Kinh tế

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới

Quang An 23/11/2024 12:20

Sáng 23/11, Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tổ chức Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ".

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Xuân Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương. Về phía tỉnh Nghệ An có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

bna_toan.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang An

Bắc Trung Bộ là vùng khá đặc thù trong cả nước, với 6/6 tỉnh đều có đường bờ biển và đường biên giới, các tỉnh đều có địa hình đa dạng, bao gồm cả đồng bằng ven biển ở phía Đông và miền núi ở phía Tây. Đến tháng 10/2024, toàn vùng có 1.111/1.380 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 80,5% số xã; 304 xã NTM nâng cao, đạt 22%; 61 xã NTM kiểu mẫu, đạt 4,4%.

Toàn vùng có 39 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Vùng Bắc Trung Bộ đã có 1.666 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (chiếm 11,7% tổng số sản phẩm cả nước).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Trong xây dựng nông thôn mới, một trong những thách thức quan trọng và cấp thiết hiện nay của cả nước nói chung và vùng Bắc Trung Bộ nói riêng là vấn đề nguồn nhân lực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, từ người lao động trực tiếp, đến đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý, lãnh đạo cơ sở còn không ít hạn chế, cả về lượng và chất, nhất là năng lực chuyên môn, kỹ thuật, cùng với khả năng sáng tạo và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

a tấn
Ông Nguyễn Xuân Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh vai trò của phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Quang An

Tại hội nghị, các địa phương như huyện Thanh Chương (Nghệ An), Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã có những tham luận về thực trạng nguồn nhân lực cho xây dựng NTM trên địa bàn. Lãnh đạo huyện Thanh Chương cho biết, hiện nay địa phương đang thiếu nhân lực trình độ cao ở mảng nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê đến ngày 31/10/2024, đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện Thanh Chương là 3.554 người. Trong đó: Trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 30,67%; trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ 1,02%; trình độ trung, sơ cấp chiếm tỷ lệ 12,9%; chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ 52,9%. Số cán bộ chưa qua đào tạo ở đây chủ yếu nằm ở đội ngũ cấp thôn, xóm, bản.

a thanh
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ về thực trạng lao động trên địa bàn. Ảnh: Quang An

Bên cạnh các địa phương, các trường đại học cũng đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tuyển sinh, đào tạo sinh viên ngành Nông nghiệp. Cụ thể, số liệu thống kê trong những năm gần đây, chỉ có chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học hàng năm đang ký học đại học các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản. Hằng năm, các trường chuyên đào tạo các ngành này thường chỉ tuyển sinh được dưới 50% chỉ tiêu cần tuyển và tuyển từ điểm sàn nên chất lượng sinh viên đầu vào rất thấp.

Các doanh nghiệp cũng có những ý kiến về những khó khăn trong quá trình tuyển dụng nguồn nhân lực trong ngành Nông nghiệp hiện nay. Trong đó, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó tuyển dụng nhất, vì phải đặt ra nhiều yêu cầu, chỉ tiêu đối với các ứng viên.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các ban, ngành, địa phương cần tập trung một số giải pháp bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi dưỡng cho cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về Chương trình xây dựng NTM; Đổi mới phương thức bồi dưỡng, tập huấn, giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời gian tham quan thực tế ở các địa phương điển hình trong xây dựng NTM...

bna_Dưa lưới được xem là sản phẩm chủ lực tại xã Khánh Hợp huyện Nghi Lộc khi thực hiện tiêu chí NTM nâng cao ảnh Quang An.jpg
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Quang An

Đối với đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện: Cho tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu về kiến thức nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu của Chương trình đề ra trong giai đoạn 2026 - 2030. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã: Bổ sung và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, nhất là cán bộ, công chức xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số.

Đối với đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản: Cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản nhằm đáp ứng nhiệm vụ mang tính công nghệ 4.0 trong thời gian tới. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, bản; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết gắn với các nhiệm vụ, thực tiễn công việc của trưởng thôn....

Mới nhất
x
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO