Chủ tịch VCCI Việt Nam: Nghệ An cần phải có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân
(Baonghean.vn) - Đặt vấn đề Nghệ An là tỉnh đông dân, số lượng lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang nhiều thì việc làm sẽ tạo ra ở đâu nếu không phải là ở doanh nghiệp tư nhân - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam nhấn mạnh cần phải có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư chiều 23/2.
Ưu tiên tạo việc làm cho người lao động
Mở lời phát biểu tham luận, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TS. Vũ Tiến Lộc xúc động chia sẻ: Những dự án được đưa vào hoạt động hiệu quả tại Nghệ An trong thời gian qua, những con số công bố ấn tượng hôm nay cho thấy những quả ngọt ngào mà chính quyền tỉnh đã dày công vun trồng.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi. Ảnh: Thành Cường |
Đầu tư vào nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân đồng thời nâng cấp dịch vụ du lịch là hướng phát triển bền vững của Nghệ An. Có thể giá trị công nghiệp, thu ngân sách của Nghệ An chưa hoành tráng so với các tỉnh “hàng xóm”, nhưng cách thức phát triển này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho đông đảo người dân, tạo thêm nhiều việc làm, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bao trùm khi không ai bỏ lại phía sau.
Theo định hướng này thì Nghệ An ngoài việc mời gọi “sếu đầu đàn” ra thì còn phải có một chiến lược phát triển kinh tế tư nhân. Hiện số lượng doanh nghiệp tư nhân tại Nghệ An đang hoạt động khá cao, xấp xỉ 12.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập, khoảng gần 10.000 doanh nghiệp đang đóng thuế nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người còn khiêm tốn.
Quan tâm phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo việc làm cho người lao động là ưu tiên phát triển của Nghệ An. Trong ảnh: Công nhân dệt may ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền |
Có thêm nhiều doanh nghiệp mới thành lập, bên cạnh thu hút được nhiều dự án nước ngoài là bài toán quan trọng của Nghệ An. Bởi điều này là để đảm bảo đủ việc làm cho người lao động. Khi người dân có việc làm sẽ thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ, tạo ra việc làm mới. Việc làm nhiều, thu nhập tăng cũng giúp phát triển y tế, giáo dục và giảm tệ nạn xã hội. Do vậy, tạo ra được việc làm có chất lượng cần là ưu tiên hàng đầu và công việc trọng tâm của lãnh đạo tỉnh và chính quyền các cấp.
Quan tâm từng dự án sau cấp phép
Giải pháp quan trọng thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh Nghệ An ngoài việc xúc tiến đầu tư rất hiệu quả còn phải chăm sóc nhà đầu tư, theo đúng khẩu hiệu “theo sát từng bước chân nhà đầu tư”. Cách này sẽ thể hiện được sự thay đổi tư duy từ "xin cho", "ban phát" sang "suy nghĩ và hành động". Việc quan tâm tới từng dự án sau cấp phép có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư, là cách hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp làm ăn bài bản. Việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ trở nên thiết thực nhất khi lấy hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp sau đầu tư làm thước đo về môi trường đầu tư.
Doanh nghiệp ở Nghệ An đang chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Ảnh: Thu Huyền |
“Chính vì vậy, tôi cho rằng những hoạt động cụ thể, thiết thực mà Nghệ An nên thực hiện là: Rà soát và kiến nghị gỡ bỏ các rào cản, khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải; đánh giá hiệu quả thực thi của các chính sách ban hành, kể cả đánh giá mức độ thực hiện của các sở, ngành có liên quan, thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, tìm tòi các sáng kiến mới để cải thiện môi trường kinh doanh… chính là những hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa. Đích đến ở đây không chỉ là những dự án đầu tư với số vốn cụ thể, thành tích ngắn hạn mà là một môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, bền vững mà bất cứ nhà đầu tư nào dù trong tỉnh hay ngoài tỉnh, dù trong nước ngay nước ngoài, dù lớn hay bé đều được hưởng lợi. Đây chính là những hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả và bền vững nhất”