Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu

19/06/2014 18:21

(Baonghean) - 4 sào ruộng của gia đình ông Đinh Quang Thi (xóm 18, Nghi Trung - Nghi Lộc) đã được gặt xong lúa xuân từ 20/5. Thế nhưng 20 ngày sau, khi đã gần hết thời vụ gieo cấy lúa hè thu, đất trên ruộng vẫn khô cong một màu trắng xóa. Thực tế đó đang đặt ra cho các địa phương một vấn đề cấp thiết - chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.

Ngay từ đầu vụ sản xuất hè thu, xác định đây là năm hạn sớm, hạn nặng, Nghi Lộc đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất trên cơ sở cân đối nguồn nước tưới. Ông Ngô Ngọc Hoan - Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Nghi Lộc cho biết: Nghi Lộc xác định không sản xuất lúa hè thu bằng mọi giá, chỉ gieo cấy ở những diện tích cân đối đủ nguồn nước. Nếu năm ngoái, toàn huyện gieo cấy 4.500 ha lúa hè thu thì năm nay, diện tích đó giảm xuống còn chưa đầy 3.000 ha, hơn 1.500 ha còn lại chuyển qua làm lúa mùa sớm, mùa chính vụ và 500- 600 ha vùng cuối trạm bơm, các xã vùng bán sơn địa sẽ chuyển qua cây màu. Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì huyện trích ngân sách hỗ trợ người dân chuyển đổi với mức hỗ trợ 30% tiền giá giống cho 600 ha các loại cây màu ngô, đậu xanh, rau màu ở các vùng thiếu nước.

Trạm bơm Thọ Sơn (Nghi Lộc) không đủ nước để phục vụ sản xuất.
Trạm bơm Thọ Sơn (Nghi Lộc) không đủ nước để phục vụ sản xuất.

Vụ hè thu năm nay, dù Đô Lương đã chỉ đạo bơm nước sớm hơn 5 ngày so với mọi năm nhưng tiến độ gieo cấy lúa vẫn bị chậm 5 - 7 ngày. Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ gieo cấy 7.200 ha lúa hè thu nhưng do thiếu nước, khoảng 600 ha dự kiến sẽ chuyển qua trồng màu. Trong đó, gần 300 ha ở các xã nằm cuối nguồn nước như Đại Sơn, Trù Sơn, Giang Sơn… có tính chất chống hạn không bền vững và nằm trong quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung của huyện đã được chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ngay từ đầu vụ. Còn trên 300 ha còn lại sẽ chuyển qua trồng các loại cây màu như đậu và ngô. “Những năm trước, chúng tôi cũng đã tiến hành chuyển đổi ở một số diện tích, 150 ha lúa mùa chính vụ cấy giống lúa bào thai đã được chuyển hẳn sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và các loại cây công nghiệp ngắn ngày, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà lại an toàn.

Đặc biệt là cây đậu xanh mấy năm gần đây liên tục được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Năm nay, huyện cũng đã chủ động triển khai sớm kế hoạch sản xuất hè thu, thực hiện nhiều biện pháp dồn nước để cấy, nhưng đồng thời cũng yêu cầu các xã soát xét lại diện tích, nguồn nước ngay từ đầu vụ để chuyển qua trồng màu ở những diện tích không chủ động nước. Về lâu dài, bên cạnh chuyển đổi những diện tích đất lúa không còn đảm bảo về nguồn nước sang các loại cây màu, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch chuyển những diện tích sản xuất màu không bền vững sang trồng cỏ phục vụ nhu cầu ngày càng cao của phát triển chăn nuôi, nhất là ở các xã vùng hai đầu huyện” - ông Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết.

Trong kế hoạch sản xuất của tỉnh, vụ hè thu năm nay Nghệ An sẽ tiến hành gieo cấy 56 nghìn ha lúa hè thu - mùa giảm hơn 4.000 ha so với mọi năm. Sau một thời gian dài hạn hán, nhờ có đợt mưa lớn vừa qua, toàn tỉnh gieo cấy được thêm gần 3.000 ha, đưa tổng diện tích đã được gieo cấy lên trên 53 nghìn ha, tuy nhiên, cũng do mưa lụt, lại có trên 3.000 ha phải chờ nước rút để gieo cấy lại. Do hạn hán, thời vụ gieo cấy lúa hè thu cũng được kéo đến ngày 20/6. Tuy nhiên, sau đó, ở những diện tích chưa cấy được sẽ phải chuyển qua cấy lúa mùa sớm từ 25- 30/6. Thời vụ gieo cấy lúa mùa muộn (mùa chính vụ) có thể kéo đến 15/7 nhưng chỉ cấy được ở những diện tích đất trên cao, ở vùng bãi cát không thể có nước tưới để đến cuối tháng 10 thu hoạch.

Nghệ An có hai vùng trọng điểm sản xuất lúa là vùng “ăn” nước hệ thống thủy lợi Nam gồm Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và vùng “ăn” nước hệ thống thủy lợi Bắc tự chảy là Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Đô Lương. Hiện nay, hệ thống Thủy lợi Bắc đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn vay JICA với tổng nguồn vốn lên đến 5.600 tỷ đồng, đầu tư xây dựng, sửa chữa đến hệ thống kênh cấp 1, 2, khi hoàn thành vào năm 2019, nguồn nước tưới sẽ đảm bảo hơn. Riêng đối với hệ thống Thủy lợi Nam, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đang xúc tiến kêu gọi nguồn vốn vay JICA, xây dựng dự án ngăn mặn, giữ ngọt nguồn nước sông Lam. Nếu triển khai thành công, sẽ giúp giữ được mực nước sông Lam cao hơn trong mùa hạn để cung cấp nước cho các trạm bơm, bara. Ngoài ra, hiện cống Nam Đàn 2 đang được đầu tư xây dựng với nguồn vốn 700 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giải quyết được cơ bản tình hình hạn. Tuy nhiên, ngoài các giải pháp về công trình, thì một giải pháp hiện đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, đó là giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn và chống mưa lụt vào cuối vụ, theo tinh thần không sản xuất lúa hè thu bằng mọi giá, sản xuất phải an toàn và chỉ sản xuất trên những diện tích chủ động được nguồn nước tưới.

Một trong những ưu tiên hàng đầu khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đó là chọn cơ cấu giống lúa phù hợp cho các vùng sản xuất hè thu. Phải tập trung ưu tiên du nhập, chọn tạo, đưa nhanh các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng đồng thời cũng cho năng suất “tương đối” vào sản xuất. Riêng đối với các vùng hè thu chạy lụt, phải sử dụng các giống cực ngắn (dưới 90 ngày) như P6 đột biến, dù năng suất không cao nhưng phải ưu tiên an toàn, nhất là trong điều kiện khí hậu đang ngày càng có những biến đổi khó lường như hiện nay, hạn hán cũng như mưa lụt đều có thể đến sớm hơn. Đồng thời, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý hơn.

Những diện tích chủ động hoàn toàn về nguồn nước mới bố trí sản xuất lúa hè thu, những diện tích bấp bênh hơn về nguồn nước có thể chuyển sang sản xuất lúa mùa để tận dụng được nguồn nước trời vào giai đoạn lúa trổ, ưu tiên sử dụng các loại giống ngắn ngày để có thể đảm bảo an toàn. Riêng những vùng không thể đáp ứng được nguồn nước tưới, chỉ có khả năng tưới vài đợt trong cả quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, thì phải chuyển hẳn sang các loại cây màu, trước hết là cây ngô, vừa an toàn, vừa tận dụng được thân lá, vừa dễ tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để có thể bố trí được cơ cấu cây trồng phù hợp, từng huyện, thậm chí từng xã phải rà soát lại điều kiện đất, nước cụ thể để bố trí. Có phương án bài bản, cụ thể với từng xứ đồng về loại cây trồng chuyển đổi, thời vụ chuyển đổi… và được người dân bàn bạc, đồng thuận. Đồng thời, khi chuyển đổi, phải chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, giống theo phương án chuyển đổi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người dân khi chuyển đổi. Đặc biệt Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Phú Hương

Mới nhất

x
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO