Chuyện kể từ làng rau Sơn Thành

(Baonghean) - Giữa miền núi rừng Tam Hợp (Quỳ Hợp) có một “thế làng” hiếm gặp với những su hào, cải bắp, mướp đắng, hành hoa... cứ rợp rợp xanh trên những vườn hộ, thảm quanh những ngôi nhà khang trang, dễ nghĩ người làng này có ý biến nơi đây thành một quần cư sinh thái cho khách xa du ngoạn. Thế nhưng, vùng “rau an toàn” Sơn Thành ấy, đang nhiều nỗi ưu tư...

Khát vọng xanh

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Thế - Chủ nhiệm HTX Sơn Tây trao đổi: “Phóng viên về Sơn Thành dịp này hay lắm... Các  HTX trồng rau đang gặp những khó khăn nhất định chưa có thể tháo gỡ. Nhưng trước hết, anh cho tôi được nói về cái tiểu sử làng rau này, mới thấy việc các cấp ngành, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực hơn nữa để duy trì một vùng chuyên canh rau sạch còn hiếm hoi ở Phủ Quỳ như thế này”. Và, ông Thế đã độc thoại dẫn tôi vào câu chuyện một khát vọng xanh...

Những năm 70, 80 cuối thế kỷ trước, không hiếm những hộ di dân từ các địa phương trung du và đồng bằng Nghệ An lên làm “kinh tế mới” ở các huyện phía Tây Bắc. Năm 1982, có 30 hộ dân đa phần là những cặp vợ chồng trẻ của vùng rau Lương  - Minh – Bảng của huyện (Quỳnh Lưu) đã lên với xã Tam Hợp (Quỳ Hợp), mang theo cái nghề trồng rau xanh truyền thống để lập nghiệp, lao động sản xuất trong đơn vị hành chính gọi là xóm 4, với tên chữ là xóm Sơn Thành.

Tìm được cái thế đất cạnh Quốc lộ 48, lại là nơi có đường chẽ ra của Ngã ba Săng Lẻ, thuận giao thương đi cả vùng Phủ Quỳ rộng lớn, các nông dân thừa sự cần cù, khí thế lao động và khát đất đai ấy đã bắt tay ngay vào dựng lán ở, ngày đêm khai phá rừng hoang, chăm chút gieo những hạt mầm rau màu lên đất mới, với mơ ước tạo vùng chuyên canh rau xanh chủ lực cho cả miền Tây Bắc. Bao nhiêu vốn ki cóp được trước đó, được các hộ đầu tư vào mua đất trồng rau, với giá đất lúc đó khoảng hơn 2 chỉ vàng /sào.

Đất đai ít, người làng mới sản xuất rau màu theo phương án quay vòng không cho đất nghỉ, với các giống rau ngắn ngày, năm làm tới 7-8 vụ. Giá trị trả cho mồ hôi công sức năm đầu, vụ đầu thật phấn khởi: Su hào, cải bắp, cà chua tốt bời bời và cho quả, cho củ bội thu. Một hộ mỗi năm có thể sản xuất tới 40-50 tấn rau màu. Nhưng ngay thời kỳ đó, nỗi lo “đầu ra” cho sản phẩm rau xanh đã thường trực đối với người làng mới Sơn Thành. Rất nhiều lần cho bắp cải, su hào lên ô tô chở đi tiêu thụ ở các huyện khác đã phải bán tống, bán tháo vẫn không hết, phải đổ đi phân nửa.

Tuy thế, người làm ra vẫn không nản, và không thuê chở từng ô tô đưa rau đi bán nữa, mà “xé lẻ” ra chạy xe máy đi “bỏ” rau ở nhiều điểm. Cái may của thời kỳ đầu đó là thị trường tiêu thụ hẹp nhưng giá cả không đến nỗi bấp bênh; đến những năm 1990 trở đi thì rau xanh Sơn Thành tiêu thụ tăng dần, nhờ hoạt động khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp rộ lên, lượng người đổ về đây ngày một đông và có nhiều thời điểm rau sản xuất ra không đủ bán... Hơn 40 ha rau màu của Sơn Thành cứ thế cho thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.

Nếu cái lo đầu ra có những thăng trầm và thường trực theo từng thời kỳ đối với người làng rau Sơn Thành, thì cái lo xuyên suốt và ngày càng bức bách là nguồn nước tưới. Phải nói, người trồng rau ở đây luôn đối phó với khô hạn do không có hệ thống thủy lợi cũng như không có mạch nước ngầm nên không thể đào giếng. Hầu hết các hộ phải khoét từ diện tích đất vườn ít ỏi đào ao trữ nước vào mùa mưa, nhưng giỏi lắm cũng chỉ đủ dùng cho một tháng mùa khô tiếp đó. Hết nước ao, thì phải gánh, thuê bơm tưới từ con khe chảy qua trước xóm, nhưng tiền thuê người tưới, tiền điện cao nên giá thành đội lên, lời lãi chẳng còn bao. Kỳ công, khó khăn  thế, nhưng rau xanh Sơn Thành vẫn cứ xanh lên như nhờ được tưới tắm bằng mồ hôi người trồng vậy. Thế rồi, cứ từng vụ, từng năm trôi qua, rau xanh Sơn Thành dần có thương hiệu; người trồng rau ở đây dần trở thành người làng cũ.

Và, người làng cũ ngoài những nỗi lo cũ, đã nảy sinh những nỗi lo mới...

Ông Nguyễn Khắc Thế - Chủ nhiệm HTX Sơn Tây trong vườn măng tây xanh bị nhiễm bệnh.

Bước ngoặt khó khăn

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Thế rít mạnh hơi thuốc lào, uống một hớp trà rồi nói tiếp: Bước vào những năm 2000, khi người tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng rau sạch, trên miền Tây Bắc Nghệ An đã có thêm nhiều vùng trồng rau và có sự thoái trào của khai khoáng (đá trắng, nước khoáng) ở Quỳ Hợp... thì đến năm 2009, người làng rau Sơn Thành được Sở Nông nghiệp &PTNT hỗ trợ để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Làng rau cũng được tiến hành thành lập hợp tác xã, tách ra thành HTX Sơn Tây và HTX Sơn Đông. Cùng lúc đó, cả làng  được tổ chức “Hòa Bình Xanh” của Tây Ban Nha đầu tư khoan cho 5 giếng khoan, nhưng rồi chỉ có 4 giếng dùng được. Huyện Quỳ Hợp đã bỏ ra 500 triệu đồng để đắp đập ngăn con khe chảy qua xóm làm thủy lợi tưới cho vùng rau; thật trớ trêu là con khe đó bị ô nhiễm nặng từ đầu nguồn, không thể sử dụng nước tưới cho rau sạch được nữa!

Sản xuất rau xanh theo VietGAP cũng hạn chế tối đa các can thiệp hóa chất trong phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Như thế, rau xanh Sơn Thành đã đối diện với một khó khăn mới là dịch bệnh ngày một nhiều, khó khống chế có hiệu quả.  Cái căng nhất là nguồn lao động. Người trồng rau ở Sơn Thành nếu khéo tính toán, nắm vững kỹ thuật và có đủ nhân lực, với bình quân 8- 10 sào/ hộ, thì mỗi năm có lãi khoảng trăm  triệu đồng; phụ phẩm dùng cho chăn nuôi trâu bò, bán có thể cho thu 30 triệu đồng; và, nhờ ngày nào cũng có rau bán thu tiền mặt, nên có thể tham gia các phường tiền tiết kiệm, thu nhập thêm dăm, ba triệu đồng tiền lãi nữa, là sống được!

Tuy thế, nếu đi làm đá cho các doanh nghiệp trên địa bàn, thì cứ đều đều 4-5 triệu đồng/tháng, nên lũ trẻ nếu không đi ra học hành, thì ít đứa chịu ở lại gắn bó với nghề trồng rau. Nhìn những luống rau ngày một kém xanh do thiếu người chăm sóc, thế hệ cư dân đầu tiên của làng rau Sơn Thành xót xa đành đi thuê người làm, nhưng công thuê lại cao, lao động lại không phù hợp với công việc sản xuất rau, nhất là rau sạch vốn là việc kỳ công, hôm sớm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhiều nhà cứ thế giảm dần các diện tích rau đòi hỏi công chăm sóc cao, hoặc cứ luân phiên cho đất vụ làm, vụ nghỉ...

Những tưởng “cái khó bó cái khôn”, năng động đi tìm cây rau cho thu nhập cao về sẽ hút dần lớp trẻ gắn bó với nghề truyền thống của làng, và nếu có thuê lao động, giá thành đội lên thì cũng “trụ” được, khi sản phẩm bán ra thị trường được giá. Vậy mà, khi măng tây xanh – loài rau được coi là một loại thực phẩm chức năng kỳ diệu có nguồn gốc từ nước Mỹ xa xôi du nhập vào Việt Nam được đưa về Sơn Thành, lại chưa kịp vui đã buồn...

Ngơ ngác măng tây

Theo tài liệu, cây măng tây xanh có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, nó được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1980, nhưng  phát triển mạnh nhất là từ năm 2008 cho đến nay. Kỹ thuật trồng cây măng tây cũng rất khó, tỷ mỷ, kỳ công và đòi hỏi đầu tư chi phí lớn. Mỗi ha từ giống đến phân bón, công chăm sóc, hết khoảng 170 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng từ 5 tháng trở lên, nhưng thời gian thu hoạch măng kéo dài được từ 8 đến 10 năm, tùy vào sự đầu tư chăm sóc của từng hộ gia đình.

Cây măng tây có giá trị kinh tế cao, rất giàu chất dinh dưỡng và khoáng chất, có rất nhiều công dụng tốt cho tim mạch, hỗ trợ điều trị bệnh gút, tiểu đường, đẹp da, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể… Cây măng tây được dùng để chế biến các món ăn hàng ngày như một loại rau đặc sản, cao cấp. Hiện nay, nhu cầu về loại rau đặc sản này rất lớn. Cung không đủ cầu, măng tây được các nhà hàng, khách sạn đặt hàng thu mua để chế biến các món ăn. Hiện tại, mỗi kg măng tây bán được với giá từ 80.000 đồng trở lên. Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi kg măng tây chỉ cần bán với giá 40.000 đồng, thì mỗi sào cũng cho thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng/ năm. Như vậy, 1 ha đạt doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Tại Sơn Thành (gồm 2 HTX Sơn Đông và Sơn Tây), Công ty TNHH Hạ Hiệp ở Thái Hòa cung ứng phân giống cho vay trả chậm 50% và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con khi đến thời kỳ thu hoạch. Từ tháng 4 năm 2012, có 9 hộ dân của HTX Sơn Tây (xã Tam Hợp, Quỳ Hợp) đã triển khai trồng thử nghiệm hơn 2 ha giống cây măng tây xanh. Có những hộ đã mạnh dạn phá bỏ diện tích sản xuất cây màu năng suất, chất lượng thấp để trồng măng tây xanh. Bước đầu thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích, măng tây xanh cho thu nhập gấp đôi cây trồng khác. Người trồng rau phấn khởi. Tỉnh, huyện, báo chí... về tham quan, viết thông tin. Xã Tam Hợp cũng đã dự định tiếp tục chuyển một số vùng cao cưỡng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, và mạnh dạn mở rộng diện tích măng tây liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, tăng giá trị thu nhập, tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình trồng rau an toàn cho bà con. Các HTX định hướng từng bước đưa giống cây này trở thành cây rau chủ lực, gây dựng cho được một vùng nguyên liệu măng tây xanh từ 20 – 30 ha.

Nào ngờ!... Ông Nguyễn Khắc Thế đưa tay khoát một vòng rộng: “Phóng viên nhìn xem, hơn 2 ha trồng măng tây xanh của Sơn Tây bây giờ èo uột do một thứ bệnh chưa xác định được? Cả bên Sơn Đông cũng như thế. Công ty Hạ Hiệp cũng đã tìm hiểu, hỏi các chuyên gia nông học, các giáo sự viện này, viện nọ, vẫn chưa có câu trả lời. Nhiều hộ đã nản, bỏ hoang mặc cho ra sao thì ra, chờ phá đi để trở lại trồng các giống rau truyền thống”. Quả thực, hiện cây măng tây xanh ở Sơn Thành đã bị nhiễm bệnh nặng, không nảy mầm để cho thu hoạch và lụi dần. Theo ông Thế, tạm thời bà con phun chữa, chăm sóc thông thường như với các loại rau khác nhưng không có kết quả.

Tại vườn anh Hồ Đức Thông, người được coi là trồng nhiều măng tây xanh nhất HTX Sơn Tây với 6 sào, một số diện tích măng tây xanh đã bị bỏ mặc mọc chen lấn với cỏ dại. Anh Thông cho hay: “Cây măng tây xanh rất khó tính, đòi hỏi công chăm sóc cao, kỹ thuật phải tốt; nay bị bệnh thế và nhà thiếu nhân lực, tôi sẽ chuyển một nửa diện tích sang trồng cây khác”. Hỏi chuyện chị Lan ở HTX Sơn Đông, chị cũng cho biết: “Năm ngoái, nhà tôi trồng 2 sào măng tây xanh, cho thu nhập cao, lại được công ty bao tiêu sản phẩm, rất phấn khởi; nhưng nay tình hình thế này, chắc phải phá hết, chuyển sang trồng bắp cải, hành hoa thôi...”.

Theo ông Nguyễn Khắc Thế, thực tế chưa ai nỡ phá diện tích trồng măng tây xanh để chuyển sang trồng cây khác. Có thể đọc được ở đó niềm đau đáu mong mỏi của bà con làng rau Sơn Thành như mong một “phép màu” cứu một loại cây kỳ vọng làm giàu của họ?!

Bài, ảnh: Đình Sâm

tin mới

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

(Baonghean.vn) - Từ nay cho đến hết 8/5/2024, chuỗi bán lẻ của WinCommerce sẽ triển khai tích cực các chương trình khuyến mại định kỳ áp dụng giá tốt cho hơn 600 sản phẩm giá siêu sốc và Tuần lễ Thương hiệu Clear tại hơn 3600 điểm bán trên toàn quốc, mang tới nhiều ưu đãi cho hội viên WiN.

"Tài chính vững vàng- sẵn sàng bứt phá" từ BAC A BANK. Ảnh: BAB

BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - Trao doanh nghiệp 'đặc quyền vượt trội' để bứt phá kinh doanh

(Baonghean.vn) - Đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, BAC A BANK triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

Xuân Hoàng

Khi nào thì vận hành lưới điện 110kV ở Tân Kỳ?

(Baonghean.vn) - Mặc dù dự án lưới điện 110kV của huyện Tân Kỳ đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 2 năm, nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đô Lương nên đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành được.

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

(Baonghean.vn) - Vườn Quốc gia Pù Mát là “kho báu” trong khai thác giá trị kinh tế ngành du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái bền vững. Hiện, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch xanh, bước đầu cho hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

(Baonghean.vn) -Ngày mai (22/4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, nhằm góp phần hạ nhiệt giá vàng, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Trước thông tin này, thị trường vàng Nghệ An trong những ngày qua khá trầm lắng, giao dịch giảm hẳn…

Dây điện chằng chịt

Dây điện chằng chịt tại vựa rau lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Huyện Quỳnh Lưu được xem là thủ phủ rau màu của tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, hiện nay, việc canh tác rau nơi đây vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là hệ thống điện phục vụ sản xuất rau mất an toàn, đấu nối chằng chịt, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa nắng nóng, mưa bão.