Chuyện giếng cổ không bao giờ cạn

(Baonghean) - Huyện Quỳnh Lưu hiện tại còn có rất nhiều giếng cổ, như giếng Am, giếng Nghè, giếng Giữa (Quỳnh Hoa)...; giếng Ngõa Trường (Quỳnh Diễn), giếng Mắt Phượng (Quỳnh Phương)… Đặc biệt, giếng Ông Cụt ở xóm 11, xã Quỳnh Mỹ, chỉ sâu khoảng 1m, trên rừng thông, nước luôn trong vắt, không bao giờ cạn…

Những cái giếng cổ ở Quỳnh Lưu đều sâu độ 3 – 4m, mực nước giếng cao hơn mặt ruộng, quanh năm đầy ắp nước. Riêng giếng Ông Cụt lại có điểm khác, là giếng nằm trên rừng thông, chỉ sâu độ 1m mà nước cũng cứ luôn dồi dào, dù trời có hạn hán.

Giếng Ông Cụt còn được người dân nơi đây gọi là giếng Giỏ, hình dáng giếng nước này chỉ như là một vũng nước, giống “cái giỏ” lõm xuống giữa rừng thông. Các giếng cổ khác trong vùng đều được đào, bên dưới xếp các khối gỗ dâu, trên ghép đá xanh… còn giếng Ông Cụt, chỉ là “giỏ nước” tự nhiên.

Giếng được gọi tên là Ông Cụt, bởi theo sự tích được lưu truyền từ xa xưa, ở làng Phú Mỹ (xã Quỳnh Hoa) có vợ chồng một người nông dân họ Nhữ, sinh ra một cái bọc, trong bọc là một đôi rắn. Người chồng rất buồn, người vợ khuyên rằng trời cho con nào thì nuôi con đó, nên giữ lại. Hai con rắn lớn rất nhanh và thường xuyên đi theo người bố.

Ông Nguyễn Đông Thành, xóm 11, xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu,

bên giếng Ông Cụt

Một lần sau cơn mưa, người chồng đi đắp bờ giữ nước, hai con rắn cũng đi theo. Chúng tinh nghịch lấy đuôi dùi thủng bờ để nước ruộng trên chảy xuống ruộng dưới, lấy thế làm thích thú. Thấy nước rò, người bố liền lấy xẻng xăm bờ lại. Chúng lại dùi, người bố lại xăm mà không hay biết. Một lần vô tình, lưỡi xẻng của người bố đã chặt đứt đuôi một con rắn. Giận bố, hai con rắn cho là người bố cố ý hại con nên rủ nhau về phục trên cổng ngõ bằng tre chờ người bố về để mổ cho chết. Người bố biết liền xin: "Vì bố mải đắp bờ giữ nước, vô tình làm con bị thương. Xin hai con hãy tha cho bố". Hai con rắn liền bỏ đi.

Sau này, con rắn đứt đuôi được dân làng gọi là Ông Cụt, còn con rắn còn đuôi gọi là Ông Dài. Ông Cụt bị mất đuôi ra nhiều máu nên rất khát nước. Khi đi qua vùng này, phát hiện thấy mạch nước, liền ủi cho nước trào lên để uống và dưỡng thương nhiều ngày nên vũng nước có tên là giếng Ông Cụt.

Có người đi rừng tìm được giếng, thấy nước trong, ngọt lạ thường đã mách cho nhiều người khác. Kể từ đó, giếng nước trở thành tài sản quý cho những người đi rừng. Cách đây khoảng chục năm, vẫn còn rất nhiều người đi rừng lấy củi, đi qua giếng Ông Cụt thì dừng lại xin ngụm nước. Những năm trời hạn hán, đồng ruộng nứt nẻ, những giếng nước sâu hàng chục mét cạn khô đáy, hàng trăm hộ dân ở vùng quê Quỳnh Lưu lại tìm đến giếng Ông Cụt lấy nước sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Đông Thành (xóm 11, xã Quỳnh Mỹ), người am hiểu nhất về lịch sử giếng Ông Cụt, thì: “Sự tích giếng Ông Cụt vẫn còn được ghi chép lại trong gia phả họ Nhữ, ở xã Quỳnh Hoa. Chẳng biết giếng có từ bao giờ, nhưng chắc chắn cũng đã rất lâu đời rồi, vì dòng họ Nhữ cũng đã tồn tại hàng trăm năm nay. Các cụ già trong làng còn truyền, ngày 20/4 hàng năm là ngày giỗ mẹ Ông Cụt, nên cứ vào khoảng này Ông Cụt và Ông Dài lại về và báo cho dân làng bằng những trận cuồng phong…”.

Hiện nay, giếng Ông Cụt thuộc xã Quỳnh Mỹ, vị trí giáp ranh giữa 3 xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ và Ngọc Sơn (3 xã này xưa đều thuộc làng Phú Mỹ). Trước đó, vào năm 1993, sau khi có Nghị định giao đất giao rừng, những hộ dân ở xóm 11, Quỳnh Mỹ liền góp tiền mua xi măng, cát đá xây dựng thành giếng để bảo vệ.

Có lần, thấy lạ vì giếng nông mà nước không bao giờ cạn, một tốp 5 - 7 người rủ nhau thử đem mỗi người một cái gầu múc nước liên tục. Kết quả là giếng vẫn giữ nguyên mức đó.

Hằng tháng, cứ đến Rằm, mùng Một, lại có nhiều người đến thắp hương, tỏ lòng kính mến, biết ơn Ông Cụt, cầu mong ông phù hộ cho bình an, làm ăn thuận lợi… Ông Thành cho biết thêm, Rằm tháng 7 vừa rồi có tới gần 500 người tập trung đến thắp hương tại giếng Ông Cụt, đứng chật cả khoảng đồi…

Hồ Lài

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.