Tư liệu Báo NA
Chủ tịch UBND tỉnh thăm xưởng mộc của ông Trần Ngọc Sơn ở khối Nghĩa Sơn, phường Quang Phong, TX. Thái Hoà. Ảnh tư liệu

Tôi nghĩ rằng việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài còn mới mẻ với Nghệ An là điều hoàn toàn cần thiết. Các nhà đầu tư trong nước đã, đang và sẽ chọn Nghệ An có lẽ sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu về môi trường đầu tư của tỉnh bởi những lý do như ngôn ngữ, văn hoá…

Phải khẳng định một điều, các doanh nghiệp trong nước đã và đang làm ăn ở Nghệ An là những người bạn đồng hành có đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh nhà. Từ một tỉnh nông nghiệp, lạc hậu, đi sau nhiều tỉnh thành khác trên cả nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nay Nghệ An đã có những bước tiến rõ rệt trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cả nước.

Cùng với xu hướng hội nhập của cả nước và thế giới, chúng tôi mong rằng sự có mặt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ khiến môi trường đầu tư Nghệ An ngày càng chuyên nghiệp hơn, tiến đến các tiêu chuẩn quốc tế. Tôi tin rằng, cùng nhau chúng ta sẽ tiến xa hơn, bền vững hơn, trong một mối quan hệ hợp tác hay cũng có thể là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp - dĩ nhiên là phải lành mạnh.

P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!

P.V

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: 'Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO