Chương trình hành động chưa có thì chống lãng phí kiểu gì?
Quá nhiều bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có chương trình, báo cáo khiến nhiều ý kiến băn khoăn về việc thực hiện trên thực tế.
Thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Chính phủ tại phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng công tác này có nhiều tiến bộ so với 2016; việc chấp hành nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc hơn, có nhiều cố gắng từ quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm trang thiết bị, khai thác sử dụng tài nguyên,... Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường và phát hiện nhiều vi phạm để chấn chỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả, lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau.
Song, điều đáng chú ý tại phiên thảo luận lại chính là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có chương trình hành động hoặc báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều đại biểu dùng từ “thiếu nghiêm túc” khi đề cập vấn đề này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý thức của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa nghiêm túc. |
Không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác và thực chất của báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bởi lẽ, báo cáo của Chính phủ dựa trên tổng hợp, phân tích báo cáo của các đơn vị thì việc thiếu quá nhiều số liệu cụ thể dễ dẫn đến những đánh giá, nhận định thiếu vững chắc. Và đương nhiên, những “địa chỉ” cần phải khắc phục hay điểm sáng cần nêu gương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khó được chỉ đích xác.
Hơn thế, nhiều đơn vị chưa có báo cáo hay chương trình hành động lại được cho là những nơi quản lý, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, tài sản công - những trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt việc tiết kiệm, chống lãng phí theo luật định.
Thậm chí, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải còn chỉ ra “hai điều đặc biệt”, đó là có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng lại... không có số liệu về nội dung này. Và có đơn vị gửi nhầm báo cáo của năm 2016!?
“Chỉ nói xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công thương được thực hiện theo nguyên tắc thị trường là không đáp ứng được yêu cầu của đại biểu và cử tri. Vấn đề này được báo cáo cách đây 2 năm rồi, giờ cử tri chỉ muốn biết đến nay tiến bộ thế nào, đưa vào sản xuất hiệu quả, giảm thiệt hại ra sao” - Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Nguyễn Văn Giàu.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: Chưa ban hành chương trình thì việc tuân thủ chỉ đạo và thực hiện pháp luật cần xem lại nghiêm túc, vì nhận thức như vậy rồi thực tiễn thực hiện kiểu gì?
Còn Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy thì nói thẳng, một báo cáo mà thiếu số liệu như thế thể hiện chuyển biến về nhận thức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa ăn sâu trong đời sống xã hội. Phải làm rõ, bởi cái dễ nhất là báo cáo mà không báo cáo đầy đủ thì thực hiện làm thế nào!
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định ngay trong ngày báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có chương trình để kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.
Với sự thẳng thắn này, chắc chắn, báo cáo sắp tới sẽ đầy đủ, chính xác, thực chất, từ đó các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra sát hơn, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có bước tiến mới./.