'Chuyên gia' làm guồng nước ở Tây Nghệ An

23/05/2016 20:49

(Baonghean.vn) - Đến mảnh đất Bình Chuẩn (huyện Con Cuông-Nghệ An) nhiều người sẽ rất ấn tượng với chuỗi những cọn nước nối đuôi nhau liên tiếp trên con suối chảy quanh các bản làng. Tuy nhiên, không mấy ai biết hầu hết số cọn nước này được làm ra bởi đôi tay một già bản.

Già Tấm bên những
Già Tấm bên những "công trình" đầy tâm huyết của mình.

Đó chính là già Lê Văn Tấm, nhà ở bản Mét (xã Bình Chuẩn). Người bản trên, bản dưới gọi già là“nghệ nhân cọn nước” hay “chuyên gia cọn nước”.

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng trông già vẫn còn khỏe lắm. Đặc biệt, khi dẫn chúng tôi đi tham quan những cọn nước do chính tay mình làm, già lội băng băng qua nhiều con suối như không biết mệt.

Già Tấm được bà con dân bản gọi là
Già Tấm được bà con dân bản gọi là "chuyên gia cọn nước" hay "nghệ nhân cọn nước"

Theo bà con vùng này, để làm nên những cái “bánh xe dẫn nước” không khó, trong bản cũng có vài ba người làm được. Cái khó là làm sao để cái “bánh xe nước” nó có “hồn” bởi không chỉ để làm thủy lợi, những cọn nước còn là một nét đẹp văn hóa của người Thái vùng cao. Và điều đó cần đến già Tấm.

Xã Bình Chuẩn thuộc xã miền núi có tỷ lệ nghèo rất cao. Chưa có đường mương dẫn nước nên người dân rất khó khăn trong việc trồng trọt. Ban đầu, như những người trong bản, già Tấm làm cọn nước chỉ với mục đích dẫn nước lên cho những nương lúa, nương ngô nhà mình.

Nhưng rồi, không chỉ dừng lại ở ruộng nhà mình, cũng không dừng lại là một công việc, già Tấm đam mê với những con nước. Già mày mò tìm hiểu từng địa hình ruộng nương cao thấp, sau đó tỉ mỉ từng chi tiết để dựng nên những cọn nước phù hợp.

Những cọn nước ở Bình Chuẩn phần lớn do tay già Tấm làm nên
Những cọn nước ở Bình Chuẩn phần lớn do tay già Tấm làm nên.

Với già Tấm, làm cọn “không nên qua quýt cho xong chuyện, mà phải làm cẩn thận từng chi tiết mới có được cái con đẹp”. Mỗi một cọn nước, với già là một công trình tâm huyết, giống như người kiến trúc sư tạo dựng một ngôi nhà vậy

Đến bây giờ, qua 40 năm làm cọn nước, già Tấm cũng không nhớ nổi mình đã làm được bao nhiêu cái. Chỉ biết qua bao nhiêu mùa ngô, mùa lúa, mỗi khi nhà nào trong bản, ngoài bản nhờ là già lại đến chỉ bảo, làm giúp.

Những cọn nước có vẻ ngoài đơn giản nhưng là nguồn tưới nước quan trọng cho những cánh đồng lúa nước trong khi hệ thống mương máng trên địa bàn còn chưa hoàn thiện
Những cọn nước có vẻ ngoài đơn giản nhưng là nguồn tưới nước quan trọng cho những cánh đồng lúa nước trong khi hệ thống mương máng trên địa bàn còn chưa hoàn thiện. Ảnh: Hồ Phương

Nói về già Tấm, trưởng bản Mét, ông Vi Văn Hoàng nhận xét: “Trong vùng này không ai am hiểu và làm cọn nước đẹp bằng cụ Tấm. Cụ tỉ mỉ, chu đáo và hay giúp đỡ bà con trong bản mỗi khi nhà ai đó cần làm cọn để dẫn nước về ruộng nương”.

Theo già Tấm để làm được 1 cái cọn, trước tiên là chuẩn bị khoảng 90 đến 120 cây nứa (phải vào rừng lấy), tùy theo cọn nước to hay nhỏ. Nứa sẽ được vót nhọn một đầu sau khi chặt theo kích thước đường kính của bánh xe nước. Bước tiếp là đan những cánh quạt và ống nước. Số lượng cánh quạt tương ứng và đi kèm với các ống nước.

Bước khó nhất vẫn là đóng các đầu nhọn của thanh nứa lên cái “cò” (cần trục), sao cho nó đều và cân đối. “Cò” phải là loại gỗ mềm mà lại chịu nổi lực của vành nứa. Sau đó dựng hai cái trụ hai bên thật cân đối rồi cho bánh xe vào, thế là có một cọn nước hoàn chỉnh.

Thật không đơn giản để làm ra được một cọn nước đẹp, có
Thật không đơn giản để làm ra được một cọn nước đẹp, có "hồn". Ảnh: Hồ Phương

Những "tác phẩm" được người trong bản và khách du lịch có dịp đi qua trầm trồ, khen ngợi. Nhưng điều mà già trăn trở rồi đây, một khi mình không thể làm được công việc nữa, ai sẽ tiếp bước làm sống động bức tranh văn hóa làng bản qua những cọn nước.

Có thể, anh Nọi con út của già, hay nhiều người đàn khéo tay trong bản sẽ đam mê, dám hi sinh thời gian, công sức để làm nên phần “hồn” của những “bánh xe nước” ấy...

Thuấn Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Chuyên gia' làm guồng nước ở Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO