Chuyện kiểm soát bóng của các huấn luyện viên ngoại

Hoa Bùi 24/02/2024 09:10

(Baonghean.vn) - Gần đây, truyền thông loan đi nhiều thông tin từ ông Daiki Iwamasa, Huấn luyện viên trưởng người Nhật Bản tại Hà Nội FC và lối chơi ông này đang xây dựng tại đội bóng Thủ đô.

Rằng, ông biết bóng đá Việt Nam vốn quen thuộc với lối chơi phòng ngự-phản công và ông muốn giúp đội bóng vươn tầm bằng lối chơi thiên về kiểm soát bóng tấn công.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, ít nhất có hai ông thầy ngoại đang tập trung mọi cố gắng của mình để đưa một câu lạc bộ và cao hơn là hai đội tuyển quốc gia gồm U23 Việt Nam và Đội tuyển Việt Nam từ bỏ lối chơi quen thuộc, từng làm nên thành công vang dội dưới triều đại Park Hang-seo, để thực hành lối chơi mới, hiện đại, phù hợp với bước đi chung của bóng đá hiện nay.

Như vậy, câu chuyện lối chơi hay triết lý bóng đá ở Việt Nam lại tiếp tục khiến dư luận quan tâm sâu sắc. Rõ ràng, lựa chọn con đường mới cho bóng đá Việt Nam không còn là câu chuyện riêng đối với ông thầy người Pháp Philippe Troussier mà còn ở các câu lạc bộ, nền tảng của một nền bóng đá quốc gia. Vấn đề là sau gần một năm đi tìm lối chơi mới, triết lý mới, ông thầy người Pháp đang gặp khó với Đội tuyển Việt Nam, nhất là tại ASIAN Cup 2023 mới đây và Hà Nội FC của cả thầy nội lẫn thầy ngoại cũng đang thua liên tiếp ở V-League 2023/2024 nên có vẻ như mọi việc sẽ không hề dễ dàng cho các bước đi mang tính cách mạng hoặc đổi mới của những người tiên phong.

bna-tl-z5102519355208-483da0a2431f0a2107484d04e053abc0-5096-5571.jpg
Mục tiêu của Đội tuyển Việt Nam là vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Ảnh: Hải Hoàng

Thực ra, lối chơi kiểm soát bóng ngày nay hay ban bật nhỏ, tấn công nhanh ngày nào ở Việt Nam không phải là câu chuyện mới, lần đầu. Cảng Sài Gòn hay Đồng Tháp thời đỉnh cao chính là “mô hình” thành công của lối chơi này nhưng ai cũng biết những tên tuổi này đã dần chìm vào dĩ vãng theo bước đi của bóng đá từ bao cấp lên chuyên nghiệp. Rồi Hoàng Anh Gia Lai từng gây hiệu ứng khủng khiếp ở V-League với bao nhiêu hy vọng nhưng chẳng mấy chốc họ lại đi vào con đường “đấu tranh không mệt mỏi để trụ hạng” mà thôi…

Vậy là mọi con đường của các đội bóng lại quay về cách làm quen thuộc, dễ nhớ, dễ hiểu là phòng ngự chặt, phản công nhanh. Đồng Tâm Long An hay Sông Lam Nghệ An, Bình Dương hay Viettel, Hà Nội hay Công an Hà Nội, rốt cuộc đều xem việc phòng ngự tốt, không thua trước sau đó mới tính chuyện phá lưới đối phương. Rồi đến Đội tuyển Việt Nam qua các thời ông thầy ngoại, ai quen thuộc với cách chơi chung, ai hiểu “văn hóa bóng đá” sớm và triệt để, thì người đó thành công lớn, như các ông Calistore hay Park Hang-seo.

Nhưng phải đến Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo, dù muốn hay không người ta mới nhận ra giới hạn, “trần” của bóng đá Việt khi vươn ra châu lục và thế giới. Lối chơi quen thuộc đã bị bắt bài, các nhân tố trụ cột có thể gây bất ngờ, đột biến trước đối thủ không hiện diện như mong muốn. Ông Troussier chính là người có thể tìm ra cách đi, cách làm mới phù hợp hay ông Daiki chính là “mẫu” người cần thiết để đưa một câu lạc bộ hàng đầu như Hà Nội FC đi đúng con đường mà bóng đá Việt cần đi, mở đường cho những bước đi đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả của cả một nền bóng đá sau đó.

bna-tl-z5102331836049-6c9539268eb892365053b0d87d31a219-6553-3760.jpg
Huấn luyện viên Troussier dành sự quan tâm đặc biệt tới màn thể hiện của các cầu thủ trẻ. Ảnh: Hải Hoàng

Có vẻ như ông Daiki là người đến sau so với ông Troussier, đã biết được nội tình bóng đá Việt khi còn là cầu thủ cũng như thực trạng hiện nay sau những gì ông Troussier vấp phải và chưa thành công, nên ông thầy người Nhật đã đưa ra những phương châm sát thực hơn. Đó là “kiểm soát bóng, đồng bộ trong phòng ngự và tấn công và đẩy đối thủ lùi sâu về cuối sân”.

Rõ ràng, các ông thầy ngoại nói trên không sai khi yêu cầu học trò phải “kiểm soát bóng”, bởi có bóng thì mới chơi bóng được, mất bóng thì mất quyền chủ động và chỉ lăm le tìm cơ hội mới có thể tấn công. Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam phải luyện tập nhiều, giao hữu nhiều mới tiến bộ từng bước, như từng thể hiện rất đáng mừng mới đây tại ASIAN Cup 2023. Điều mới mà ông thầy người Nhật mong muốn là “đồng bộ trong phòng ngự và tấn công”. Nói thì dễ nhưng làm thì vô cùng khó khăn, rắc rối. Gặp các đối thủ hàng đầu châu lục, Đội tuyển Việt Nam phải lo phòng ngự là tất yếu. Nhưng nếu chỉ có vậy thì mọi thứ vẫn là xưa cũ. Bài toán tấn công phải bắt đầu từ chuyển trạng thái tích cực, từ phẩm chất của người tổ chức lối chơi và khả năng sát thủ, tận dụng thời cơ của các tiền đạo.

Hiện trạng đội hình phòng ngự xáo trộn do chấn thương và phong độ của các trụ cột đang khiến ông thầy mất ăn, mất ngủ và không thể giải quyết vấn đề trong ngày một ngày hai. Vậy nên, câu chuyện kiểm soát bóng lại tiếp tục được đặt ra, bởi đó chính là cách chủ động phòng tránh, không cho đối thủ tấn công, tự mình chủ động tìm kiếm phương án phù hợp thực tế trong từng tình huống và cả trận đấu. “Dồn đối thủ về cuối sân”, đưa bóng ra xa khu vực cầu môn nhà cũng là cách phòng ngự từ xa chủ động. Tất nhiên, bóng đá Việt đã trưởng thành hơn về kiểm soát bóng nhưng việc không có nhiều tiền đạo giỏi đang là một thực tế buồn lo. Ở đây lại phải nói đến câu chuyện đội hình nào, sơ đồ nào hay lối chơi mới cũ nào không phải là yếu tố hàng đầu quyết định, mà vấn đề là người thực thi ở trên sân là những ai, nổi trội và phát huy tốt điều gì, Quang Hải có ở thời chói sáng hay không, Ngọc Hải đủ sức chơi 90 phút đỉnh cao hay không?

Để thấy, câu chuyện “kiểm soát bóng tấn công” sẽ không bao giờ có hồi kết, bởi thực tế muôn hình vạn trạng phải vượt qua. Nhưng trong vòng vây khó khăn chung, phải có người đi trước, dám làm như cách ông Troussier hay ông Daiki thì mọi chuyện mới dần sáng tỏ, mọi chuyện sẽ được điều chỉnh qua thực tiễn sinh động để trở nên rõ ràng hơn, thuyết phục hơn.

Nói đâu xa, một đội bóng trẻ như Sông Lam Nghệ An hiện nay, nếu không được trang bị quan điểm “kiểm soát bóng tấn công”, làm sao có thể vùng lên chiến thắng đội bóng mạnh Meryland Quy Nhơn Bình Định mới đây ở vòng 9? Cũng là để thấy phương châm mới mẻ, hiện đại, đầy tính chủ động mà các ông thầy Troussie hay Daiki đưa ra đang dần dà đi vào thực tiễn, bằng cách này hay cách khác đều có lợi cho bước đi chung của cả nền bóng đá, dù khó khăn luôn rình rập, phản bác./.

Mới nhất

x
Chuyện kiểm soát bóng của các huấn luyện viên ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO