Chứng khoán giằng co ở đáy trong tuần đầy kỳ vọng về thị trường bất động sản
Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ như một số ngân hàng hạ lãi suất, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu được xem xét thông qua, hội nghị tháo khó cho bất động sản... nhưng chỉ số VN-Index cũng chỉ hồi phục nhẹ.
Tâm điểm là hội nghị bất động sản
Tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán tuần 13-17/2 là Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững vào ngày 17/2, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Nhiều nhà đầu tư rất kỳ vọng kết quả của hội nghị sẽ thúc đẩy cổ phiếu bất động sản bay cao, qua đó tác động tích cực đến cổ phiếu các lĩnh vực khác.
Mặc dù hồi phục trong 3 phiên cuối tuần, nhưng đà giảm mạnh đầu tuần vẫn khiến nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có một tuần giảm điểm. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 4,6%; Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn giảm 15,3%; Bất động sản Phát Đạt (PDR) giảm 9,1% và Đất Xanh (DXG) giảm 3,9%...
VN-Index vẫn xoay quanh đáy. Nguồn: TV |
Trên thị trường chung, hai phiên đầu tuần chịu áp lực giảm mạnh, khiến VN-Index mức thấp 1.031,7 điểm - mức đáy kể từ đầu năm.
Vào giữa tuần, thị trường chứng khoán đón nhận một số thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua... đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy và giúp thị trường đảo chiều tăng điểm 3 phiên cuối tuần, đưa chỉ số VN-Index hồi phục nhẹ 0,4% so với tuần trước về mức 1.059,3 điểm, sau 2 tuần điều chỉnh liên tiếp.
Tuy nhiên, tình hình chung vẫn khá ảm đạm.
Thanh khoản 3 sàn giảm 9,5% xuống 9.999 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại chính thức bán ròng 471 tỷ đồng trên sàn HOSE sau khi liên tục mua ròng trong nhiều tuần trước.
Hâm nóng bằng 2 gói tín dụng lớn, kỳ vọng lãi suất giảm
Dù tín hiệu chính sách đã rõ, doanh nghiệp bất động sản phải giải quyết khó khăn của chính mình, nhưng vào cuối phiên 17/2, một số mã cổ phiếu bất động sản chuyển từ giảm sang tăng nhẹ. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, Nghị định 65 sửa đổi sẽ được thông qua và hai gói tín dụng lớn có thể hỗ trợ cho thị trường bất động sản bớt ảm đạm.
Tại Hội nghị bất động sản sáng 17/2, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản (với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất bình quân của các ngân hàng). Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp.
Đây được xem là nguồn vốn mồi khôi phục thị trường bất động sản.
NHNN cũng đang điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Về lãi suất, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT cho rằng, việc giảm lãi suất huy động và cho vay trong thời gian sắp tới là khả thi.
Sự đồng thuận của nhóm 4 ngân hàng lớn nhất (chiếm 45% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế) có thể sẽ kéo lãi suất đi xuống.
NHNN cũng bơm một lượng tiền lớn thông qua hoạt động mua USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối, qua đó hỗ trợ thanh khoản và tăng cung tiền cho hệ thống.
Đánh giá triển vọng TTCK tuần tới, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VnDirect cho rằng, dòng tiền trên TTCK nhìn chung vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường ở mức thấp. Thị trường sẽ gặp thử thách trong tuần tới khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm.
Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.