Chuyện đời một người lính

09/12/2013 22:38

(Baonghean) - Chúng tôi gặp lúc ông đang trên chiếc xe đạp cà tàng, mải miết đạp ngược cơn gió trở về nhà. Trên ghi đông, treo toòng teng mấy con cá, chút thịt và mớ rau cải xanh. Căn nhà nhỏ của ông, rợp bóng giàn gấc bên đường Tôn Thất Thuyết, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), lụi cụi bóng ông đơn độc. Hỏi ra mới biết, ông đang ở cùng cô con gái tàn tật nằm một chỗ đã 50 năm nay. Từ ngày vợ ông đi xa, ông vừa là cha, là mẹ của con. Và bây giờ, ông đang ngồi trước mặt chúng tôi, đôi tay run run lần giở những trang nhật ký của 50, 60 năm về trước. 65 năm tuổi đảng, 47 năm tuổi quân, ông là Tống Viết Giao, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu 4...

(Baonghean) - Chúng tôi gặp lúc ông đang trên chiếc xe đạp cà tàng, mải miết đạp ngược cơn gió trở về nhà. Trên ghi đông, treo toòng teng mấy con cá, chút thịt và mớ rau cải xanh. Căn nhà nhỏ của ông, rợp bóng giàn gấc bên đường Tôn Thất Thuyết, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), lụi cụi bóng ông đơn độc. Hỏi ra mới biết, ông đang ở cùng cô con gái tàn tật nằm một chỗ đã 50 năm nay. Từ ngày vợ ông đi xa, ông vừa là cha, là mẹ của con. Và bây giờ, ông đang ngồi trước mặt chúng tôi, đôi tay run run lần giở những trang nhật ký của 50, 60 năm về trước. 65 năm tuổi đảng, 47 năm tuổi quân, ông là Tống Viết Giao, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu 4...

Trong cuốn nhật ký đã úa màu thời gian, được lưu giữ đầy cẩn trọng của ông Giao, hai trang đầu tiên được ông nắn nót viết: “Những ngày tháng ghi nhớ nhất trong đời tôi: 31/10/1945: Vào Giải phóng quân tại Huế. 11/10/1948: Được kết nạp Đảng tại Cùa. 31/12/1948: Công nhận đảng viên chính thức tại làng Giang”; “Ngày hạnh phúc: 4/8/1956 (Chủ nhật): Ra Hưng Đông, lần đầu tiên gặp em tôi. 5-8/1956 (tối): Bắt đầu tâm sự, trao đổi từ Vinh - Hưng Đông. 21/4/1957 (tối Chủ nhật): làm lễ thành hôn tại Hội trường Ty Công an Nghệ An”. Cho đến giờ, khi nhắc lại những mốc thời gian ấy, ông Giao vẫn cảm thấy những con người, sự kiện ngày nào vẫn đang như ở trước mắt mình…

Sinh năm 1928, quê gốc Hương Sơn, Hà Tĩnh, ông Giao từng theo học tại Trường Kỹ nghệ ở Huế. Năm 1945, khi nước nhà vừa tuyên bố độc lập, phong trào cách mạng đã cuốn những cô cậu sinh viên sôi nổi và mơ mộng theo lý tưởng của Đảng. “Không chỉ có học sinh Trường Kỹ nghệ chúng tôi, mà các trường Đồng Khánh, Khải Định…, khắp nơi, khắp chốn thấy học sinh, sinh viên mong mỏi xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Tôi xung phong gia nhập quân ngũ, trở thành giải phóng quân của Trung đoàn Trần Cao Vân”. Tháng 10 năm 1945, ông Giao trở thành giải phóng quân, làm việc tại công binh xưởng quân giới. Nhiệm vụ của ông và đồng đội trong xưởng quân giới hồi đó là sửa chữa súng ống, lựu đạn, đúc lựu đạn, nghiên cứu chế tạo vũ khí. Tại đây, ông được học từ rất nhiều thợ giỏi. Không ra trận, nhưng ông hiểu được ý nghĩa công việc mình làm và vô cùng yêu công việc ấy. Điều đó lý giải vì sao, ngần ấy năm quân ngũ, là ngần ấy năm ông gắn bó với việc sửa chữa, chế tạo đạn dược, gắn bó với các loại hóa chất…

Năm 1948, vừa 20 tuổi, ông Giao trở thành Quản đốc xưởng quân giới. Những ngày tháng đó, người lính quân giới làm việc miệt mài ngày đêm, lúc rảnh tay là lại sôi nổi chuyện về Bác Hồ, về chủ nghĩa Mác. Họ chỉ nung nấu một điều: Theo Bác Hồ để giải phóng dân tộc. Cho đến năm 1954, ông tập kết ra Nghệ An, ông trở thành Trợ lý Quân giới Quân khu 4, rồi sau này là Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu. Tại đây, ông đã gặp tình yêu lớn nhất cuộc đời mình, đã được sống những ngày hạnh phúc và gắn bó với mảnh đất này đến không nỡ rời xa.

Vợ ông, bà Võ Thị Thúc quê Hải Lăng, Quảng Trị, kém ông 4 tuổi, cũng tập kết ra Bắc. Bà là họ hàng một người bạn của ông. Thời ấy, trong ông đang mang nặng một nỗi buồn, nỗi mặc cảm vì gia đình bị quy địa chủ trong cải cách ruộng đất. Đúng lúc ấy, ông đã nhận được trọn vẹn và chân thành nhất sự sẻ chia, nỗi đồng cảm của một người con gái tha hương. Ông nhớ mãi một lần, bên bờ sông quê, ánh mắt sâu thẳm của bà đã khiến ông nhận ra, mọi gánh nặng trên cuộc đời sẽ nhẹ nhàng lắm, nếu ông có bên mình người phụ nữ này...

Họ đã trở thành vợ chồng, từ tình yêu, tình thương và từ sẻ chia của 2 con người đơn độc. Lấy nhau rồi, họ lại càng yêu thương nhau hơn. Hồi ấy, bà làm việc tại Cục Lắp máy, Bộ Công nghiệp. Khi có mang người con đầu, bà phải lên công tác tận Lào Cai. Một năm trời xa nhau ấy, họ đã viết bao nhiêu thư, bao nhiêu trang nhật ký thẫm đẫm nỗi nhớ mong. Đã có những cuộc tiễn đưa như thế này: “4 giờ đã dậy để ra ga. Trời bắt đầu sáng. Tàu gần chạy, chỉ còn vài phút nữa em tôi ra khỏi ga, song vẫn đứng lại nhìn, mình cũng đứng ở lan can, nhìn nhau như thầm nói với nhau: “Xa nhau, nhớ lắm!” (trích nhật ký của ông Giao). Ngày bà trở dạ, ông tất tả bắt tàu ra Lào Cai, tay xách chiếc nôi mây ông lùng mua ở chợ Vinh. Sau này, bà xin chuyển công tác về gần nhà, nhưng đó cũng là những năm gian khổ, ác liệt của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Giao không bao giờ quên người vợ tần tảo của mình, một nách mấy con nhỏ, chăm lo việc nước, việc nhà để ông yên tâm công tác. “Bà ấy chăm tăng gia lắm. Mang tiếng là vợ Cục trưởng nhưng lúc nào cũng quần xắn móng lợn, khai hoang, vỡ đất, trồng rau, trồng lạc”.

Mái ấm của ông luôn ríu rít tiếng cười. Lần lượt 2 năm một đứa con chào đời. Sự tảo tần, chịu thương chịu khó của vợ ông càng nhân lên. Sống bên nhau, vậy mà họ vẫn giữ thói quen ghi nhật ký về nhau, về các con. Đến sự chào đời của người con thứ 3, ông Giao nhớ lại: “Đó là một đêm mưa tầm tã. Đúng 12 giờ đêm, ngọn đèn chỉ còn lại những giọt dầu cuối cùng, nó lóe lên rồi tắt ngúm. Tôi phải lấy tấm nứa kết thành bó đốt làm đuốc dìu vợ tới Bệnh viện Thành phố. Vừa dìu vợ đi trong mưa, vừa lo nhỡ mà bà ấy sinh dọc đường.

May sao, đến bệnh viện, khoảng 1 giờ sau đó vợ tôi mới sinh. Lúc đó, tôi đứng chờ ngoài hành lang, nghe tiếng con khóc mới nhẹ lòng, trở về lo bữa sáng cho 2 đứa con đang nằm nhà, một đứa 4 tuổi, 1 đứa 2 tuổi”. Thời điểm, chị Tống Thị Thanh Tâm - cô con gái thứ 3 của ông tròn 8 tháng cũng là thời điểm Mỹ ném bom dữ dội (tháng 8/1964), nhất là ở Kho Xăng dầu Hưng Hòa, cách nhà ông 2 cây số. Nhiều lúc, nghe tiếng bom, con ông lại giật mình khóc thét: “Hình như, số nó vất vả, sinh ra đã chẳng có nổi sự bình yên”- ông Giao thở dài.

Lúc bấy giờ, ông thường xuyên phải đi kiểm tra cơ sở về trang bị kỹ thuật, bà được điều chuyển về Bệnh viện Quân y 4, đóng tại Nam Đàn, làm y tá, đồng thời có thêm nhiệm vụ cáng thương binh từ bến đò Cung (Thanh Chương) về Viện. Các con theo bà, bám đơn vị. Thương binh nhiều lắm, bà Thúc phải đi từ 1, 2 giờ sáng tới bến đò, nhiều bận tối khuya mới về tới nhà. 3 người con trứng gà, trứng vịt tự chăm sóc nhau. Cô con gái đầu hồi đó mới lên 5 mà đã ra dáng người chị cả đảm đang… Một lần, khi vợ chồng ông Giao trở về nhà, thấy cô con gái đầu ôm em Tâm khóc, mắt đỏ hoe.

Bé Tâm 8 tháng tuổi lúc đó sốt cao, mặt môi đỏ rực. Cô chị nức nở: “Em sốt từ chiều, con chạy ra bến đò tìm mẹ thì họ nói mẹ đã cáng các chú bộ đội về bệnh viện mất rồi”. Vợ chồng ông hốt hoảng đưa con xuống viện. Ông Giao nhớ cho tới giờ, cái sốt của con ông như vẫn còn vết bỏng trên cánh tay ông. 1 tuần sau đó, ông xin nghỉ để chăm con cho vợ tiếp tục công tác cáng thương binh. Nhưng con gái ông đã vĩnh viễn không có cơ hội trở thành một người bình thường, từ sau trận ốm đó. Chị Tâm đã suốt đời không thể tự đứng dậy trên đôi chân mình…

Khi biết con bị bại liệt, bà Thúc khóc ngất trên vai ông. Bà tự trách mình. Ông cũng đau lắm, nhưng nuốt nước mắt vào trong, động viên vợ vững vàng để nuôi các con khôn lớn, làm chỗ dựa cho đứa trẻ không may mắn này. Đi công tác xa, ông vẫn không quên viết cho vợ: “Em yêu quý! Thời gian không thể quay trở lại được nữa, chẳng ai có thể bắt dòng sông quay ngược về nguồn, em đừng suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Dù con chúng mình không được may mắn như những con người bình thường khác, nhưng chúng ta mãi mãi chăm lo cho con”. Và đúng như lời ông thầm hứa, cho đến những ngày cuối cuộc đời này, ông vẫn tự tay chăm sóc cho con gái, khi vợ không còn nữa!

Ông Giao chăm sóc con gái.
Ông Giao chăm sóc con gái.

Chính những dòng nhật ký ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho vợ ông vượt qua những đau khổ. Bà lại kiên cường gượng dậy, tảo tần sớm hôm nuôi 2 người con học đại học, ra đi làm. Còn cô con út, hai vợ chồng ông kiên trì luyện tập cho con bước đi từng bước. Hết năm này qua năm khác. Trong họ như còn mãi một nỗi hối hận giày vò. Nhờ đôi tay bố mẹ, chị Tâm biết hết mọi ngõ xóm quê hương. Mỗi lần dìu con đi, ông Giao luôn mang theo chiếc ghế đẩu và chiếc quạt nan, ghế để con ngồi, quạt để ông quạt cho con. Rồi khi biết con không thể phục hồi, ông tự tay mình làm cho con một chiếc xe lăn và chiếc nạng. Cứ thế, từ khi còn công tác, đến khi về hưu, 2 vợ chồng ông luôn ở bên con. Họ có chung niềm lo lắng, và niềm vui nhỏ bé được ở bên con như thế.

Cách đây 10 năm, trong một lần đi chợ, bà Thúc chẳng may bị xe ô tô đâm phải. Bà bất tỉnh bên đường, còn người lái xe bỏ trốn. Chấn thương nặng phần đầu đã biến bà thành một người khi mê, khi tỉnh. Lúc mê, bà đập phá đồ đạc trong nhà, khi tỉnh bà lại ôm mặt, ôm con khóc rưng rức. Nhìn vợ, nhìn con, nỗi đau của ông Giao như dao cứa. 2 người con đầu đều lập nghiệp ở xa. Các con ông đều lo cho bố mẹ lắm, nhưng ông không muốn phiền đến con mình. Ông nói các con “hãy yên tâm công tác, ba còn khỏe ngày nào, thì còn chăm được mẹ và em. Mà chính tay ba chăm, ba mới yên lòng”.

7 năm trời vợ bệnh, là 7 năm ông chăm sóc cả vợ và con. 2 năm cuối vợ nằm liệt giường, cũng một tay ông. Lúc đó, ông đã gần 80 tuổi, người ta vẫn thấy ông lọ mọ, không để bất cứ ai làm giúp việc thay quần áo hay tắm gội cho vợ, con mình. Đôi khi, ông ngồi bên giường bà, giở lại cuốn nhật ký ngày xưa, đọc lại cho bà nghe những năm tháng cũ. Ông muốn nhìn thấy bà mỉm cười, muốn thấy trên gương mặt ấy nét thanh xuân, thấy đôi mắt thẳm sâu sự sẻ chia ngày ấy. Và những dòng nhật ký ấy, ông không quên viết tiếp, rằng: “Em ơi, ngày mai đúng 40 năm ngày cưới. Ta sống với nhau rất là thủy chung. Dù ở hoàn cảnh nào, anh cũng dành trọn tình yêu với em. Anh sẽ chăm sóc tốt cho các con, đặc biệt là Tâm!”.

Từ ngày vợ mất, ông muốn giữ trọn lòng mình cho vợ, dành trọn thời gian còn lại của mình cho đứa con tật nguyền. Hàng ngày, trong căn nhà nhỏ, ông vẫn lọ mọ trở dậy, nâng giấc cho cô con gái đã 50 năm nằm một chỗ. Tự tay mình, từng miếng cơm, ngụm nước, tự tay mình chăm sóc ngày con đến tháng. Người xung quanh bảo: Hiếm thấy người cha nào tốt bụng như ông! Nhưng ông thì chỉ lặng lẽ mỉm cười. Ông không nghĩ như thế. Nếu có chăng, đó là lòng kiên trì, không gục ngã trước hoàn cảnh, mà với ông thì người lính Cụ Hồ nào cũng có!

Chúng tôi đứng lặng, nhìn ông lão 87 tuổi ấy chải tóc cho con. Chị Tâm ngoan ngoãn tựa mái đầu mình trên đôi tay đã nhăn nheo của cha mình, đầy yên tâm, tin cậy. Chị chỉ vào cổ mình, khoe với chúng tôi chiếc đài treo lủng lẳng, rồi lần trong túi áo, khoe cái lược chải đầu. Ông Giao nói: “Đó là kỷ vật của bà ấy. Bà ấy mua cho con gái, nó luôn giữ bên mình, kể cả khi đã hỏng…”.

Chứng tỏ không biết nói gì, trước đôi mắt nua già đang rưng rưng của ông Giao...

Thùy Vinh - An Ngọc

Mới nhất
x
Chuyện đời một người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO