Chuyện đêm tối và những vì sao

Nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan không chỉ được biết đến như là “người thợ cày trên cánh đồng chữ” với trên 20 đầu sách dịch, trong đó có “Triệu phú khu ổ chuột” đã giúp chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà còn được biết đến là một người truyền cảm hứng sống, một tấm gương nghị lực phi thường vượt lên số phận. Chị cũng đồng thời là cộng tác viên thân thiết của Báo Nghệ An viết cho 2 chuyên mục Truyện ngắn (Nghệ An cuối tuần) và Suy ngẫm (Nghệ An điện tử).

Nhân dịp Xuân mới, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện cùng chị.

PV: Thưa nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan, bệnh loạn dưỡng cơ vô phương cứu chữa vào năm 13 tuổi đã cướp đi của chị bao nhiêu giấc mơ, bao nhiêu sự hồn nhiên, mơ mộng của một cô bé chuyên văn. Chị có thể chia sẻ lại những cảm xúc về những giây phút, những ngày tháng ấy. Và cách chị đã vượt qua, mơ lại những giấc mơ đời mình?

Nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan (NBL): Tôi ngã bệnh ở tuổi 13, cái tuổi mà như người ta nói, chỉ cần có một cái mụn trên mặt bạn đã thấy khổ sở lắm rồi. Đang khỏe mạnh, chạy nhảy tung tăng tôi bỗng như bị một lực vô hình trói cả chân tay lại, cứ ngã xoài ngã xoạc. Ngay cả khi buộc phải bỏ học, lê chân đến cả chục bệnh viện tôi vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra với mình. Thế giới như đảo lộn hết, mọi cánh cửa như đóng sập trước mặt. Thật khó diễn tả bằng lời cái cảm giác bạn bè thì đi học trường nọ, trường kia, còn mình thì chỉ quanh quẩn giữa bốn bức tường chật hẹp, không biết phải làm gì để giết thời gian. Nếu cứ để tình trạng trống rỗng ấy kéo dài thì tôi không thể tồn tại được lâu.

May thay tôi tìm thấy tiếng Anh như một sự cứu cánh, trước hết là để “tiêu” bớt thời gian. Từ những chữ cái, những từ tiếng Anh đầu tiên “nhặt” được từ cuốn sách giáo khoa của em tôi, bằng tất cả ý chí của mình tôi đã kiếm mọi con chữ mà tôi có thể kiếm qua con đường tự học để đi đến ngày hôm nay.

PV: “Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao” – đó là câu slogan thật ấn tượng ghi trên bìa cuốn tự truyện “Không gục ngã” của chị. Chị nói gì về điều này, phải chăng đó là một “cái kết có hậu” cho những sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, cả những hy vọng, mộng mơ, những yêu thương không thể dập tắt?

NBL: Một phần quan trọng trong quá trình tự học của tôi là đọc sách văn học. Tôi nhớ tôi đã tìm đọc tất cả các tác phẩm của văn hào Pháp Victor Hugo. Tôi nhớ không nhầm thì trong tiểu thuyết “93” của ông có câu đại ý “Những gì đã gieo đêm tối trong ta, có thể để lại trong ta những vì sao”. Ngay từ khi đọc nó tôi đã tin rằng nghịch cảnh không chỉ toàn là màu đen. Nghịch cảnh còn có một mặt tích cực, nó mang đến cho ta cơ hội để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, mình sống để làm gì.

Cái nền tảng nghịch cảnh và sự thúc đẩy của nó cũng cho ta cơ hội để rèn luyện ý chí, để phát triển thành một con người độc đáo, khác biệt, để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Đó có thể là những vì sao mà Victor Hugo đã nhắc đến. Tôi đã trải qua đêm đen của nghịch cảnh, và tôi đã tìm thấy những vì sao, hoặc ít nhất đã thấy ánh sáng le lói của những vì sao đó.

PV: Chị có thể cho biết về “sức mạnh” của mình là ở đâu, điều gì làm nên nó và chia sẻ về những cuốn sách mà chị đã dịch, đặc biệt là cuốn “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” của chàng trai không chân tay người Australia Nick Vujicic cũng như cuộc gặp gỡ với nhân vật này tại Việt Nam.

NBL: Tôi nghĩ rằng sức mạnh của bản thân tôi bắt đầu được xây dựng hoặc được nuôi dưỡng một cách thực sự kể từ khi tôi trải nghiệm cuộc sống đầy thách thức, hay nói cách khác từ khi tôi phải sống chung với căn bệnh nan y. Nhưng kể từ đó nguồn sức mạnh ấy cũng được nuôi dưỡng không ngừng bằng tình yêu vô điều kiện mà tôi nhận được từ gia đình, người thân của mình.

Tới khi tôi bắt đầu dịch được những cuốn sách mà tôi nghĩ góp phần nhỏ bé vào sự phát triển tinh thần của người đọc tôi cũng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, rắn giỏi hơn, an tâm hơn về bản thân mình hơn. Mỗi năm tôi dịch 3 cuốn sách. Tôi thích dịch những cuốn sách văn học đậm tính lịch sử, văn hóa, mang đến cho độc giả của nước ta những cuộc khám phá thế giới bên ngoài của những vùng đất, cũng như thế giới bên trong của những cuộc đời, những nhân vật.

Bên cạnh đó, mỗi năm tôi đều dành thời gian dịch một cuốn sách về giáo dục, hoặc những cuốn sách “người thật, việc thật” kể về những con người vượt qua những thử thách đặc biệt để sống và làm việc như những con người bình thường, thậm chí hơn những người bình thường. Chính vì lẽ đó mà tôi đã dịch 4 cuốn sách của diễn giả không chân không tay Nick Vujicic.

Vì bạn đọc đón nhận nhiệt tình cuốn tự truyện của Nick, các nhà tổ chức mới quyết tâm mời anh đến Việt Nam. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên đối với tôi khi tôi được đại diện cho độc giả của mình đón Nick, dành cho Nick cái ôm của sự khâm phục, đồng cảm và yêu mến. Gặp gỡ những con người như Nick khiến tôi thấy cuộc sống này không thiếu thử thách nhưng cũng thật nhiều điều kỳ diệu. Từ những trải nghiệm đó tôi đã viết một bài thơ mang tên “Sống” với những câu sau:

“Tôi đã gặp những con người bất khuất
Lặng lẽ vươn lên trước số phận trớ trêu
Như cây xanh họ miệt mài bận sống
Tạ ơn đời bằng tha thiết tình yêu”.

PV: Trong năm qua, được biết chị đã hoàn thành tác phẩm dịch thứ 35 của mình. Nghề dịch sách, nghề sáng tác, đối với chị cái nào quan trọng hơn? Năm mới này chị đã có kế hoạch gì chưa? Bạn đọc cũng muốn biết cuộc sống hiện tại của chị?

NBL: Tôi vừa mới hoàn thành bản dịch cuốn sách thứ 35, một cuốn tự truyện đặc biệt ấn tượng của một cô gái Mỹ. Tôi phải thú thật rằng, tôi mê dịch văn học hơn viết văn, mặc dù tôi viết truyện ngắn từ trước khi tôi bắt đầu dịch sách. Dịch văn học cho phép tôi sử dụng một cách tổng hợp khiếu văn chương, vốn tiếng Anh, và những gì tôi tích lũy được qua trải nghiệm đọc lâu dài của mình. Đó là một loại công việc đòi hỏi cao cả về kiến thức lẫn sự nhạy cảm và kiên nhẫn, nhưng nó rất thú vị vì nó luôn khiến tôi thấy mình phải huy động tối đa những nguồn lực ở bên trong và luôn cần tiếp tục học thêm nữa, thêm nữa.

Cuộc sống hiện tại của tôi không có gì để phàn nàn. Thực ra từ lâu tôi đã học cách sống mà không phàn nàn về những khó khăn của bản thân. Tôi chấp nhận tất cả thách thức mà cuộc sống mang tới với sự điềm tĩnh được rèn luyện qua thời gian và hoàn cảnh. Mỗi ngày tôi đều làm việc từ 8 đến 9 tiếng, xen giữa những giờ làm việc là những phút thư giãn với việc tưới cây, trồng cây và làm việc vặt trong điều kiện sức khỏe cho phép. Tôi tự gọi mình là một người thợ cày trên cánh đồng chữ, lặng lẽ gieo trồng, chăm chút cho những con chữ và đợi những “đứa con tinh thần” của mình ra đời trong sự háo hức và niềm hy vọng.

PV: Chị có thể nói gì về sự lấp lánh của “những vì sao” sau đêm tối trong ngày xuân mới này không, khi mà mỗi người trong giờ khắc này đang muốn nhìn lại một năm đã trôi qua và đang háo hức với những dự định mới mẻ?

NBL: Tất cả chúng ta đều mong ước cuộc đời mình luôn yên bình, hạnh phúc, nhưng cuộc sống thực không luôn như vậy. Tôi tin rằng cuộc sống của bất cứ ai không sớm thì muộn cũng có những khó khăn, thử thách. Can đảm chấp nhận những khó khăn, thử thách đó là bước đầu tiên để mở cánh cửa của sự thay đổi cuộc sống, của những cơ hội mới, và những điều bất ngờ thú vị.

Nhân dịp năm mới tôi xin chúc các độc giả của Báo Nghệ An mạnh khỏe, mạnh mẽ để đón đợi những niềm vui cũng như những thử thách ở phía trước!

PV: Vâng, cảm ơn chị về cuộc trò chuyện và chúc chị có nhiều sức khỏe, niềm hứng khởi cho cuộc sống và sự sáng tạo phía trước!