Chuyển biến ở địa bàn người dân muốn có con trai để nối dõi
(Baonghean.vn) - Xây dựng xã, phường không sinh con thứ 3 là một mục tiêu quan trọng được Nghệ An triển khai nhiều năm nay. Trên thực tế, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đã xuất hiện nhiều điển hình tích cực, làm tốt công tác Dân số - KKHHGĐ.
Những tín hiệu tích cực
Xã Nghi Hợp là địa phương duy nhất của huyện Nghi Lộc có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2018 giảm 50%. Để có được kết quả này, không dễ dàng bởi Nghi Lộc vẫn là vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và diễn ra ở hầu hết tại các xã. Trong khi đó, Nghi Hợp lại là xã có nhiều nguy cơ vì ở đây đa phần người dân vẫn đang coi trọng vấn đề phải có con trai để nối dõi tông đường. Trên địa bàn xã vẫn có những xóm đặc thù, tỷ lệ sinh con luôn cao hơn mặt bằng chung của xã, của huyện.
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đi thẩm định xã giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Nghi Hợp (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà |
Sự chuyển biến tích cực chỉ mới diễn ra trong khoảng 2 năm trở lại đây sau khi xã đồng loạt triển khai rất nhiều giải pháp. Nổi bật nhất là việc tham mưu các văn bản liên quan đến công tác dân số để gắn trách nhiệm dân số với các cấp, các ngành và các tổ chức, đoàn thể.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, xã đã tham mưu 18 kế hoạch, trong đó có nhiều hoạt động rất ý nghĩa như phối hợp với các đoàn thể để tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về KHHGĐ, triển khai các hoạt động xã hội hóa cung cấp phương tiên tránh thai, tổ chức Câu lạc bộ “Gia đình không sinh con thứ 3 trở lên”, tổ chức nói chuyện chuyên đề cho thiếu niên, nhi đồng về hành vi bạo lực học đường. Song song với đó, xã cũng đẩy mạnh việc ký cam kết ở các hộ gia đình, tỷ lệ ký cam kết đạt 99,1%.
Trong công tác chỉ đạo, chính quyền xã xác định cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, đi trước, thực hiện đúng chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình, tuyệt đối không có trường hợp đảng viên vi phạm. Hàng năm, ngân sách địa phương cũng trích một phần kinh phí để đầu tư cho công tác dân số, hỗ trợ kinh phí cho các đợt triển khai chiến dịch Dân số - KHHGĐ.
“Xã luôn xác định quan tâm dân số chính là để nâng cao mức sống của người dân
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND xã Nghi Hợp cũng cho biết: “Xã luôn xác định quan tâm dân số chính là để nâng cao mức sống của người dân nên tất cả các hoạt động dân số nhằm mục tiêu giảm mức sinh đều được xã ủng hộ. Đáng mừng là sau những nỗ lực từ một xã sinh đông con, nay tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 10%, giảm hơn 50% so với năm trước. Người dân cũng đã bắt đầu có ý thức sinh con ít để nuôi dạy con cho tốt và có điều kiện để phát triển kinh tế”.
Tại huyện Thanh Chương, xã Xuân Tường cũng là một đơn vị điển hình, với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 29,29% (năm 2017) xuống còn 12,1% (năm 2018).
Lãnh đạo huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã Ngọc Lâm. Ảnh: Mạnh Đạt |
Có được kết quả đó là nhờ thời gian qua chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, gắn truyền thông với lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; đưa việc thực hiện chính sách dân số vào hương ước, quy ước cộng đồng dân cư, các quy định của các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn...
Trên toàn tỉnh, Thanh Chương cũng là huyện điển hình khi trên địa bàn có xã Ngọc Lâm –xã duy nhất của Nghệ An 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó, có nhiều bản liên tục nhiều năm liền không có người vi phạm chính sách dân số như bản Chà Luân 10 năm, bản Lạp 7 năm, bản Kim Hồng 5 năm và bản Nhạn Nhinh 4 năm.
Thành công của Ngọc Lâm là động lực để các đơn vị khác cùng cố gắng để ngày càng có nhiều đơn vị được khen thưởng nhờ làm tốt chính sách dân số
Ông Nguyễn Hiền Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Thanh Chương cho biết: “Sau khi xây dựng thành công mô hình ở xã Ngọc Lâm chúng tôi cũng đã phổ biến cách làm hay của xã để có thể nhân rộng và phát triển. Hiện tại dù việc triển khai còn nhiều khó khăn nhưng thành công của Ngọc Lâm là động lực để các đơn vị khác cùng cố gắng để ngày càng có nhiều đơn vị được khen thưởng nhờ làm tốt chính sách dân số”.
Xã “khó” vượt khó
Thời điểm này, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đang tiến hành thẩm định các xã làm tốt chính sách dân số năm 2018 để trình UBND tỉnh khen thưởng.
Đáng chú ý, mặc dù năm 2018 tỷ lệ sinh con thứ 3 trong toàn tỉnh còn khá cao nhưng tại nhiều địa phương, chính quyền và người dân rất có ý thức trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ. Vì vậy, so với năm trước, năm nay danh sách được đề nghị khen thưởng nhiều hơn, kết quả thực hiện cũng tốt hơn.
Cụ thể, toàn tỉnh có 2 xã được đề nghị khen thưởng vì không có người sinh con thứ 3, đó là xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) và xã Yên Thắng (Tương Dương). Ngoài ra, có 11 xã giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 50% so với năm 2017, đó là các xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên), xã Xuân Tường (Thanh Chương), xã Châu Kim, Đồng Văn (Quế Phong), xã Châu Lộc, Nam Sơn (Quỳ Hợp), thị trấn Con Cuông (Con Cuông), xã Nghi Hợp (Nghi Lộc), xã Thạch Giám, xã Yên Tĩnh (Tương Dương).
Tư vấn về phương tiện tránh thai cho người dân xã Châu Lý - Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà |
Nhìn vào danh sách các đơn vị làm tốt chính sách dân số cũng đáng mừng bởi những xã được tuyên dương lần này đa phần đều là những xã nghèo ở các huyện vùng cao, vùng khó khăn. Điều này cũng cho thấy những chuyển biến tích cực của người dân nơi đây khi bà con đã bắt đầu nhìn thấy được những hệ lụy khi sinh đông con, đói nghèo.
Đến xã Yên Tĩnh (Tương Dương), đi cùng với chị Lương Thị Gian – Cộng tác viên dân số bản Cành Toong đến các hộ gia đình để tuyên, vận động người dân không sinh con thứ 3 chị cũng đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện: “Cách đây mấy năm, người dân hầu như chưa có ý thức phòng tránh thai nên việc tuyên truyền rất vất vả. Nhưng nay thì người dân đã ý thức được vấn đề này. Vì vậy, giờ chúng tôi sẽ sàng lọc đối tượng, nhà nào có con gái gần lớn chúng tôi đến trò chuyện để khuyên các em không nên bỏ học, lấy chồng sớm. Chị em nào sinh con một bề thì chúng tôi đến vận động không nên sinh thêm con để có điều kiện phát triển kinh tế”.
Bản cam kết của các địa phương về việc làm tốt chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà |
Ông Nguyễn Văn Cường – Viên chức dân số xã Yên Tĩnh cũng thừa nhận: “Hiện 70% dân số của xã vẫn đang thuộc diện hộ nghèo. Thế nên, nếu không làm tốt công tác dân số thì cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi và chất lượng dân số khó có thể cải thiện”.
Năm 2018, trên toàn tỉnh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 22%, tăng hơn 5% so với năm 2017. Trong khi đó, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các huyện miền núi cơ bản thấp hơn đồng bằng và vùng đặc thù, đặc biệt có huyện miền núi mức sinh đạt dưới 10%.
Thành công của các huyện miền núi là một tiền đề rất tốt để nâng cao chất lượng dân số.
Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh khẳng định: Chi cục Dân số - KHHGĐ sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp trên để ưu tiên đưa chiến dịch dân số về vùng khó, tăng cường triển khai các chương trình như sàng lọc trước và sau sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính, thích ứng với già hóa dân số. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao các kiến thức kỹ năng cho trẻ vị thành niên, thanh niên về SKSS, SKTD, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân.