Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: 'Đội ngũ trưởng, phó phòng phải làm gương cho anh em cộng sự'
(Baonghean.vn) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý, công tác CCHC liên quan đến toàn bộ các hoạt động của hệ thống chính trị. Vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành công trong công tác này là ý thức chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức chúng ta. Trong đó, đội ngũ trưởng, phó phòng phải làm gương cho anh em cộng sự.
Thảo luận tại Hội nghị gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ lãnh đạo phòng và tương đương trong khối cơ quan cấp tỉnh, các đại biểu lãnh đạo phòng cấp sở đặt ra nhiều câu hỏi, đề xuất liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trăn trở phát triển miền Tây
Liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Tân Anh – Phó Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh nêu câu hỏi: Tỉnh xác định như thế nào về những thách thức, những nguy cơ đặt ra trước mắt và lâu dài đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Tây Nghệ An? Tỉnh có giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu và tỷ trọng kinh tế của vùng miền Tây theo hướng phát triển kinh tế rừng lâu năm, dược liệu, đặc sản vùng miền?.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trả lời các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Cường |
Giải đáp nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, miền Tây được xác định là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn kết với nhiều vùng quan trọng khác như vùng đồng bằng ven biển, vùng đô thị. Đây là vùng có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế về kinh tế rừng, phát triển khai thác khoáng sản, du lịch.
Tỉnh xác định xây dựng miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội miền Tây còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ đặt ra trước mắt và lâu dài.
Đó là, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng đạt kết quả còn thấp; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao và kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; khoảng cách về thu nhập của dân cư khu vực miền Tây với vùng đồng bằng có nguy cơ gia tăng.
Ông Nguyễn Tân Anh – Phó Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đặt câu hỏi với Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Cường |
Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định 2355 ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay miền Tây Nghệ An đã có được một diện mạo, vai trò, vị thế mới.
Quy mô và tiềm lực kinh tế có bước phát triển khá; Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2018 đạt 8,4%, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29,09 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2013-2018 đạt 20,49%.
Việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản hiệu quả chưa cao; các vấn đề về môi trường do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu dẫn đến lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh; tình hình an ninh trật tự phức tạp; năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở một số nơi vẫn còn hạn chế,...
Để đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế rừng, cây dược liệu, cây đặc sản vùng miền Tây Nghệ An tỉnh tập trung giải pháp tổng thể, đột phá tập trung phát triển kinh tế - xã hội miền Tây của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2014 -2018 của miền Tây Nghệ An bình quân đạt 8,4%. |
Sáng kiến, hiến kế công tác cải cách hành chính
Một trong những nội dung được các lãnh đạo phòng quan tâm đó là công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. “Trong thời gian tới, tỉnh ta có kế hoạch, giải pháp nào để tăng các chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX? Tỉnh có quy định, chính sách nào hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong việc hiến kế, chung tay đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao các chỉ số nêu trên?” - bà Trần Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương nêu câu hỏi.
Bà Trần Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương nêu câu hỏi về công tác CCHC của tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
Làm rõ nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, trong những năm qua, công tác CCHC của tỉnh đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2018 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2017. Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), năm 2018, xếp thứ 4 toàn quốc với 46,57 điểm/80 điểm (tăng 40 bậc). Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2018 của tỉnh xếp thứ 29/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 02 bậc so với năm 2017).
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, tỉnh đưa ra kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng chỉ số. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng và thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp ngành/huyện (DDCI), hướng đến việc tạo động lực cạnh tranh thực sự giữa các ngành, địa phương trong cải cách hành chính, đặc biệt là cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư.
Đối với chỉ số PAPI và PARINDEX, tỉnh đang giao cho Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án cải thiện chỉ số PARINDEX và chỉ số PAPI của tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa Sở Xây dựng. Ảnh: Thanh Lê |
Về kế hoạch, giải pháp chung để nâng cao các chỉ số CCHC, tỉnh đang xây dựng và sẽ đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động trong cuối tháng 12/2019 hoặc đầu tháng 01/2020.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với sự phối hợp giải quyết theo thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị sẽ rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết các TTHC; tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức chỉ đến một nơi duy nhất để giải quyết các TTHC.
Đồng thời, tạo lập một môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại; tích hợp được các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; tiếp nhận trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh.
Cùng đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, trao đổi công việc với nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện CCHC ở các cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác CCHC của tỉnh còn nhiều việc phải làm. Những nội dung của công tác CCHC liên quan đến toàn bộ các hoạt động của hệ thống chính trị. Vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành công trong công tác này là ý thức chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức chúng ta.
“Trong đó, đội ngũ trưởng, phòng phải làm gương cho anh em cộng sự. Trên tinh thần đó, tôi mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức chúng ta dù ở vị trí nào đều phải đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đặc biệt, tôi mong muốn nhận được nhiều hiến kế, sáng kiến hiệu quả giúp tỉnh trong công tác CCHC từ các đồng chí lãnh đạo trưởng, phó phòng” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.