Chuyện lạ: Bia danh nhân không chữ

08/12/2016 09:32

(Baonghean.vn) - Khách đến tham quan nhà thờ danh nhân Hồ Sĩ Tạo ở xóm 1, xã Thanh Khê (Thanh Chương), không khỏi ngạc nhiên khi thấy tấm bia đá phẳng lỳ, cứ ngỡ là do thời gian, mưa nắng đã làm phai nhòa hết chữ, nhưng kỳ thực đây là tấm bia không chữ.

Cụ Hồ Sĩ Tạo (1834 - 1907) quê ở làng Lai Nhã xã Thanh Khê, đậu Giải nguyên năm 1868, từng làm quan Huấn đạo ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), quan Tri phủ ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)… là một trong những danh nho tài hoa và là thầy học của nhiều nhà khoa bảng xứ Nghệ.

Ông Hồ Sĩ Cươm (77 tuổi) – hậu duệ đời thứ 4 của cụ Hồ Sĩ Tạo đang nói về bia “không chữ”
Ông Hồ Sĩ Cươm (77 tuổi) – hậu duệ đời thứ 4 của cụ Hồ Sĩ Tạo đang nói về bia “không chữ”

Tại nhà thờ của cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo, tấm bia đá “không chữ” này, dựng phía trước sân, bên trái. Bia có kích thước: cao 1,2m (cả đế 1,5 m) rộng 0,7m, dày gần 0,1m. Mặt trước bia, khung viền xung quanh được trang trí hoa văn, ở giữa không có chữ, chỉ có vết chắp nối do bia đã bị gãy.

Theo ông Hồ Sĩ Cươm (77 tuổi) – chắt nội của cụ Hồ Sĩ Tạo, bia này do cụ Tạo mua sắm khi còn sống, nhưng chưa viết văn bia. Sau khi cụ Tạo mất, học trò của cụ góp tiền dựng ngôi nhà thờ 3 gian để thờ thầy, thì anh em trong họ đưa bia này vào dựng ở trong nhà thờ. Những năm sau chiến tranh, bia đã từng lưu lạc một thời gian dài ở trong dân, rồi mới về lại nhà thờ.

Bia đá hoàn toàn không có chữ
Bia đá hoàn toàn không có chữ

Ông Cươm kể rằng, ngày trước, bia còn nguyên vẹn, đế bia, thân bia, chưa hề bị sứt mẻ. Trong kháng chiến chống pháp, khi viện K43 – quân khu 4 di tản về địa phương đã chọn nhà thờ cụ Hồ Sĩ Tạo làm phòng mổ. Tấm bia ở trong góc nhà cùng với vài ba hòn đá trở thành khu bếp của quân y, họ thường nhóm lửa để nấu nước sôi. Sau một thời gian thì tấm bia đã bị rạn phần đế.

Năm 1978 thực hiện chủ trương di dân lên núi, nhường đất để sản xuất, làng Lai Nhã ở gần con sông Rộ đã chuyển dời lên xóm 1 như bây giờ. Nhà ở được chuyển lên trước, nhà thờ chuyển lên sau. Khi dân hợp tác chuyển nhà thờ, họ chỉ chuyển phần gỗ, ngói, đồ tế khí, bỏ lại tấm bia đá đồ sộ . Sau đó máy ủi san đất đã làm vỡ tấm bia thành hai nửa. Một người dân tên Côn ở làng Nam Lĩnh đã đưa tấm bia về nhà làm bàn giặt, nhưng sau thấy không yên ổn lại chở bia đi trả tại nhà thờ họ Hồ tiểu tôn. Về tá túc ở đây một thời gian, ông Hồ Lê - tộc trưởng nhánh tiểu tôn lại đưa bia đến nhà thờ cụ Tạo để trả.

Những năm trước, tấm bia vẫn được dựng trong nhà thờ ở cạnh cột hồi bên trái. Năm 2015, khi con cháu trong họ trùng tu nhà thờ, đã xây móng dựng tấm bia này ở trước sân như hiện nay.

Ông Cơm cho hay: “Bia đã bị vỡ đôi, chúng tôi đã gắn lại. Tuy bia không có chữ, con cháu đời sau không xem được gì trên đó nhưng đây là bia của cụ Tạo, gắn liền dấu ấn về cuộc đời của cụ ở làng Lai Nhã xưa, nên con cháu vẫn giữ nguyên và dựng trước nhà thờ để làm kỷ niệm”.

Do “bia trắng”, nên mỗi khi có khách đến thăm, con cháu trong họ phải vừa giới thiệu về cuộc đời của cụ Tạo, vừa giải thích lý do vì sao bia không có chữ. Thường thì bia đá không có chữ là do thời gian, mưa nắng bào mòn, nhưng bia đá dựng trước nhà thờ cụ Tạo không có chữ là vì lí do “đặc biệt”.

Thời gian qua, con cháu họ Hồ, cũng như du khách trên mọi miền đất nước ngưỡng mộ tiếng tăm của cụ Giải nguyên, về thăm và dâng hương cho cụ ở xã Thanh Khê, không ít người phải băn khoăn về tấm bia đá hơn trăm tuổi đứng trước sân nhà thờ. Dường như tấm “bia trắng” này vẫn còn ít nhiều bí ẩn như chính cuộc đời ngược xuôi của danh nhân Hồ Sĩ Tạo.

Huy Thư

Mới nhất

x
Chuyện lạ: Bia danh nhân không chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO