Chùa to, tượng lớn sao bằng lòng nhân ái!

Huệ Anh 17/07/2019 16:12

(Baonghean) - Hầu hết các tôn giáo lớn, đều lấy việc thờ phụng tôn tượng vị Giáo chủ của mình làm quan trọng. Đạo Phật thờ Đức Thích Ca Mâu Ni và chư Phật, Bồ Tát làm một nghi thức chính trong quá trình hoằng pháp. Tượng Phật luôn giữ một vị trí trung tâm của các ngôi chùa.

Những ngôi chùa Phật giáo trên thế giới ngày càng được xây dựng to lớn thì những pho tượng Phật cũng càng to lớn, hoành tráng hơn.

Thực ra thì phật tử chỉ thờ một Đức Phật. Đó là Phật Thích Ca Mâu Ni. Các chùa Phật giáo Nam tông, Tịnh xá Khất Sĩ, một số Thiền viện, Tu viện, chùa Phật giáo Bắc tông đều thờ Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra, phần nhiều các chùa phía Bắc (theo Phật giáo Đại thừa) thường thờ nhiều tượng cốt khác nữa.Một là do sự tín tâm của phật tử, cúng dường tượng cốt Phật thật nhiều vào chùa buộc lòng vị Trụ trì phải tôn thờ để cho đệ tử được phước và vui lòng.

Hai là các ngôi chùa Bắc tông ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam ngoài việc thờ tượng Phật Thích Ca, còn thờ thánh tượng Tây Phương Tam Thánh, Di Lặc Tôn Phật, Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền tại ngôi Tam Bảo, thờ chư lịch đại tổ sư kế thế Trụ trì, thờ Phật mẫu chuẩn đề, Giám trai Sứ giả bao nhiêu đó cũng thấy nhiều lắm rồi. Các chùa cổ Trung Hoa, Việt Nam còn thờ Phật Địa Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập điện Diêm vương…

Một số ít chùa thờ ngôi Tam Bảo Thánh tượng Quán Thế Âm, có chùa thờ Thánh tượng Di Lặc Tôn Phật (Tam Bảo mười phương), các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam có liên quan đến Đạo Phật, như Phật giáo Tứ Ân thờ “tấm vải trần điều”, Phật giáo Hòa Hảo thờ tấm “vải nâu”, chùa của Phật giáo Tứ Ân thờ Phật Thích Ca nhưng không có tượng Phật Thích Ca, các vị Phật, Bồ tát khác cũng thế (gọi là thờ vô vi).

Nói qua một chút để thấy rằng trong Phật giáo, vai trò của tượng Phật rất lớn. Ở những quốc gia Phật giáo phát triển, những ngôi chùa nhiều khi chính là những bảo tàng về tượng Phật. Điều đó thể hiện rất rõ ở Ấn Độ, Nepan, Lào…

Tín đồ Phật giáo xem tượng Phật là linh thiêng. Bởi khi phát tâm cúng dường đúc hoặc xây dựng tượng Phật người ta đã gửi gắm vào đó tất cả tâm tư tình cảm, ý nguyện của mình. Với họ, thấy tượng là thấy Phật, đứng trước tượng Phật là đứng trước Phật. Cúng dường xây dựng tượng Phật là một cách để phật tử thể hiện lòng thành với tôn giáo mà mình đang theo.

Tượng Phật bà Quan âm 12 tay được xem là một trong những pho tượng cổ nhất của chùa, phản ánh được sự tích hình thành chùa, cũng như mối quan hệ khăng khít giữa chùa Bà Bụt và đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang ở xã Bồi Sơn (Đô Lương). Ảnh tư liệu

Cũng từ quan niệm này mà số lượng chùa chiền được xây dựng mới ngày càng tăng lên, ngôi chùa xây dựng sau bao giờ cũng to lớn, hoành tráng hơn những ngôi chùa xây dựng trước. Cùng với đó là sự ra đời của những pho tượng Phật cũng to lớn không kém, những ngọn tháp cao trên trăm mét thờ Xá lị Phật, với tham vọng biến những nơi này thành trung tâm tâm linh đạt tầm cỡ khu vực, đạt kỷ lục nọ, kỷ lục kia của quốc tế…

Đúc tượng, xây chùa là việc tốt theo đúng nghĩa của những người hành đạo. Nhưng “Phật tại tâm”. Giáo lý đạo Phật từ thời khởi thủy đã vậy. Ngàn đời sau vẫn thế.

“Chùa to, tượng lớn, âu cũng chỉ là phương tiện. Điều quan trọng là đức hạnh của kẻ hành trì. Lo nhất vẫn là cái tâm của người tu tập…”.

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Thế nhưng, điều tưởng như chân lý ấy đã phần nào vơi đi khi ở đâu đó, những người xây chùa bây giờ đều có tham vọng là tạo nên những ngôi chùa “to nhất thế giới”, những ngọn tháp cũng “cao nhất thế giới”!

Họ, rõ ràng không phải là những nhà tu hành. Cũng không phải những phật tử phát tâm Bồ đề, cúng dường xây chùa đắp tượng vì sự phát triển của sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Họ chỉ đơn giản là những doanh nghiệp có nhiều tiền, tận dụng chính sách của Nhà nước, bỏ vốn ra đầu tư xây những ngôi chùa, đắp những pho tượng vào hàng “lớn nhất” để làm trung tâm thu hút khách cho những dự án kinh doanh du lịch tâm linh của mình mà thôi.

Những dự án xây chùa này, hầu như có bóng dáng doanh nghiệp đầu tư đứng phía sau. Họ mải mê xây chùa kỷ lục để thu hút du khách mà quên đi gốc của Đạo. Khách hành hương cũng không đến đó để tu học Phật pháp mà chỉ là tham quan, du lịch để thỏa trí tò mò, xem những kỷ lục kia ra sao. Trong hàng triệu người nghe giảng, bao nhiêu người hiểu được lời Phật dạy để rồi trở thành một phật tử thuần thành, hay đi lễ về vẫn đầy tham sân si…

Chúng ta đang say mê với các kỷ lục Phật giáo, lo trùng tu xây mới chùa to, Phật lớn, chúng ta mới chỉ đang chú trọng tô vẽ phần xác mà quên đi bồi đắp phần hồn. Gốc của đạo Phật là truyền bá chính pháp và hướng dẫn con người hành trì theo lời Phật dạy.

Chùa cũng là nơi các em thiếu niên, nhi đồng đăng ký tham gia khóa tu mùa hè. Về chùa, các khóa sinh được bố trí chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt theo quy định, tất cả hoàn toàn miễn phí. Hàng ngày, các em dậy sớm thực hiện nhiều hoạt động như nghe pháp thoại, ngồi thiền, luyện tập thể thao … Ảnh tư liệu

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, ngôi chùa là nơi truyền bá chính pháp. Nhưng nhiều chùa hiện nay chỉ chú trọng vào việc cúng lễ hơn là giảng đạo và tổ chức khóa tu. Nào là hộ niệm, cầu siêu, cúng tuần, dâng sao giải hạn, giải oan... vô hình trung biến đạo Phật thành đạo cầu cúng và đạo của người chết. Nhiều sư trụ trì đóng vai trò là thầy cúng, người thủ nhang, người quản tiền công đức là chính. Trong khi nhiệm vụ chính của sư trụ trì như một người lái đò, thả thuyền từ bi để cứu vớt người trầm luân.

Vì lẽ đó, xây chùa to Phật lớn cũng không sao. Nhưng hãy lo đắp bồi lòng nhân ái mới điều mà chúng sinh cần!

Mới nhất

x
Chùa to, tượng lớn sao bằng lòng nhân ái!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO