Chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của Công nghiệp Việt Nam
Đây là chủ đề của Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra chiều 9/5, tại Hà Nội.
Chiều 9/5, tại Hà Nội, JETRO (Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội) và Công ty Reedtradex của Thái Lan cùng VIETRADE (Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam) phối hợp tổ chức Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với chủ đề “chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của Công nghiệp Việt Nam”.
Các diễn giả tham dự Diễn đàn "Chuyển giao công nghệ - Bước ngoặt của Công nghiệp Việt Nam" đã giao lưu với các nhà sản xuất, lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam.
Diễn đàn này là một trong các hoạt động mở đầu cho chuỗi triển lãm nhằm thúc đẩy sự phát triển và tiềm năng của các nghành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 - 6/9/2013 tới, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Các triển lãm gồm: Triển lãm Công nghệ hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 tại Hà Nội (SIE 2013); Triển lãm công nghệ cao Nhật Bản; Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2013 (ICS Việt Nam) và Vietnam Manufacturing Expo 2013.
Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác trong nhiều năm qua về các dự án phát triển công nghiệp và thương mại. Vốn đầu tư và công nghệ sản xuất của Nhật Bản đóng một vai trò rất quan trọng tại Việt Nam, giúp nâng tầm hợp tác kinh tế song phương theo hướng cùng có lợi giữa hai quốc gia.
Ông Hideo Suzuki, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản cho rằng, chuyển giao công nghệ là quá trình chuyển giao kỹ năng, kiến thức, công nghệ, bí quyết sản xuất để đảm bảo công nghệ và các yếu tố liên quan có thể được đông đảo người sử dụng dễ dàng tiếp cận hơn. Đồng thời, nó giúp người ta sử dụng mở rộng mục tiêu trong việc tối ưu hóa lợi ích của công nghệ và áp dụng chúng vào các sản phẩm, các quá trình ứng dụng, nguyên vật liệu hay dịch vụ. Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng khả năng cạnh tranh quốc gia và thu hút nhiều hơn vốn FDI. Mặt khác, Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng hợp tác phát triển với các đối tác hiệu quả. Vì vậy, chuyển giao công nghệ sẽ là chìa khóa cho sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Còn ông Chainarong Limkittisin, Giám đốc Điều hành Công ty Reed Tradex cho biết, các ngành công nghiệp tự động hóa và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phát triển thịnh vượng trong những năm gần đây nhờ vào lực lượng lao động dồi dào và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Một ngành công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh có thể mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia như: giảm thiểu chi phí nhập khẩu phụ tùng, nâng cao trình độ sản xuất trong nước, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế. Reed Tradex đã nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam khi Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Với dòng vốn FDI liên tục được đưa vào, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, hứa hẹn nhiều triển vọng cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo JETRO, hiện nay, Nhật Bản đang đứng đầu về hỗ trợ FDI tại Việt Nam và các nguồn hỗ trợ mới khác từ Nhật Bản sẽ còn tiếp tục gia tăng. Trong năm 2011, số lượng các công ty Nhật Bản được cấp giấy phép đầu tư tại Việt Nam là 234 và năm 2012 tăng lên con số 317. Theo thống kê, năm 2012, số lượng các dự án đầu tư FDI mới từ Nhật Bản chiếm 25% trong tổng số đầu tư FDI tại Việt Nam và năm 2012 tổng đầu tư FDI mới chiếm 50% trong tổng số đầu tư FDI tại Việt Nam.
Năm nay là năm đánh dấu mốc kỷ niệm quan hệ hữu nghị 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời kỷ niệm 25 năm đầu tư nước ngoài FDI./.
Theo (vov.vn)- L.T