Chuyển biến trong chăm sóc sức khoẻ trẻ em

04/02/2015 09:15

(Baonghean) - Thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra: “hàng năm tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đạt trên 95%”, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tăng cường các biện pháp để nâng cao tỷ lệ trẻ em trong diện được tiêm chủng trên địa bàn. Nhờ vậy con số này tăng lên hàng năm, năm 2014, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ đã “chạm mốc” 95%.

Tuyên truyền là mũi nhọn

Trong những năm qua, Yên Thành luôn là điểm sáng trong công tác tiêm chủng trẻ em. Trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng ở địa phương này luôn đạt tỷ lệ cao, từ 96% năm 2011, tăng lên 97% năm 2013 và đến hết năm 2014 đạt trên 97%. Tại xã Tây Thành, có 16 xóm, trong đó có 6 xóm giáo, tỷ lệ tiêm chủng hàng năm của xã đều đạt và vượt chỉ tiêu (năm 2014 đạt 98%).

Theo bác sỹ Trần Kim Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tây Thành, thì trước đây nhiều hộ, đặc biệt là các hộ giáo dân vẫn thường có quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” nên không mấy quan tâm đến sức khoẻ của trẻ. Vì vậy, xã tập trung mạnh cho việc tổ chức đội ngũ cán bộ y tế xã, phối hợp với y tế thôn làm công tác truyền thông trực tiếp tại từng hộ, kết hợp với lồng ghép trong các hoạt động của hội phụ nữ, chuyên trách dân số… Ngoài ra, để tránh bỏ sót trẻ trong những đợt tiêm chủng, xã còn phân công y tế thôn trực tiếp có mặt tại điểm tiêm chủng để rà soát danh sách trẻ trên địa bàn mình quản lý, báo cáo kịp thời với chuyên trách tiêm chủng mở rộng của xã để lên danh sách tiêm bổ sung cho các cháu. Sự hỗ trợ và theo dõi chặt chẽ của đội ngũ y tế thôn đã thực sự phát huy hiệu quả trong duy trì và nâng cao tỷ lệ trẻ tiêm chủng trên địa bàn.

Khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Từ Thành
Khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Từ Thành

Ngược lên huyện miền núi cao Quỳ Châu, nơi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng công tác tiêm chủng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Điển hình như xã Châu Phong, một xã vùng sâu, vùng xa, nơi điện lưới quốc gia chưa vào đến thôn bản, 5 năm trước, tỷ lệ trẻ tiêm chủng ở xã đạt rất thấp, chỉ khoảng 85%. Châu Phong là xã miền núi, đường sá đi lại khó khăn, nhà dân sống cách xa nhau, chưa có điện… nên luôn gặp khó trong công tác tuyên truyền. Xã có tới trên 90% là dân tộc Thái, người dân vẫn còn duy trì các phong tục, tập quán dân tộc, thường hay “khài, cúng” khi trẻ ốm đau mà ít đến trạm y tế xã.

Từ những nỗ lực của hệ thống chính trị và đội ngũ y tế , đến nay tỷ lệ trẻ tiêm chủng của Châu Phong đã tăng lên 10%. Chị Vi Thị Chuyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã phấn khởi cho biết: Chúng tôi tích cực phối hợp với đội ngũ cán bộ y tế ở 19 thôn bản, hàng tháng đến từng gia đình để tuyên truyền cho các phụ huynh và bà mẹ đang mang thai về tác dụng phòng bệnh của việc tiêm chủng. Đồng thời phối hợp với các già làng, trưởng bản, để lồng ghép nội dung tuyên truyền về tiêm chủng trong các cuộc họp của thôn bản. Với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, truyền thông trực tiếp đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khoẻ cho trẻ. Đến nay, ở Châu Phong, hàng tháng cứ đến ngày tiêm chủng các phụ huynh đều tự giác đưa trẻ đến các điểm tiêm”.

Tiêm chủng cho trẻ ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Ảnh: Đ.N
Tiêm chủng cho trẻ ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Ảnh: Đ.N

Ở địa bàn Thành phố Vinh cũng gặp những khó khăn riêng trong tiêm chủng cho trẻ, vì người dân thành phố có điều kiện để dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin nên những năm trước khi có thông tin về những tai biến sau tiêm xẩy ra khi trẻ tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem ở các tỉnh khác, nhiều phụ huynh đã ái ngại không cho trẻ đi tiêm. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng của thành phố giảm xuống đáng kể: từ 98,9% (năm 2012) giảm xuống còn 90,9% (năm 2013).

Để vận động người dân trong thực hiện tiêm chủng cho trẻ, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trung tâm Y tế thành phố tăng cường phối hợp với các phường, xã, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể để đẩy mạnh truyền thông trên toàn địa bàn cho người dân hiểu về lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ; tạo thành “ngày hội tiêm chủng” vào ngày mồng 10 hàng tháng. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế xã, phường về dự phòng tiêm chủng an toàn. Thực hiện các quy định của ngành về quy trình tiêm chủng an toàn: theo dây chuyền một chiều (khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm). Vì vậy, trước đây các phường thường tổ chức tiêm trong vòng một ngày, thì nay được tổ chức thành đợt để vừa không bỏ sót trẻ, vừa đảm bảo đúng quy trình tiêm chủng an toàn. Trung tâm Y tế thành phố còn kết nối với các bệnh viện trên địa bàn để phối hợp xử lý kịp thời khi có trường hợp tai biến xẩy ra. Nhờ vậy công tác an toàn tiêm chủng được đảm bảo, dần “thuyết phục” người dân đến tiêm chủng cho trẻ. Năm 2014, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở TP. Vinh đã tăng lên rõ rệt, đạt con số 98,6%”.

Tăng về lượng, đảm bảo về chất

Nhìn chung, trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm gần đây, hàng năm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đều đạt kế hoạch đề ra và an toàn; cụ thể, năm 2011 đạt 98,9%, năm 2012 đạt 95,2%. Chỉ riêng năm 2013, một số địa phương tỷ lệ tiêm chủng có giảm so với năm trước, tính chung cả tỉnh tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 91%.

Nguyên nhân cơ bản là do từ tháng 7/2010 khi vắc-xin Quinvaxem được đưa vào sử dụng thì tình hình phản ứng sau tiêm có tăng lên nên người dân có tâm lý e ngại đưa trẻ đi tiêm. Tuy nhiên trong năm 2014, tỷ lệ tiêm chủng ở các huyện đã tăng trở lại, với hàng chục nghìn mũi tiêm an toàn, ước đạt 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Điều đáng ghi nhận là ý thức của người dân về phòng bệnh cho trẻ không chỉ thành phố và những huyện đồng bằng, mà cả những vùng miền núi đều tăng lên. Nhờ đó mà công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể.

Nói về kết quả đó, Bác sỹ Hoàng Ngọc Đàn, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc-xin và sinh phẩm – Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta, các loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: bệnh bại liệt trẻ em đã được thanh toán, loại trừ được uốn ván sơ sinh, đang tiến tới khống chế và loại trừ sởi.

Bên cạnh đó, các loại bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm rõ rệt, số ca mắc được ghi nhận mỗi năm rất ít. Riêng bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ đã giảm rõ rệt; cách đây 5 năm con số ghi nhận mỗi năm gần 100 ca mắc thì đến nay chỉ còn 10 ca”. Như ở huyện miền núi cao Quế Phong, mặc dù địa bàn có đến 89% đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống, nhưng năm 2014, tỷ lệ tiêm chủng đạt 96%. Trong 5 năm qua, công tác an toàn tiêm chủng được đảm bảo, không có trường hợp trẻ mắc các loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó có một số xã tỷ lệ tiêm chủng vượt chỉ tiêu như: Thông Thụ, Tiền Phong, Quang Phong…

Còn huyện Quỳ Châu, mặc dù là địa bàn miền núi với trên 70% là đồng bào Thái, song 5 năm trở lại đây, tính chung mỗi năm tỷ lệ tiêm chủng trẻ em ở Quỳ Châu tăng lên 2%, đến nay đạt 97%. Theo ông Hủn Vi Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, để đạt được kết quả đó, bên cạnh chú trọng công tác truyền thông trực tiếp, quan trọng vẫn là “làm cho dân hiểu”. Điều đó được minh chứng bởi, tỷ lệ trẻ mắc các loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất thấp, mỗi năm chỉ vài trường hợp. Công tác an toàn tiêm chủng trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, không để xẩy ra trường hợp tai biến nào sau tiêm. Nhờ đó mà bà con ngày càng nhận thức rõ hơn về việc tiêm phòng cho trẻ là quyền lợi”.

Như vậy, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII “Phấn đấu hàng năm: Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 95%” đã “chạm đích”. Trong thời gian tới, để phát huy kết quả đã đạt được, cũng theo bác sỹ Hoàng Ngọc Đàn, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp: Trước hết là công tác truyền thông được triển khai linh hoạt phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thôn, bản. Đa dạng hoá các hình thức truyền thông như băng rôn, khẩu hiệu, thông qua loa truyền thanh thôn, xóm…

Đối với một số huyện miền núi đã được cấp một số đĩa tuyên truyền bằng tiếng dân tộc (Thái, Mông) để phục vụ công tác tuyên truyền, cần phát huy, nhân rộng để nâng cao nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc về công tác tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của ngành, các hoạt động an toàn tiêm chủng được thắt chặt. Mỗi buổi chỉ tiến hành tiêm 50 trẻ, tại các điểm tiêm chủng cần có sự chuẩn bị cơ sở vật chất như: phòng theo dõi, phương tiện thuốc, vật tư để xử lý sau tiêm… Hiện 20 huyện, thành, thị đã được trang bị phích bảo quản vắc-xin đến tận từng xã, phường. Ngành tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn về tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở; mỗi năm thường 1 – 2 đợt/ huyện để đảm bảo tốt công tác an toàn tiêm chủng. Có như vậy, người dân sẽ yên tâm để thực hiện quyền lợi tiêm chủng cho con em mình”.

Tuy nhiên, công tác tiêm chủng cho trẻ em hiện nay vẫn còn những thách thức: Nhận thức của người dân một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc sức khoẻ trẻ em còn hạn chế do phong tục, tập quán, trình độ có hạn… Khó khăn về giao thông đi lại ở một số thôn, bản làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động và việc vận chuyển vắc-xin đến tận thôn, bản còn nhiều bất cập; một số nơi chưa có điện để sử dụng phương tiện bảo quản vắc-xin… Bởi vậy, vẫn còn tồn tại tình trạng trẻ mắc một số bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng; ví dụ năm 2014, Nghệ An ghi nhận gần 896 trường hợp trẻ mắc sốt phát ban dạng sởi ở một số huyện trên địa bàn.

Để duy trì cả về lượng và chất của hoạt động tiêm chủng mở rộng, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ y tế các tuyến. Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ tiêm chủng, các cán bộ tham gia công tác tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở phải luôn ý thức về trách nhiệm trong việc thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác dụng phòng bệnh của tiêm chủng, cần chú trọng tuyên truyền về cách phòng tránh trường hợp chống chỉ định, cũng như biết cách xử trí đối với các phản ứng sau tiêm...

Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Chuyển biến trong chăm sóc sức khoẻ trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO