Chuyện của người trở về từ “địa ngục trần gian”
Kỳ 1: Phước Sơn “đi dễ khó về”
Kỳ 1: Phước Sơn “đi dễ khó về”
(Baonghean) - Những ngày vừa qua, người dân xã Tiên Kỳ (huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An) vẫn chưa hết xôn xao về câu chuyện của anh Lô Văn Thìn (sinh năm 1964) trở về từ một bãi làm vàng ở chốn rừng sâu thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Theo lời kể, nơi đây có thể xem là chốn “địa ngục trần gian”.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lô Văn Thìn khi anh trở về đã được hơn 2 tuần lễ, nhưng dường như sự mệt mỏi, xen lẫn sự hoang mang vẫn còn hiện hữu trên nét mặt. Lời tâm sự đầu tiên khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về chuyến “hồi hương” của anh là: “Thật may mắn! Cuối cùng cũng được trở về với anh em xóm làng, với vợ với con. Thế mà nhiều lúc nghĩ rằng sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi rừng thiêng nước độc đó”.
Khi lấy lại được sự bình tâm, anh Thìn kể chúng tôi nghe về hành trình đến bãi vàng Phước Sơn và cuộc “đào thoát” của anh. Một phần do còn ít nhiều hốt hoảng, phần khác do khả năng diễn đạt hạn chế nên dòng tâm sự của anh thường xuyên bị ngắt quãng, thiếu sự mạch lạc nên chúng tôi xâu chuỗi các chi tiết về câu chuyện của anh Thìn như sau:
Anh Lô Văn Thìn cùng bé Lô Văn Phong (con trai út của anh Thìn)
ngày trở về.
Vợ chồng anh có 5 đứa con, hầu hết còn thơ dại. Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, bởi thu nhập không có gì hơn ngoài mấy sào ruộng khoán và mấy sào trồng mía nguyên liệu. Đầu tháng 3/2011 (sau tết Nguyên Đán khoảng một tháng), vợ chồng Nguyễn Văn Hoan và Lương Thị Oanh ở xóm 11, cùng xã tìm đến nhà rủ anh vào Quảng Nam nhặt đá sỏi, xây dựng đường giao thông với mức thu nhập khá cao, và cho ứng trước 1 triệu đồng. Nghe bùi tai, nghĩ rằng tranh thủ lúc nông nhàn đi kiếm ít tiền để trang trải cuộc sống, anh Thìn cùng 2 người khác ở gần nhà rời quê hương theo Nguyễn Văn Hoan đi đến “miền đất hứa”.
Chuyến xe chạy theo hướng vào Nam, trên xe ngoài 3 người thuộc xã Tiên Kỳ còn có thêm 7 người khác ở xã Đồng Văn (cũng thuộc huyện Tân Kỳ). Xe chạy một ngày, một đêm rồi dừng lại ăn cơm trưa tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Lúc này, anh Thìn và mọi người được bàn giao cho một người khác. Ông chủ mới này nói: “Ai có nhu cầu gọi điện về cho gia đình thì gọi ngay đi, kẻo vào đó không có sóng đâu”. Sau đó, điện thoại của tất cả mọi người bị ông chủ mới này tịch thu. Hôm sau, mọi người được chở bằng xe máy theo hướng vào rừng. Đi mãi. Đi mãi. Cuối cùng anh và những người cùng đi được đưa đến một bãi khai thác vàng nằm trong chốn rừng sâu, chứ không phải đi nhặt đá, làm đường giao thông như lời hứa hẹn ban đầu.
Tại bãi vàng, anh Thìn ước tính khoảng trên 100 người tham gia đào đãi vàng. Có những người có “thâm niên” làm ở đây từ 5 - 6 năm, còn hầu hết là 2 - 3 năm. Anh và những người cùng làm ở đây phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, kể cả những ngày mưa gió (ở đây thường có mưa lớn). Chỗ nghỉ được quây bằng những tấm bạt khoảng 7m2 ngay giữa bãi vàng. Bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, lại làm việc trong điều kiện cực khổ, tiền lương không được nhận, nhiều người đã bỏ trốn. Nhưng do rừng núi hoang vu, lại không thông thạo địa hình nên hầu hết các cuộc “đào thoát” đều không thành công. Khi biết có người bỏ trốn, bọn chủ bãi vàng liền tung người ra các hướng để tìm kiếm, vây bắt. Bắt được ai, chúng đánh đập hết sức dã man để người đó không bao giờ dám nuôi ý định chạy trốn và mặt khác để răn đe những người khác. Có những người bị đánh đập, đâm chém làm tay chân, mặt mũi lở loét, sưng vù nhưng vẫn phải ra bãi làm vàng...
Trước tình cảnh đó, anh Lô Văn Thìn và Lô Văn Khoa (sinh năm 1981, thường trú ở bản Cha Hìa, xã Xiêng My, huyện Tương Dương, Nghệ An) bàn cách trốn thoát. Theo kế hoạch đã vạch, vào lúc đêm khuya, hai người lặng lẽ rời khỏi lán và đi thẳng vào rừng. Đi 3 ngày 3 đêm, khi mệt leo lên cây ngủ, khi đói dùng dao mang theo chặt gốc cây khủa để ăn. Đến một cái lán hoang của những người khai thác gỗ bỏ lại, hai người mệt lả. Rất may, ở đó sót lại một ít muối cất kỹ trong cái bao bóng, anh Khoa lấy muối hòa nước suối để hai người cùng uống. Lát sau thấy tỉnh hẳn, hai người lại dìu nhau lên đường. Lúc còn ở nhà, anh Thìn là tay thợ săn khá cừ khôi nên có kinh nghiệm đi rừng. Nhờ đó, anh tìm thấy được con đường dẫn đến một bản của người Cơ tu. Đói lả, chân tay bủn rủn, hai người vào nhà dân xin cơm ăn.
Người đàn ông chủ nhà có tên là Sơn Xru nấu cho hai con người lỡ đường một bữa cơm đạm bạc, rồi xin xe tải chạy công trình thủy điện ra thị trấn Khâm Đức. Anh Thìn anh Khoa tiếp tục dò hỏi và cuốc bộ một ngày đường để đến được một bến xe nằm trên Quốc lộ 1A (không nhớ rõ là bến xe nào). Hai anh lên một chiếc xe chạy đường dài Bắc- Nam, chủ xe là một người Hà Nội. Chủ xe cho anh Thìn mượn điện thoại gọi về báo cho gia đình biết tin và chuẩn bị tiền, xuống chờ sẵn ở ngã ba Diễn Châu (nơi giao nhau giữa quốc lộ 1A và quốc lộ 7A ở Nghệ An) để thanh toán tiền xe và đưa hai anh về nhà. Xe về đến Diễn Châu lúc 3h sáng ngày 21/4/2011. Trong tình trạng ốm nặng, trí não không thật tỉnh táo, anh Khoa theo về nhà anh Thìn ở chừng 10 ngày. Đến ngày 3/5/2011, anh Thìn mới tìm cách thông báo được cho gia đình anh Khoa đến đón anh về.
Lúc viết bài này, chúng tôi liên lạc được với anh Lô Văn Kim, anh trai của anh Khoa được biết so với ngày mới về thì anh Khoa đã khỏe lên chút ít. Nhưng trí não vẫn chưa trở lại bình thường, nhiều lúc tỏ ra hoang mang, lo sợ, khắp người còn đau ê ấm do bị đánh đập...
(Còn nữa)
Bùi Công Kiên