Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: 'Cần' nhưng không vội

Mỹ Hà 09/03/2021 14:59

(Baonghean.vn) - Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một trong những tiêu chuẩn của giáo viên để thăng hạng và giữ hạng. Tuy nhiên, xung quanh quy định này đang có nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên.

Cơ hội để được thăng hạng

Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Đồng thời, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được coi là “giấy tờ” để chứng minh viên chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nghề nghiệp hay không.

Luật Viên chức năm 2010 cũng quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”.

Giờ dạy của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phú 2. Ảnh: MH
Một giờ dạy tại Trường Tiểu học Nghi Phú 2. Ảnh: MH

Với ngành Giáo dục, trước đây, tùy theo bậc học, giáo viên sẽ được xếp từ hạng IV đến hạng I và đây cũng là căn cứ để trả lương cho giáo viên. Quy định này cũng có những bất cập bởi có khá nhiều trường hợp, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, vì dù đã tốt nghiệp đại học nhưng khi tuyển dụng các giáo viên chỉ được trả lương theo trình độ trung cấp, cao đẳng. Để được nâng lương, giáo viên buộc phải thi nâng hạng với khá nhiều tiêu chuẩn “cứng”. Trong đó, khó nhất vẫn là tiêu chí về bằng cấp như phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ nghề nghiệp.

Trên thực tế, trong những năm qua, có hàng nghìn giáo viên Nghệ An đã đi bồi dưỡng để có được một trong các chứng chỉ này nhưng số giáo viên được nâng hạng không nhiều. Điều này cũng sẽ dẫn đến thiệt thòi, nhất là với những giáo viên đã có nhiều năm công tác và hệ số lương đã sát với khung nâng lương cao nhất của Nhà nước.

Liên quan đến việc nâng hạng cho giáo viên, từ 20/3/2021, 4 thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bao gồm Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành. Những thông tư này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường theo các bậc học từ mầm non tới trung học phổ thông.

Đặc biệt, từ 20/3/2021, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới cũng sẽ thay đổi. Trong đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98). Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).

Sự thay đổi này về khách quan phải khẳng định có lợi rất nhiều cho giáo viên. Tuy nhiên, việc nâng lương còn phụ thuộc vào các mức hạng của giáo viên. Quy định mới cũng đã bãi bỏ tiêu chuẩn về chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ nếu giáo viên muốn thăng hạng. Nhưng giáo viên cần phải có chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức.

Điều này, nhiều giáo viên cho rằng là không cần thiết vì để học chứng chỉ giáo viên phải đóng học phí 2.500.000 đồng/người cho một khóa học ngắn hạn. Trong khi đó, những nội dung giảng dạy ở khóa học này không mới và nhiều giáo viên cơ bản đã đáp ứng được việc dạy và học. Đặc biệt, một số giáo viên cho rằng, họ đã có chứng chỉ hạng II và đương nhiên khi chuyển sang thông tư mới họ phải được chuyển đổi theo quy định. Tuy vậy, nếu không có chứng chỉ họ sẽ phải xếp xuống hạng III cho đến khi bổ sung đủ chứng chỉ.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Hưng Dũng. Ảnh: MH
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Hưng Dũng. Ảnh: MH

Quy định mới về việc thăng hạng cũng đã khiến nhiều giáo viên lo lắng và đua nhau đăng ký các lớp học chứng chỉ, thậm chí đăng ký học qua mạng. Một số trung tâm GDTX và GDNN trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo và một số trường đại học, cao đẳng mở các lớp học chứng chỉ cho học viên. Trong khi đó, không phải giáo viên nào cứ học xong chứng chỉ là có thể được nâng hạng ngay.

Không “ồ ạt” học chứng chỉ.

Trường THPT Kỳ Sơn hiện có hơn 80 cán bộ, giáo viên và có những người đã công tác gần 30 năm. Mặc dù vậy, đến nay toàn bộ giáo viên của trường vẫn chỉ đang xếp ở hạng III (hạng thấp nhất của giáo viên).

Trước đó, khi chủ trương của Nhà nước về thăng hạng giáo viên được ban hành, có gần 40 giáo viên của trường đã đi học chứng chỉ nghề nghiệp nhưng chưa được thăng hạng với các lý do như chưa xét thăng hạng, thiếu một trong số các chứng chỉ theo tiêu chuẩn cứng...

Một buổi học nghiệp vụ chuyên môn của giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Đức Anh

Nói về điều này, thầy giáo Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc nâng hạng là nguyện vọng nhiều năm nay của các giáo viên và chúng tôi mong sớm được xét nâng hạng vì kéo dài lâu thì các chứng chỉ của giáo viên có thể sẽ hết hạn sử dụng”.

Liên quan về các thông tư mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các yêu cầu, tiêu chí về kiến thức kỹ năng đối với từng hạng, ngạch là hợp lý. Sự điều chỉnh của thông tư mới có lợi hơn cho giáo viên rất nhiều. Khi xếp hạng/bậc theo quy định mới, các giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đa phần được vượt lên so với trước đây”.

Trên thực tế, chứng chỉ về chức danh nghề nghiệp không phải là yêu cầu chỉ riêng với ngành Giáo dục mà còn với tất cả các ngành khác. Nhưng, nhiều giáo viên chưa được hướng dẫn đầy đủ. Do đó, trước đây đã có tình trạng giáo viên đua nhau bỏ tiền đi học chứng chỉ nghề nghiệp, thậm chí nhiều giáo viên do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ.

Đại đa số giáo viên Nghệ An đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Ảnh: MH

Nhiều đơn vị không đủ thẩm quyền cũng đã mở các lớp học và cấp chứng chỉ làm gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của giáo viên. Trong hoàn cảnh hiện nay, ông Thái Văn Thành cũng cho rằng không nên vội vàng đi học chứng chỉ để tránh lãng phí. Chẳng hạn, những giáo viên chưa đủ năm công tác, phải 6,7 năm nữa mới tới hạn nâng bậc thì không cần học sớm mà dành thời gian để bổ sung các điều kiện khác.

Trước đó, ngày 24/2, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đã có công văn đề nghị các Phòng GD-ĐT, trường học trên địa bàn rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, sắp xếp tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng. Văn bản cũng yêu cầu các đơn vị phải xác định từng giáo viên đào tạo trình độ nào, phải bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng bao nhiêu và khuyến cáo giáo viên không tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng online do các đơn vị không đủ điều kiện, không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí không đáng có.

Mới đây nhất, ngày 4/3, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục có văn bản chấn chỉnh về vấn đề này. Cụ thể, trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chi tiết triển khai các thông tư mới, Sở khuyến cáo giáo viên chưa tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Đồng thời, nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức không có chức năng, thẩm quyền tự ý vào quảng cáo chiêu sinh, tổ chức cho giáo viên đăng ký các khóa bồi dưỡng làm ảnh hưởng các hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục. Về phía các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục không được phối hợp với các cơ sở đào tạo để triển khai bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi chưa có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Mới nhất
x
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: 'Cần' nhưng không vội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO