Xã hội

Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' viết tiếp hành trình cho trẻ mồ côi Nghệ An

Mai Hoa 14/11/2024 12:16

Gia đình là tổ ấm, là nơi yêu thương, đùm bọc, chở che của mỗi người. Song có những đứa trẻ không trọn vẹn khi không có đủ cả bố và mẹ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do hội phụ nữ các cấp trong tỉnh triển khai nhằm xoa dịu nỗi đau, là điểm tựa viết tiếp hành trình tương lai cho trẻ mồ côi.

 4
Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh, huyện Quỳnh Lưu và nhà hảo tâm tặng quà cho trẻ mồ côi tại Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Hướng dương đón nắng" tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: CSCC

Kết nối đỡ đầu 2.143 trẻ mồ côi

Lên vùng tái định cư xã Thanh Sơn (Thanh Chương), được cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đưa đến thăm cháu Quang Văn Đạt, ở bản Thanh Dương. Nghe bước chân ngoài cổng, cháu Quang Văn Đạt từ trong nhà chạy ra hớn hở, rối rít chào mẹ Hạnh, bố Long, bố Hải… (những cán bộ ngân hàng nhận Đạt làm con nuôi theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Phụ nữ huyện Thanh Chương chủ trì kết nối).

Chị Trần Thị Mai Hạnh - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương chia sẻ: “Chứng kiến sự thiếu thốn cả về tình cảm, vật chất của bé Đạt, ai cũng thương. Ngoài hỗ trợ cố định 500 nghìn đồng/tháng, mỗi khi có cán bộ cơ quan lên xã Thanh Sơn đi giao dịch, kiểm tra sử dụng vốn, anh em cơ quan, bằng tình cảm cá nhân, người gói bánh, người bộ quần áo, người cuốn sách, cuốn vở, quả bóng… gửi lên cho bé Đạt”.

 5
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương thăm hỏi, động viên cháu Quang Văn Đạt, ở bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Cháu Quang Văn Đạt mồ côi bố khi 4 tuổi; mẹ sức khỏe yếu, chỉ làm vài sào ruộng và ai thuê gì làm nấy. Hai mẹ con Đạt hiện đang ở trong căn nhà tạm được cất trên mảnh đất của gia đình bà ngoại. “Khi hai mẹ con Đạt có đất ở, cơ quan tiếp tục kêu gọi hỗ trợ để làm nhà ở khang trang hơn”, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương chia sẻ.

 7
Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương và cán bộ hội phụ nữ xã tặng quà, động viên cháu Quang Văn Đạt, bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Ảnh: CSCC

Ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), bất hạnh đến với 3 cháu Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ti Hi, Nguyễn Thị Mỹ Tiên khi cả bố và mẹ đều mất do thiên tai vào năm 2022. Thời điểm đó, cháu lớn nhất 11 tuổi, cháu thứ hai 7 tuổi và cháu thứ ba 5 tuổi, phải về ở với bà ngoại, ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc).

Thấu hiểu hoàn cảnh 3 cháu, Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc đã kết nối Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An nhận đỡ đầu 3 cháu trong thời gian 3 năm (10/2022 - 10/2025), với mức hỗ trợ hàng tháng 1 triệu đồng/cháu. Cùng với đó, vào đầu mỗi năm học mới, ngày lễ, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Tết Nguyên đán, Noel…; cán bộ Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc và xã cũng rất quan tâm đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các cháu.

 8
Lãnh đạo huyện Nghi Lộc thăm hỏi, động viên 3 cháu Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ti Hi, Nguyễn Thị Mỹ Tiên mồ côi cả bố và mẹ. Ảnh: Mai Hoa

Cũng ở huyện Nghi Lộc, tại xã Nghi Long, cháu Nguyễn Đình Hậu, ở thôn Kim Diên mồ côi bố khi lên 6 tuổi và 2 năm sau mồ côi mẹ. Để đồng hành cùng bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng Hậu trưởng thành, chị Hồ Thị Thu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Kim Diên đã vận động Chi hội Phụ nữ xóm nhận Hậu làm “con nuôi” với mức hỗ trợ hàng tháng 300 - 500 nghìn đồng và thường xuyên chăm lo hướng dẫn cháu Hậu học tập.

 9
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc tặng quà động viên 3 cháu Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ti Hi, Nguyễn Thị Mỹ Tiên mồ côi cả bố và mẹ. Ảnh: Mai Hoa

Mỗi đứa trẻ sinh ra và trong quá trình trưởng thành đều cần bàn tay chăm sóc, yêu thương, đùm bọc của người thân trong gia đình và trực tiếp là những người bố, người mẹ với tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng. Song có những đứa trẻ lại thiếu đi những điều quý giá đó, do mất đi người bố, người mẹ, trở thành trẻ mồ côi. Bằng tình cảm của những người phụ nữ và vừa là thực hiện trách nhiệm công tác hội, thời gian qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đứng ra nhận đỡ đầu, đồng thời vận động, kết nối các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ mô côi có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.

Kết quả sau gần 3 năm triển khai (từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2024), các cấp hội phụ nữ tỉnh Nghệ An đã nhận đỡ đầu và kết nối 1.544 “Mẹ đỡ đầu” cho 2.143 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với nguồn lực cam kết hỗ trợ theo biên bản ghi nhớ giữa “Mẹ đỡ đầu” với các gia đình trẻ hoặc người chăm sóc thay thế cho trẻ mồ côi là hơn 26,3 tỷ đồng.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai vào năm 2021 và được các cấp hội phụ nữ ở Nghệ An thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Qua rà soát, số trẻ mồ côi cả bố, mẹ hoặc mồ côi bố hoặc mẹ có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh khá lớn, trong khi “lực” của tổ chức hội hạn chế. Bởi vậy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, bên cạnh nội lực, nỗ lực của tổ chức hội, cần lan tỏa chương trình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng chung tay, góp sức giúp đỡ trẻ mồ côi.

 12
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh và huyện Thanh Chương tặng quà cho trẻ mồ côi tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Theo đó, ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ban hành văn bản gửi đến các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cơ quan, doanh nghiệp nhằm kêu gọi sự chung tay, đăng ký đỡ đầu trẻ mồ côi. Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, gắn với lễ phát động triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” với sự ra mắt của 32 tổ chức, cá nhân nhận làm “Mẹ đỡ đầu” 63 cháu bé mồ côi với tổng số tiền cam kết hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng để lan toả.

Ở từng cơ sở, đã có những cách làm riêng, sáng tạo, hiệu quả. Như huyện Quế Phong, hội phụ nữ tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch, gắn với giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chức Đảng và các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học nhận đỡ đầu ít nhất 1 - 2 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Bằng cách làm đó, mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều làm “Mẹ đỡ đầu”, cùng với vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm ngoài địạ bàn, toàn huyện đã có 125 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu.

Ở huyện Nghi Lộc, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều mô hình gây quỹ chăm lo cho trẻ mồ côi. Các mô hình phổ biến nhất là “Thu gom phế liệu gây quỹ", "Rửa xe gây quỹ", "Bán hoa gây quỹ", “Quyển sách cũ - niềm hy vọng mới”, “Tiếp sức cho con đến trường”…

 11
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Nghệ An trao quà cho trẻ mồ côi tại xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) do Nhóm nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhận đỡ đầu. Ảnh: CSCC

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, bà Hoàng Thị Thu Hiền cho biết: Kết quả rà soát đến tháng 5/2024, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12.084 trẻ em mồ côi; trong đó, có 6.745 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, số trẻ được nhận đỡ đầu trong gần 3 năm qua mới chỉ 2.143 trẻ mồ côi; nghĩa là số trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, nhận đỡ đầu đang còn rất lớn.

Đây là nhiệm vụ quan trọng được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đặt ra, đảm bảo có thêm nhiều trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu nhằm hỗ trợ một phần nào cuộc sống vật chất và điều quan trọng hơn là tạo chỗ dựa tinh thần để trẻ mồ côi viết tiếp ước mơ trong hành trình trưởng thành của mình./.

Mới nhất

x
Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' viết tiếp hành trình cho trẻ mồ côi Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO