Chúng mình còn quá trẻ để buồn thêm…

Phước Anh 29/10/2023 16:17

(Baonghean.vn) - Xã hội ngày càng tân tiến hơn nhưng con người lại ngày càng thụt lùi hơn trong đời sống tinh thần. Họ yếu đuối, uỷ mị, dễ dàng để sự buồn nản kéo xuống dốc, năng lượng tích cực ít ỏi đến mức không đủ để vực họ dậy trong hố sâu chán chường.

anh-chill-buon-yodyvn.jpg.jpg
Nhiều người trẻ quẩn quanh trong nỗi chán nản mà phần lớn là do thế giới tinh thần yếu đuối tạo ra. Ảnh minh hoạ: Internet

Minh nhắn với tôi rằng chắc có lẽ em phải tìm cách thoát khỏi tình trạng này thôi chị ạ, vì quá mệt mỏi rồi! Tôi hồi âm: Ừ, phải thay đổi chứ! Tôi không ngờ rằng, đó là tin nhắn cuối cùng, ký ức cuối cùng về Minh - chàng trai 24 tuổi có nụ cười toả nắng.

“Cách thoát khỏi tình trạng này” mà Minh nhắn, nào có ngờ đâu lại là phương thức cực đoan nhất. 3 ngày sau, gia đình Minh tìm được thi thể cậu ở hạ lưu, cách nơi cậu gieo mình mười mấy km. Bố mẹ cậu khóc đứt từng khúc ruột. Gia đình cậu vì sự ra đi quyết tuyệt của con trai mà kéo dài thêm bi kịch và nghèo đói. Những người bạn - cả những người đã từng tốt và từng xấu với cậu, đến thắp một nén nhang, rồi về. Vậy thôi, thời gian chảy trôi, ai mà dừng lại để nhớ thương một cuộc đời đã tắt.

Nếu thực có thế giới bên kia, tôi rất muốn biết khi ngoái nhìn những ngổn ngang mà mình để lại, Minh có hối hận không? Còn sống là còn tất cả. Không có nỗi buồn nào là không thể vượt qua. Không có vướng mắc, khó khăn nào là không thể gỡ. Minh đã quẩn quanh trong nỗi chán nản mà phần lớn là do thế giới tinh thần yếu đuối tạo ra, bi kịch hoá nó lên, và nghĩ rằng chỉ cần mình không tồn tại thì mọi thứ sẽ biến mất. Thế còn những người ở lại, Minh ơi? Minh rũ bỏ nỗi chán nản của mình, nhưng lại đặt nỗi đớn đau gấp vạn lần lên vai những người thân yêu…

1qjb8urvnfhbj5q1jbmq-16030098570841304540786.jpeg.jpg
Buồn nản dường như đang là hội chứng xã hội của nhiều người trẻ. Ảnh minh hoạ: Internet

Trên thế giới này, mỗi ngày có đến 4.000 người như Minh - theo số liệu từ WHO. Người tự tử có xu hướng trẻ hoá. Thi không tốt; bố mẹ trách mắng; người yêu quay lưng; bạn bè bội ước; công việc trắc trở; thân thể ốm đau… mọi điều không thông thuận trong cuộc sống đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những quyết định cực đoan. Có cảm giác như sức chịu đựng áp lực và khó khăn của một bộ phận người trẻ ngày nay kém hơn xưa nhiều? Ngày xưa, người ta quý trọng mạng sống đến vô cùng, người ta vùng vẫy trong bể đao gươm súng đạn để níu lấy một hơi tàn; còn ngày nay, với nhiều người, mạng sống đôi khi chỉ là một quyết định bốc đồng trong chớp tắt.

Buồn nản dường như đang là hội chứng xã hội của nhiều người trẻ. Trên mạng, chúng ta gặp không ít những status than vãn, những bức ảnh quay lưng nhìn vào bóng tối xa xăm, những dấu câu cảm thán mệt mỏi. Ngoài đời, nhiều người lựa chọn chấm hết tiêu cực để kết thúc mớ rắc rối, bùng nhùng của cuộc đời mình.

Xã hội ngày càng tân tiến hơn nhưng con người lại ngày càng thụt lùi hơn trong đời sống tinh thần. Họ yếu đuối, uỷ mị, dễ dàng để sự buồn nản kéo xuống dốc, năng lượng tích cực ít ỏi đến mức không đủ để vực họ dậy trong hố sâu chán chường. Họ quá mẫn cảm, tự ti, yêu bản thân không đúng cách, luôn có xu hướng drama hoá câu chuyện đời mình, phóng đại những nỗi buồn và cho rằng mình bất hạnh nhất thiên hạ. Thay vì tìm cách đối diện và giải quyết, thì không ít người trẻ lại chọn co mình lại, cuộn tròn trong thế giới nội tâm u tối, dằn vặt tâm trí bằng những liên tưởng tuyệt vọng.

cd2-15635957809951653066245.jpg.jpg
Xã hội ngày càng tân tiến hơn nhưng con người lại ngày càng thụt lùi hơn trong đời sống tinh thần. Ảnh minh hoạ: Internet

Mà có đôi khi, thể hiện sự buồn chán cũng là trend (xu hướng) đấy. Internet và mạng xã hội đã tạo ra số người đau buồn cực lớn với tốc độ chóng mặt. Có cảm giác như thể hiện niềm vui thì ít nhận được đồng cảm hơn nỗi buồn, ít “like” hơn nỗi buồn, và ít được mọi người chú ý tương tác hơn nỗi buồn. Phải rồi, sự tương tác - chính nó là một trong những nguồn cơn dẫn đến hội chứng nỗi buồn online, và dần dà trở thành viên thuốc độc giết dần giết mòn tâm trí của một bộ phận người trẻ. Trong thế giới ảo mà sự tương tác trở thành cuộc đua ám ảnh, những con số (lượt xem, lượt theo dõi, lượt tiếp cận, lượt like, số bình luận, chia sẻ…) là thước đo duy nhất được công nhận, thì không ít người vô thức bị cuốn theo dòng chảy đó. Trên Facebook, Instagram, TikTok… tràn ngập những hashtag #proana (ủng hộ chứng chán ăn), #socialanxiety (lo lắng xã hội), #suicide (tự tử)… thu hút lượt like, comment và share rất nhiều.

Có lẽ, chúng ta thực sự cần một cuộc “cách mạng” để đẩy lùi nỗi buồn online, đưa con người về với thế giới thật ngồn ngộn hỉ, nộ, ái, ố, mài dũa tâm trí trong bể nhân sinh thấm đẫm buồn vui, vì cuộc đời hiển nhiên phải thế. Cuộc đời đáng sống lắm, và hạnh phúc thì lấp lánh xung quanh, nói cho cùng thì “Chúng mình còn quá trẻ để buồn thêm” (thơ Nguyễn Thiên Ngân). Sống đi, vui mà!

Mới nhất
x
Chúng mình còn quá trẻ để buồn thêm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO