Chưa xuất hiện nhiều gương sáng trong lãnh đạo, quản lý các cấp
Đó là 1 trong 5 hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra ở phần đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/T.Ư tại Thông báo số 485-TB/TU ngày 9/5/2012, Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao ban, kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
(Baonghean) - Đó là 1 trong 5 hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra ở phần đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/T.Ư tại Thông báo số 485-TB/TU ngày 9/5/2012, Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao ban, kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Rõ ràng, đây là một nội dung kết luận mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thẳng thắn chỉ ra với tinh thần không ngại nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về những hạn chế, khuyết điểm trong việc đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Còn nhớ trước đây, sau khi theo dõi, chứng kiến rất nhiều hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, nhận thấy có nhiều thí sinh ở… trích dẫn nhiều câu chuyện cảm động về đồng chí Trương Đình Tuyển – nguyên Uỷ viên TƯ Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An để làm ví dụ về gương điển hình trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, một đồng chí lãnh đạo tỉnh khi đó đã thốt lên: Rằng hay thì thật hay, nhưng ngoài đồng chí Trương Đình Tuyển ra thì không còn ai là gương điển hình để kể nữa hay sao!
Câu nói của vị lãnh đạo nọ là một ý kiến cá nhân, có thể còn mang tính chủ quan, nhưng không thể nói là không có căn cứ.
Bộ Chính trị đã đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng, toàn xã hội bằng Chỉ thị 06-CT/TƯ ngày 7/11/2006. Ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị 03-CT/TƯ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong khi đa số đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng hưởng ứng mạnh mẽ việc Bộ Chính trị phát động thực hiện học tập và làm theo tấm gương của Bác và coi đó như là việc làm thường xuyên, hằng ngày, thì đáng buồn thay, ngay trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp lại có không ít người “phát” mà không “động”, coi như đó là việc của người khác. Cho nên không khó hiểu khi có ý kiến cho rằng,còn có quá ít cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa xứng đáng là gương điển hình đủ độ tin cậy, thuyết phục để xuất hiện với tư cách là gương điển hình trong các câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đó là một thực tế, dù không mấy vui vẻ cũng phải chấp nhận, còn nguyên nhân vì sao lại là một vấn đề khác, thiết nghĩ cũng rất đáng bàn.
Việc trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý “chưa xuất hiện nhiều gương sáng”, một mặt, đó là do có “một bộ phận không nhỏ” làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng bản thân cũng như người thân trong gia đình còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu giữ gìn về đạo đức, nhân phẩm, về tác phong, lối sống, sinh hoạt. Có những người tuy là cán bộ lãnh đạo, quản lý, có chức vụ hoặc địa vị cao trong tập thể, trong cơ quan, trong xã hội, thậm chí có thể được nhận các danh hiệu bình bầu về thi đua, về đạo đức…, nhưng vẫn không nhận được sự tôn trọng, kính nể của tập thể, của các cộng sự cũng như thuộc cấp.
Thậm chí, có nhiều người cho dù miệng luôn nói về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nhưng lời nói không đi đôi với việc làm. thì cũng không thể tự nhiên mà trở thành “gương sáng” được. Đây là một thực trạng đáng lo ngại và cần được nghiêm túc chấn chỉnh. Vì nếu người lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, cấp, ngành, địa phương… không gương mẫu, không nghiêm túc thực hiện, thì phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị, cấp, ngành, địa phương đó… cũng vì thế mà bịảnh hưởng, thiếu sức lan toả.
Mặt khác, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không ít các đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý làm được nhiều việc tốt, giữ gìn và phát huy các chuẩn mực giá trị đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự gương mẫu trong tác phong, sinh hoạt, lối sống, nhưng lại cầu toàn, ngại nói về bản thân mình, ngại tuyên truyền về bản thân mình, cho rằng những việc mình làm còn rất nhỏ bé, chưa đáng để nêu gương.
Trong sinh hoạt tập thể thì ngại đề cập đến bản thân mình, ngại trở thành người được nêu gương. Trước báo chí thì ngại xuất hiện, ngại trở thành người nổi tiếng vì tốt. Đây cũng là một hạn chế về nhận thức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện và nhân rộng các gương người tốt việc tốt, các gương điển hình để tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Do đó, việc triển khai thực hiện cũng như đánh giá, nhận xét việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, các cấp uỷ đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) ) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng Nghị quyết đề ra thì giải pháp đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác Hồ một cách thiết thực, hiệu quả.
Do đó, trong quá trình kiểm điểm,cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tập thể, thiết nghĩ cần tập trung làm rõ những hạn chế, khuyết điểm trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một trong những vấn đề cần được đặt ra và làm rõ khi tiến hành phê bình và tự phê bình là: lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị, tập thể… đã thực sự gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hay chưa? Tại sao? Đây là việc làm cần thiết gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.
Ngô Yên