Chuyện làm giàu của nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới
Bỏ học năm 19 tuổi để theo đuổi kế hoạch tạo dựng một công ty riêng bằng tiền học phí, hiện tại, Elizabeth Holmes là nữ tỷ phú tự thân lập nghiệp trẻ nhất thế giới.
Elizabeth Holmes sở hữu 50% cổ phần của công ty Theranos. Ảnh: Getty |
"Tôi nghĩ rằng nhiều người trẻ có những ý tưởng tuyệt vời và sự hiểu biết rộng. Tuy nhiên, đôi khi họ chờ đợi một thứ gì đó trước khi bắt đầu cống hiến. Những gì mà tôi đã làm chỉ đơn giản là bắt đầu sớm hơn một chút", nữ tỷ phú 32 tuổi nói.
Năm 2003, người phụ nữ này sáng lập ra Theranos, một công ty chuyên về công nghệ chăm sóc sức khỏe, nhằm thực hiện ý tưởng tạo ra một thiết bị kiểm tra sức khỏe tổng thể chỉ bằng một giọt máu, rút ngắn thời gian và chi phí hơn so với các xét nghiệm truyền thống. Theo Forbes, năm 2014, giá trị ròng của công ty này là khoảng 9 tỷ USD.
Lớn lên để thành công
Theo New York Times, Elizabeth lớn lên trong một gia đình giàu có và quyền lực, nơi mà thất bại không bao giờ là một lựa chọn. Christian IV, cha cô, sống cùng với mẹ ông, một người mẫu nổi tiếng và cha dượng, một doanh nhân thành đạt, trong quãng thời gian trưởng thành tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ.
Ông Holmes có một sự nghiệp xuất sắc, nắm giữ một số vị trí quản lý cấp cao trong chính phủ tại Washington và đóng vai trò quan trọng trong việc cứu trợ thiên tai và thương mại quốc tế. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ tỷ phú tự thân lập nghiệp trẻ nhất thế giới chia sẻ rằng các bức ảnh chụp về những chuyến đi của cha đến các vùng đất xa xôi, nơi con người cần sự giúp đỡ, đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của cô.
Công việc của cha đã tác động đến ước mơ của nữ tỷ phú tự thân lập nghiệp. Ảnh: Reuters. |
"Cha tôi thường đến cứu trợ tại các vùng chịu tàn phá của thiên tai. Vì vậy, tôi lớn lên trong một ngôi nhà treo đầy hình ảnh của các em nhỏ tại những nơi khó khăn nhất trên thế giới. Chúng luôn thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó. Dần dần, tôi nhận ra rằng một công ty có thể là công cụ biến mong ước của tôi trở thành hiện thực. Tôi bắt đầu nghĩ về những gì mà tôi có thể xây dựng để cải thiện cuộc sống của con người", Elizabeth nói với CNN.
Noel Anne Daoust, mẹ của nữ tỷ phú, cũng rất thành công với sự nghiệp riêng dù dành nhiều thời gian để nuôi dạy 2 chị em cô. Bà là một chuyên viên đối ngoại và quốc phòng của Mỹ.
Đầu những năm 1990, gia đình Elizabeth chuyển đến bang Texas, nơi cô theo học tại trường St. John's School, ngôi trường tư thục của thành phố Houston. John Allman, hiệu trưởng của trường khi đó, miêu tả Elizabeth là một cô bé lạc quan và tràn đầy sức sống với nụ cười ấm áp. Ngoài ra, cô còn rất thích học tiếng Trung.
Elizabeth luôn nghĩ rằng cô sẽ theo con đường sự nghiệp của cha mẹ, làm việc trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, ý tưởng trở thành một doanh nhân ngày càng thu hút cô.
"Tôi thực sự muốn thành lập một công ty có thể là phương tiện tạo ra sự khác biệt bởi bạn có thể kiểm soát kết quả của chính bạn", nữ tỷ phú chia sẻ.
Bỏ học để theo đuổi giấc mơ
Từ nhỏ, Elizabeth đã muốn theo học tại Đại học Standford, một biểu tượng của sáng chế và Thung lũng Silicon.
Khi là sinh viên năm nhất tại ngôi trường này, cô cắm trại bên ngoài văn phòng của Channing Robertson, một giáo sư kỹ thuật hóa học, vì muốn tham gia vào phòng thí nghiệm của ông - nơi chỉ dành cho những sinh viên năm cuối và sau đại học. Không chỉ dừng lại tại đó, Elizabeth đã tiến rất xa. Cô còn nhận một vị trí tại Viện Nghiên cứu Genome của Singapore.
Elizabeth Holmes có tấm bằng sáng chế đầu tiên khi cô mới 19 tuổi. Ảnh: Jenny Hueston. |
Mùa thu năm 2003, cô, khi đó 19 tuổi, trở về Standford và đặt một bản đăng ký bằng sáng chế trước mặt giáo sư Robertson.
"Tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi chưa từng gặp một trường hợp nào như vậy", giáo sư nói. Ông cho biết, Elizabeth đưa ra ý tưởng về một hệ thống kiểm tra sức khỏe mới, thứ có thể phát hiện nồng độ thuốc trong máu và cho ra một loạt kết quả.
Giáo sư không nghĩ ông là người đã dẫn dắt cô gái đến với thành công. "Trường hợp này giống như dạy Beethoven chơi piano hay dạy khoa học cho Einstein", ông chia sẻ.
Theo New York Times, ở tuổi 19, Elizabeth đã thuyết phục cha mẹ rằng số tiền học phí của cô sẽ hữu ích hơn khi dùng để mở một công ty. Bên cạnh đó, cha mẹ cô cũng dành số tiền hưu trí của họ để đầu tư vào công ty của con gái. Và như vậy, Theranos bắt đầu.
Tìm kiếm các nhà đầu tư
Tiền học phí của cô và tiền hưu của cha mẹ là sự khởi đầu nhưng chưa đủ để Theranos đi vào hoạt động, ít nhất là theo cách mà Elizabeth tưởng tượng. Vì vậy, cô gái này bắt đầu tìm đến các công ty đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, rất nhiều công ty đã từ chối.
Một cựu nhân viên của Theranos tiết lộ, các nhà đầu tư mạo hiểm rút lui khi Elizabeth không chứng minh công nghệ của Theranos. Và nữ tỷ phú tự thân lập nghiệp cũng khẳng định, cô là một người kén chọn. Cô muốn hợp tác với những nhà đầu tư kiên nhẫn.
Những người bỏ đi không hiểu được tham vọng của Elizabeth. Họ chỉ có thể nghĩ rằng ý tưởng của cô chỉ là một loại kiểm tra lượng cholesterol hoặc đường trong máu mới trong khi thứ mà cô gái này muốn là thực hiện một cuộc cách mạng.
Nhờ mối quan hệ của gia đình, cuối cùng, cô cũng tìm thấy những người phù hợp. Timothy Drape là một trong số đó. Ông là hàng xóm của gia đình Holmes khi họ sống tại bang California.
"Tôi đã đầu tư cho cô ấy những triệu đôla đầu tiên để bắt đầu công việc. Tầm nhìn của cô gái này hoàn toàn thuyết phục tôi", Drape nói.
Một nhà đâu tư khác là Don Lucas, một nhân vật có tiếng tại Thung lũng Silicon. Để có được sự chấp thuận của ông, Elizabeth phải nhờ cựu giám đốc ngân hàng của một ngân hàng hàng đầu, bạn học cùng trường với cha cô tại trường Đại học Wesleyan, giới thiệu.
Lucas từng là chủ tịch hội đồng của Theranos trong một thời gian. Ông cũng giúp công ty khi thuyết phục một số nhà đầu tư khác chung vai. Tóm lại, Theranos bắt đầu với khoảng 400 triệu USD và hiện tại, giá trị ròng của nó là khoảng 9 tỷ USD.
Theo zing