Chuyên gia bình luận về 3 nhóm tàu sân bay Mỹ áp sát Triều Tiên
(Baonghean.vn)- Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, Hải quân Mỹ triển khai 3 nhóm tàu sân bay tấn công tham gia cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong tháng tới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các tàu chiến của Mỹ-Hàn tuần tra ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Getty |
Ông Dean Cheng, chuyên gia quốc phòng tới từ Quỹ Di sản nhận định: “Các tàu sân bay này thực sự là một lực lượng hùng hậu”.
Các chuyên gia quốc phòng cho rằng tàu sân bay này có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên và phi đội tàu hộ tống có thể phóng các tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, hệ thống phòng không mới của Triều Tiên có thể đánh chặn máy bay quân sự và tên lửa.
Ông Denny Roy, một chuyên gia an ninh châu Á -Thái Bình Dương tới từ Trung tâm Đông-Tây, một viện nghiên cứu ở Honolulu (Mỹ) cho hay: “Điều này cho phép chúng tôi thực sự làm điều gì đó trái với các động thái mang tính phô trương quân sự khác”.
Trong quá khứ, ông Roy cho biết Washington có ý định sử dụng các chuyến bay chỉ mang tính phô trương dọc biên giới hoặc điều một con tàu duy nhất gần Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn lo ngại nguy cơ tới từ sự hiểu nhầm thảm khốc bắt nguồn từ các căng thẳng hiện nay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là một nhân tố khó đoán định bởi ông ấy có thể đẩy căng thẳng lên cao nếu nhận thấy Mỹ sắp tấn công chính quyền của mình.
Chuyên gia Anthony Ruggiero tới từ Quỹ Quốc phòng các nền Dân chủ nhận xét: “Sự hiểu nhầm có thể tới từ cách Triều Tiên diễn giải động thái Mỹ triển khai 3 nhóm tàu sân bay tấn công tới khu vực”.
Hải quân Mỹ triển khai chiến dịch tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra an tâm hơn khi mới đây Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố hiện có một số cách thức để mở ra các cuộc thảo luận ngoại giao.
Ông nêu rõ: “Một số kênh này có thể được sử dụng để xoa dịu căng thẳng, vốn có thể leo thang thành xung đột”.
Trong khi đó, theo chuyên gia Lisa Collins tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các số liệu thống kê do CSIS công bố cho thấy các vụ phóng thử và hành động khiêu khích tên lửa của Triều Tiên trong tháng 11, 12 và đầu tháng 1 “có xu hướng kiềm chế hơn”.
Chuyên gia này giải thích thời tiết lạnh tại quốc gia Đông Bắc Á này có thể gây ra vấn đề kỹ thuật trong các vụ phóng tên lửa.
Bà Collins cho biết thêm hành động khiêu khích có xu hướng giảm có thể tạo điều kiện để “tiến hành thêm các cuộc đối thoại hoặc tiếp cận Triều Tiên thông qua các kênh liên lạc không chính thức”.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Triều Tiên ngày 25/10 cho biết nước này tiếp tục đe dọa thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.
Chuyên gia Cheng nhận định để chứng tỏ việc sở hữu một siêu bom, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ “thực hiện một vụ phóng thử trên không”./.
Lan Hạ
(Theo CNBC)
TIN LIÊN QUAN |
---|