Chuyển động tích cực từ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU: Bài 1: Những dự án điểm nhấn

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 – 2020, Nghệ An đã đạt nhiều kết quả nổi bật khi giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 4 lần so với năm 2010, góp phần đưa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An từ nhóm cuối năm 2010 lên thứ 18 vào năm 2020. Kết quả đó một phần là nhờ dấu ấn từ những dự án mang tính động lực…

Nhắc đến kết quả phát triển công nghiệp Nghệ An trong thời gian qua không thể không nhắc tới vùng Phủ Quỳ. Vùng đất đỏ bazan đầy tiềm năng thực sự được biết đến những năm 1960 thế kỷ trước về công nghiệp và cơ giới hóa khi một loạt các nông trường quốc doanh có mặt tại đây. Tuy nhiên, do chuyển đổi cơ chế, vùng đất này như ngủ yên suốt 20 năm và bắt đầu được đánh thức khi Tập đoàn TH đầu tư chuỗi các nhà máy công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Thời gian 10 năm thực hiện Nghị quyết 06 cũng là quãng ghi dấu ấn từ những dự án, công trình của Tập đoàn TH có ý nghĩa mở đầu, tạo điểm nhấn cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội nhất là các huyện miền Tây Bắc xứ Nghệ. Ngoài dự án đầu tư mía đường Phủ Quỳ trước đó (nay Tập đoàn TH đã tiếp quản), Công ty TH đầu tư Nhà máy sữa TH chế biến sữa ước đạt: 225.150 nghìn lít/năm; nhà máy SX nước tinh khiết – nước thảo dược và nước hoa quả Núi Tiên. Hiện tại Nhà máy sản xuất nước tinh khiết Núi Tiên tại Nghĩa Đàn đã vận hành, chạy thử cho ra sản phẩm nước đóng chai, sản xuất 600.000 lít/ngày đêm (40.000 chai/giờ)… Những dự án của Tập đoàn TH có tính kết nối, có tác động lan toả tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương; từ đó, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế trong tương lai.

Khánh thành Nhà máy sản xuất nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên tại xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Lâm Tùng.
Khánh thành Nhà máy sản xuất nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên tại xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Lâm Tùng.

Một địa phương khác có sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, TTCN phải kể đến là thị xã Hoàng Mai. Đây là vùng đất nằm trong quy hoạch Nam Thanh – Bắc Nghệ của vùng Bắc Trung Bộ, và được xác định là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An để tạo nên liên kết vùng hết sức quan trọng và là động lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.

Sự vươn mình trỗi dậy của vùng kinh tế Nam Thanh – Bắc Nghệ, đặc biệt là sức hấp dẫn của Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và KCN Đông Hồi (Hoàng Mai, Nghệ An) đã thu hút hàng loạt dự án lớn vào đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã chọn vùng Hoàng Mai để triển khai một loạt dự án lớn như Nhà máy xi măng Hoàng Mai 2 công suất 4,5 triệu tấn/năm; dự án sản xuất gạch không nung công suất 200 triệu viên/năm, Dự án thép xốp Kobelco trị giá 1 tỷ USD; Nhà máy phân lân của Ấn Độ; dự án đầu tư Cảng Đông Hồi; Nhà máy Tôn Hoa Sen (quy mô 7.000 tỷ đồng);… Có thể nói, Nghị quyết 06 đã tạo hành lang và “cú huých” để Thị xã trẻ địa đầu xứ Nghệ ra đời và chuyển mình từ vùng đất hoang sơ, cằn cỗi tiến lên đô thị theo hướng công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Đóng gói sản phẩm tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng
Đóng gói sản phẩm tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

Ngoài các công trình dự án trên, trên cơ sở Nghị quyết 06, trong 2 nhiệm kỳ gần đây, UBND tỉnh đã từng bước rà soát quy hoạch lại các Cụm CN nhỏ, đầu tư nâng cấp hạ tầng các làng nghề như đường sá, hệ thống mương máng xử lý nước thải. Kết quả, toàn tỉnh đã có 22 Cụm CN trên tổng số 52 Cụm CN được quy hoạch tại các huyện, thành, thị đã đi vào hoạt động, lấp đầy; mỗi năm tạo doanh thu 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động; toàn tỉnh có 160 làng nghề và làng có nghề với gần 100 sản phẩm TTCN tiêu biểu.

Có thể khẳng định, việc thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 06 đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút các nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của DN trên địa bàn tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 54 năm 2010 vươn lên xếp thứ 18 vào năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 06/ BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển CN-TTCN và xây dựng làng nghề giai đoạn 2012-2020, CN-TTCN, làng nghề tỉnh có sự chuyển biến khá tích cực. Quy mô sản xuất ngành công nghiệp tăng nhanh, kết thúc thời kỳ thực hiện Nghị quyết giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 4 lần so với thời điểm năm 2010, từ 16.814 tỷ đồng lên 69.304 tỷ đồng năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, và quan trọng hơn, nhờ tinh thần Nghị quyết, tỉnh đã thu hút, bổ sung nhiều dự án, sản phẩm quan trọng như: Tôn Hoa Sen, ống thép các loại, linh kiện điện tử, cá hộp, ván MDF, bồn chứa nước, dệt may, sản xuất điện gió, viên nén sinh khối…

Đặc biệt, dệt may là một trong những ngành có thế mạnh về thu hút đầu tư của Nghệ An nhờ lợi thế về đất đai và nguồn nhân lực sẵn có. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 24 dự án may mặc có quy mô lớn hoạt động, đưa Nghệ An trở thành Trung tâm may mặc của khu vực Bắc Trung Bộ. Năng lực sản xuất các sản phẩm của ngành vượt xa các mục tiêu Nghị quyết 06 đề ra. Cụ thể, sản phẩm may dệt kim đạt 10 triệu sản phẩm/mục tiêu Nghị quyết là 5 triệu sản phẩm; quần áo may sẵn 50 triệu sản phẩm/mục tiêu Nghị quyết là 20 triệu; năng lực sản xuất sợi đạt 20.000 tấn/mục tiêu 10.000 tấn vào năm 2015.

Công ty may Prex Vinh đơn hàng dồi dào, đảm bảo việc làm cho lao động. Ảnh: Thu Huyền
Công ty may Prex Vinh đơn hàng dồi dào, đảm bảo việc làm cho lao động. Ảnh: Thu Huyền

Tiếp nối các hạ tầng KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm do tỉnh đầu tư, tỉnh đã thu hút thêm được một số nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư hạ tầng các KCN. Đó là VSIP với dự án hạ tầng KCN VSIP tại Hưng Nguyên, Tập đoàn WHA với dự án đầu tư KCN WHA.N01 tại Nghi Lộc; Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt tiếp quản, đầu tư KCN Hoàng Mai 1. Các dự án lớn như nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True milk, Dự án sản xuất gỗ ghép thanh và gỗ ván MDF tại Nghĩa Đàn; Dự án Tôn Hoa Sen Đông Hồi; Luxshare-ICT, Goertek Vina, Everwin, dự án lắp ráp linh kiện điện tử Juteng; nhà máy chế biến thực phẩm Royal Food, Masan MB,… được ví là những “quả đấm thép” có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mặt khác, nhờ Nghị quyết 06 khởi động, các ngành nghề TTCN, làng nghề nông thôn được phục hồi qua đó tạo tiền đề cho Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP của Chính phủ được triển khai nhanh chóng và thuận lợi trên địa bàn. Sau gần 3 năm triển khai, trên địa bàn đã có 112 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần tạo điểm nhấn, nâng giá trị sản vật, hàng hóa, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Giai đoạn 2011 – 2020, sản xuất công nghiệp Nghệ An duy trì tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp, làm đứt gãy hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh nhất là giai đoạn giãn cách xã hội nhưng công nghiệp Nghệ An vẫn đạt tăng trưởng dương ở mức cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước, chỉ số IIP năm 2020 đạt 108,72%.

Để cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tại Quyết định số 866/QĐ-UBND ngày 23/3/2012 gồm 14 chương trình, đề án và giao nhiệm vụ tham mưu cho các sở, ban, ngành liên quan. Trong đó, các chương trình, đề án như Đề án phát triển doanh nghiệp, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân; chương trình xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án trọng điểm; chương trình phát triển công nghiệp sản xuất xi măng; các Đề án sản xuất vật liệu không nung, phát triển điện và đầu tư Cụm CN, phát triển KKT Đông Nam và các KCN; phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề… đã ưu tiên nguồn lực để tập trung lãnh đạo thu hút đầu tư vào các mũi trọng điểm, có tính đột phá.

Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thu hút 30 dự án với tổng vốn đầu tư 11.612 tỷ đồng. Ảnh: Thành Cường
Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thu hút 30 dự án với tổng vốn đầu tư 11.612 tỷ đồng. Ảnh: Thành Cường

Chẳng hạn, công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản, thực phẩm là lĩnh vực mũi nhọn được tỉnh hết sức chú trọng từ khâu xây dựng chương trình, đề án cho đến hoạt động xúc tiến đầu tư, như: Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Đề án Nâng cao giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030… Vì vậy, giai đoạn 2011 – 2020, lĩnh vực này đã thu hút được một số dự án quy mô lớn và quan trọng, khai thác tốt tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu và đất đai rộng lớn, nhất là các huyện miền Tây.

Đến nay, toàn ngành có tổng số 14.829 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với số lượng lao động bình quân hàng năm 29.000 – 30.000 người. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản, thực phẩm tăng từ 7.253 tỷ đồng năm 2010 và đạt 155.979 tỷ đồng vào năm 2020; Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất giai đoạn 2011 – 2020 đạt 11,17%.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng
Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền

Đáng chú ý, trong số chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết 06, đã có những Đề án, kế hoạch mang lại hiệu quả lớn và thiết thực đối với phát triển kinh tế – xã hội như: Đề án phát triển điện, phát triển cụm CN, chương trình phát triển doanh nghiệp, bồi dưỡng doanh nhân; chương trình xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án trọng điểm kèm theo đó là cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư nên có tác dụng khuyến khích, huy động nguồn lực doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 06, công tác tổ chức phổ biến và quán triệt Nghị quyết ở một số đơn vị cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc chưa sâu rộng và toàn diện. Một số địa phương chưa có chương trình kế hoạch công tác cụ thể triển khai nhiệm vụ Nghị quyết nên còn lúng túng. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng thiếu ổn định, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp – xây dựng chậm và đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết (đạt 29,8%/mục tiêu 39-40%). Chưa thu hút được các Dự án lắp ráp quy mô lớn để thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vệ tinh. Năng lực đầu tư mới trên nhiều lĩnh vực không đáng kể nên gần một nửa chỉ tiêu các sản phẩm chủ yếu đề ra đến thời điểm cán đích vẫn không đạt.

Đoàn công tác Sở Công thương kiểm tra dây chuyền dự án Chế biến tinh dầu Sở tại xã Đông Hiếu, Tx Thái Hòa. Ảnh: Nguyễn Hải
Đoàn công tác Sở Công thương kiểm tra dây chuyền dự án Chế biến tinh dầu Sở tại xã Đông Hiếu, Tx Thái Hòa. Ảnh: Nguyễn Hải

(Còn nữa)