Chủ tịch UBND tỉnh: Tạo thuận lợi nhất cho người dân khi thay đổi giấy tờ sau sáp nhập xã, xóm
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu Sở Nội vụ lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và tham mưu cho UBND tỉnh để có chỉ đạo, hướng dẫn đồng bộ cho cấp xã và các khối, xóm, bản trong việc thay đổi các giấy tờ liên quan đến nhân thân, giao dịch của người dân với chính quyền sau sáp nhập. Với tinh thần phải kịp thời, thuận lợi nhất cho người dân.
Chiều 11/9, tại phiên họp chuyên đề tháng 9, UBND tỉnh Nghệ An nghe và cho ý kiến về 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến sáp nhập xã và xóm để trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đinh Viết Hồng, Lê Ngọc Hoa đồng chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
UBND tỉnh thông qua Đề án sáp nhập xã
UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến Tờ trình dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về “Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2021.
Theo phương án sáp nhập, Nghệ An có 36 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 thuộc 9 huyện, thị gồm: Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên và Thái Hòa. Lúc đó, toàn tỉnh còn lại 460 ĐVHC cấp xã, gồm có 411 xã, 32 phường, 17 thị trấn.
Đề án cũng nêu phương án tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ công chức và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư; thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đồng chí Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày các Tờ trình dự thảo nghị quyết. Ảnh: Thành Duy |
Hội nghị cũng đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về việc thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, thôn, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quế Phong, Diễn Châu, thành phố Vinh và thị xã Hoàng Mai.
Trong đó, TP. Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Anh Sơn, Nghi Lộc hiện có tổng số 1.201 khối, xóm, bản. Theo phương án xây dựng, dự kiến thực hiện sáp nhập tổng cộng là 675 xóm và số xóm hình thành sau sáp nhập là 303 xóm. Tổng số xóm sau khi sáp nhập là 829 xóm, giảm 372 xóm.
Bên cạnh đó, các huyện Quỳnh Lưu, Quế Phong, Diễn Châu đề nghị bổ sung sáp nhập tổng cộng 20 xóm chưa thực hiện sáp nhập tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 và TP. Vinh đề nghị thành lập thêm 2 khối mới.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII đã thông qua Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 về việc sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc 14/21 huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, và giảm được 1.608 xóm sau khi hoàn thành.
Kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, đồng bộ
Tại cuộc làm việc, các đại biểu dự họp cơ bản đồng tình với hai dự thảo nghị quyết trên. Tuy nhiên, một số ý kiến nêu lên nhiều vấn đề cần quan tâm.
Đồng chí Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông đề nghị công tác tuyên truyền phải rất cụ thể, rất hệ thống, bài bản để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân khi sáp nhập.
Còn đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị có hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách đồng bộ cho cán bộ khối, xóm vì sau sáp nhập quy mô số hộ, diện tích đều tăng lên, khối lượng công việc theo đó cũng tăng lên.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng nêu thực trạng “thừa nhà văn hóa nhưng thiếu chỗ sinh hoạt” sau khi sáp nhập xóm nên cần phải tính toán; hướng dẫn điều chỉnh quy ước, hương ước các xóm mới; sửa đổi giấy tờ cho nhân dân;…
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Sau khi nghe ý kiến thành viên dự họp, thay mặt các thành viên UBND tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, thông qua hai dự thảo trên.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ cần rà soát lại các văn bản để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND đảm bảo chặt chẽ; tham mưu trình UBND tỉnh phương án phân bổ kinh phí để thực hiện, trong đó bao gồm cả công tác tuyên truyền.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cần nắm được tình hình ở các ĐVHC cấp xã có thuộc diện sáp nhập để kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, đồng bộ về rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ; hướng dẫn xử lý cơ sở vật chất; việc sửa đổi các giấy tờ nhân thân, giao dịch của người dân...
Nhấn mạnh đây là những việc quan trọng phải bắt tay làm ngay, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ phải cử cán bộ đồng hành cùng với các huyện, thị, ĐVHC cấp xã thuộc diện sáp nhập để rà soát, xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức; …
Cùng với đó, các các sở, ngành liên quan và các ĐVHC cấp xã, huyện tính toán được phương án xử lý cơ sở vật chất của cấp xã thuộc diện sáp nhập như: quy hoạch, phương án đấu giá đất trụ sở cũ để xây dựng trụ sở ĐVHC cấp xã mới ở địa điểm phù hợp, hợp lý thuận lợi cho giao dịch của nhân dân. Bên cạnh đó, cần yêu cầu các địa phương liên quan báo cáo hiện trạng trụ sở, và yêu cầu dừng đầu tư mới, cải tạo trụ sở (nếu có).
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, trong quá trình sáp nhập ĐVHC cấp xã cần tập trung công tác tuyên truyền có hệ thống, bài bản, đặc biệt quan tâm tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, sinh hoạt trực tiếp ở khối, xóm, bản để nhân dân được biết; đồng thời lan tỏa các cách tuyên truyền tốt...
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận nội dung làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Đối với sáp nhập xóm, Sở Nội vụ cần nghiên cứu để có chính sách mang tính chất động viên những cán bộ nghỉ do sáp nhập; tính toán chính sách cho cán bộ xóm sau sáp nhập với tầm nhìn tổng thể trên địa bàn tỉnh.
Đối với phương án sử dụng nhà văn hóa xóm sau sáp nhập, cấp huyện, xã phải chủ động rà soát, xây dựng phương án bố trí, sử dụng phù hợp. Còn cấp tỉnh, thực hiện kiểm tra, rà soát những vấn đề nổi cộm; báo cáo và xử lý kịp thời vướng mắc.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, Sở Nội vụ lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và tham mưu cho UBND tỉnh để có chỉ đạo, hướng dẫn đồng bộ cho cấp xã và các khối, xóm, bản trong việc thay đổi các giấy tờ liên quan đến nhân thân, giao dịch của người dân với chính quyền. Với tinh thần phải kịp thời, thuận lợi nhất cho người dân.
Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu: PV |
Sau khi UBND tỉnh thông qua, dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về “Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2021" sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến; sau đó trình HĐND tỉnh trong kỳ họp bất thường tổ chức vào tháng 9/2019. Sau đó, Nghệ An trình Bộ Nội vụ, để Bộ trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.
Còn dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về việc thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, thôn, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quế Phong, Diễn Châu, thành phố Vinh và thị xã Hoàng Mai sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường sắp tới.