Chung nhịp bước ở bản Piêng Phô
(Baonghean) - Hôm đến bản, chúng tôi chứng kiến các chị em hội viên phụ nữ bản Piêng Phô, xã Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn) mang gạo đến trao tận tay cho bà Lương Thị Biến, 80 tuổi, gia đình bà neo đơn, thường xuyên bị ốm đau. Bà Biến cảm động chia sẻ: “Mẹ tuổi cao sức yếu rồi, hiện đang ở với cháu dâu, nó bị bệnh phải đi viện tỉnh điều trị hơn 6 tháng rồi. Ở nhà khó khăn nhưng mẹ yên lòng vì được các chị em cho gạo. Các chị còn phân công thay phiên nhau đến thăm nom giúp đỡ việc nhà thường xuyên. Nhờ chị em mà mẹ cũng như gia đình có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”. Bằng những việc làm thiết thực đó, Chi hội phụ nữ đã tạo chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của mỗi hội viên và các gia đình trong bản.
Bản Piêng Phô có 62 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống, Chi hội phụ nữ bản có 35 hội viên. Những năm qua, các hội viên phụ nữ tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia phát triển kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm… Mặc dù cuộc sống của các hội viên đang còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với tinh thần tương thân tương ái, lành đùm lá rách, chị em đã chung tay xây dựng và duy trì mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” từ năm 2008 đến nay. Gần 7 năm, các chị em nơi đây đã quyên góp được 600 kg gạo giúp đỡ 7 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu lương thực trong những ngày giáp hạt; cùng đó, quyên góp thăm hỏi 45 lượt chị em khi ốm đau bệnh tật với số tiền 2,25 triệu đồng, thăm hỏi 3 gia đình chính sách 1,8 triệu đồng, giúp đỡ hàng trăm ngày công làm nhà ở cho các hộ nghèo…
Phụ nữ bản Piêng Phô phát triển chăn nuôi. Ảnh: H.p |
Cùng đó, Chi hội phụ nữ còn phổ biến kiến thức cho hội viên cách nuôi dạy con khỏe, chăm con ngoan; vệ sinh môi trường và phòng bệnh ở thôn bản. Hàng tuần các chị em trong bản cùng tham gia dọn vệ sinh đường nội bản, vận động các gia đình di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn và tập trung thành 2 khu vực nuôi nhốt riêng cách xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh. Vì thế, người dân cũng như đàn gia súc ít mắc bệnh tật hơn trước. 20 hội viên còn chung tay khai hoang khu đất bãi bồi ở giữa hai khe chảy qua bản với diện tích khoảng 3.000m2 trồng các loại rau. Mùa nào thức ấy, các chị vừa phục vụ nhu cầu gia đình và còn có sản phẩm bán ra thị trường thị trấn Mường Xén, rau của các chị không dùng thuốc trừ sâu nên được người tiêu dùng ưa chuộng, đặt hàng. Nhiều năm qua, các hội viên luôn nêu cao tinh thần tự học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, từng bước đem lại thu nhập cao như mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng chuối tiến cho thu nhập cao, tiêu biểu có chị Lô Thị Hòa mỗi tháng thu về 2 - 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chị còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái để tăng thu nhập cho gia đình trong lúc nông nhàn và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Nhờ kinh tế được nâng lên nên cả bản hiện nay chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm 16,12%, trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 65%, số gia đình chị em đạt danh hiệu văn hóa chiếm 71,43%. Chi hội nhiều năm liền không có chị em nào sinh con thứ 3, không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không có bạo lực gia đình. 5 năm trở lại đây, chi hội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản không có người nghiện ma túy và vi phạm các tệ nạn xã hội… Từ năm 2010, bản Piêng Phô được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là Bản văn hóa cấp tỉnh.
Chị Lương Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Piêng Phô cho biết: “Chúng tôi tiếp tục vận động chị em khai hoang, cải tại thêm đất để trồng rau, ngô. Cùng đó, tăng diện tích trồng chuối đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và tích cực quyên góp gạo hỗ trợ các gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân, giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất”… Còn chị Vũ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn khẳng định: Từ những cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, phụ nữ bản Piêng Phô đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi gia đình. Các chị ngày càng gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo, cùng chung nhịp bước xây dựng tổ chức hội vững mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc. Huyện hội đang chỉ đạo nhân rộng mô hình cho các chi hội ở các bản làng khác…”.
Trần Văn Đức
(Huyện ủy Kỳ Sơn)