Chuyện ly kỳ về những bức tượng quý bị đánh cắp ở vùng cao Nghệ An

Tiến Hùng 17/01/2022 16:32

(Baonghean.vn) - Ở các bản làng vùng cao, có những bức tượng Phật đang được cả cộng đồng bảo vệ một cách nghiêm ngặt trong suốt hàng trăm năm qua. Có những bức tượng thậm chí bị mất đến 7 lần nhưng cuối cùng vẫn trở về với sự quản lý của cộng đồng một cách đầy ly kỳ.

Bức tượng bị trộm đến 7 lần

Một ngày cuối năm, chúng tôi được ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh (huyện Tương Dương), dẫn đến chiêm ngưỡng bức tượng phật được cho làm bằng đồng đen. Bức tượng được khóa cẩn thận bằng nhiều lớp, đặt bên trong nhà văn hóa chính giữa trung tâm của bản Lả. Đây là tài sản chung của cả bản, được bà coi như báu vật, truyền tay bảo vệ suốt hàng trăm năm qua.

Kể về lịch sử bức tượng, ông Phúc cho hay hơn 200 năm trước, có một vị quan đứng đầu địa phương đã kêu gọi tất cả bà con trên địa bàn cùng đóng góp đồng để đúc tượng Phật nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Vị quan này là một người con của bản Lả. “Lúc đó, vị quan này kêu gọi mỗi hộ dân đóng góp một đồng xu. Nhưng đúc lần đầu, bức tượng thiếu mất một chân. Đúc lại lần thứ 2 thì thiếu một cánh tay. Sau đó hỏi ra thì mới hay có một góa phụ chưa đóng đồng xu. Sau khi yêu cầu bà này đóng, lần thứ 3 đúc thì mới trọn vẹn như bây giờ”, ông Phúc kể.

Bức tượng được khóa cẩn thận bên trong tủ kính. Ảnh: Tiến Hùng
Bức tượng được khóa cẩn thận bên trong tủ kính. Ảnh: Tiến Hùng

Bức tượng mang đậm đặc điểm của Phật giáo tiểu thừa. Tượng cao hơn 70cm, nặng đến 57 kg. Đến nay, sau nhiều lần bị trộm, bức tượng đã bị mất phần chóp trên đỉnh đầu, nay đã phải thay bằng vật liệu khác. Ngoài ra, có một vết nứt nhỏ phía trước ngực của tượng Phật sau lần bị kẻ trộm ném xuống suối.

Sau khi vị quan đứng ra đúc tượng qua đời, bức tượng này được giao cho bản Lả quản lý, coi như tài sản của cả bản. Các vị già làng, trưởng bản truyền đời nhau bảo vệ bức tượng. Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa cộng đồng, bức tượng được bảo quản ở nhà của trưởng bản. Cũng là một người con của bản Lả, ông Vi Đình Phúc kể rằng, từ nhỏ đến nay ông đã chứng kiến 7 lần bức tượng bị mất trộm. Lần đầu tiên là năm 1973, và mới nhất là năm 2018. Mỗi lần bị mất trộm, cả bản lại góp tiền mổ lợn, làm lễ cúng. Đồng thời chia nhau đi tìm. Và sau mỗi lần đó, bức tượng lại quay trở về với bản Lả một cách đầy ly kỳ.

Cận cảnh bức tượng đang được cả bản Lả bảo vệ. Ảnh: Tiến Hùng
Cận cảnh bức tượng đang được cả bản Lả bảo vệ. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Lô Văn Hiến - Trưởng bản Lả kể rằng, có lần thì kẻ gian vác trộm bức tượng đi vào rừng, nhưng có thể vì nặng quá, nên bỏ lại dưới suối. Bà con sau đó lần theo dấu vết và tìm lại được. Lần gần nhất bức tượng bị mất trộm là vào một đêm mưa gió vào đầu năm 2018. Lần này, kẻ gian cạy cửa của nhà văn hóa trộm mất bức tượng, đến sáng sớm ngày mai, người dân trong bản mới phát hiện ra. Cũng như những lần trước, cả bản liền họp lại để nhận diện những kẻ tình nghi đồng thời mổ lợn làm lễ cầu khấn và tổ chức truy tìm. Nhưng lần này, phải mất hơn 5 tháng sau, bức tượng mới quay trở lại với bà con. Đây cũng là lần bức tượng bị mất trộm lâu nhất.

Ông Vi Đình Phúc cho hay, thời điểm đó ông đã là Chủ tịch UBND xã. Dù đã hơn 5 tháng sau khi bị mất trộm, người dân bản Lả vẫn chưa hết hy vọng đi tìm bức tượng trở về.

“Hồi đó, người dân thấy một chiếc xe bán tải thường xuyên đi qua bản, cứ ngày vài chuyến liên tục ra vào nên bà con sinh nghi. Bản sau đó cắt cử người theo dõi thì thấy chiếc xe này cứ đến một điểm gần cuối bản thì dừng lại rồi quay ra. Có lần, người đàn ông trong xe còn chạy xuống mép sông Nậm Nơn như đang tìm gì đó. Nhóm thanh niên được giao nhiệm vụ theo dõi sau đó về báo cáo với ban quản lý bản. Nhận định đây chính là những kẻ trộm tượng Phật và bức tượng vẫn chưa được di chuyển ra khỏi địa bàn, cả bản bắt đầu tổ chức tìm dọc bờ sông. Không lâu sau thì phát hiện bức tượng bị giấu dưới mép sông, che đậy bằng lá cây”, ông Vi Đình Phúc kể và cho hay, những lần bị mất trộm, phần lớn kẻ gian đều có sự tiếp tay của một số thanh niên trong bản. Những thanh niên tham gia trộm tượng hiện nay kẻ thì đi tù, người thì chết vì nghiện ma túy.

Linh thiêng tháp cổ

Ngược dòng Nậm Nơn, cách bản Lả chừng 4 tiếng đi thuyền, bà con bản Yên Hòa và chính quyền xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn), cũng đang ngày đêm bảo vệ những bức tượng Phật bằng đồng mà bà con nơi đây coi như báu vật. Đó là những bức tượng bị kẻ gian lấy trộm từ tháp cổ Yên Hòa. Tháp cổ và những bức tượng Phật ở đây cũng mang đậm đặc trưng của Phật giáo Tiểu thừa.

Tháp cổ Yên Hòa. Ảnh: Tiến Hùng
Tháp cổ Yên Hòa. Ảnh: Tiến Hùng

Tháp cổ này cao khoảng 30 mét, được cho là xây từ thế kỷ VII. Thân tháp có những nét hoa văn rất đặc sắc. Đây là ngọn tháp lớn nhất và cũng là tháp duy nhất còn sót lại ở đây. Trước đây, ở Mỹ Lý còn có một quần thể tháp cổ, nhưng trải qua thời gian tất cả đều đã bị đổ sập, nay cũng chẳng còn phế tích. Đứng trước tháp cổ này, chúng tôi không khỏi chua xót khi chứng kiến hàng chục lỗ thủng chi chít từ chân tháp lên đến đỉnh. Đó đều là những dấu vết để lại sau mỗi lần kẻ gian đục tháp để lấy trộm tượng Phật bằng đồng.

Lỗ thủng sau một lần bị kẻ gian đục để lấy trộm tượng phật bằng đồng. Ảnh: Tiến Hùng
Lỗ thủng sau một lần bị kẻ gian đục để lấy trộm tượng phật bằng đồng. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý kể rằng, trước đây bên trong tháp cổ này có rất nhiều tượng phật bằng đồng đen. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, khi đồng đen lên cơn sốt, kẻ gian bắt đầu đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng phật bên trong. “Cứ chỗ nào bên ngoài có hình vẽ tượng phật thì bên trong đều có bức tượng bằng đồng giống như vậy. Vì thế, kẻ gian cứ nhắm vào vị trí đó để đục phá, lấy trộm tượng đồng đen mang đi bán”, ông Bảy kể. Chỉ một thời gian ngắn, các lỗ thủng xuất hiện chi chít trên thân tháp cổ. Đó cũng là nguyên nhân khiến ngọn tháp này xuống cấp nghiêm trọng, đang có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Ngọn tháp này đang có nguy cơ đổ sập, nguyên nhân chính do kẻ gian đục phá để lấy trộm tượng phật. Ảnh: Tiến Hùng
Ngọn tháp này đang có nguy cơ đổ sập, nguyên nhân chính do kẻ gian đục phá để lấy trộm tượng Phật. Ảnh: Tiến Hùng
5 tượng đồng đang được chính quyền xã Mỹ Lý bảo vệ. Ảnh: Tiến Hùng
5 tượng đồng đang được chính quyền xã Mỹ Lý bảo vệ. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, sau đó không lâu, người dân Yên Hòa lại phát hiện nhiều bức tượng được kẻ gian âm thầm trả lại, đặt bên trong những lổ thủng của tháp. Đến nay, đã có 7 tượng Phật bằng đồng được trả lại. Phần lớn kẻ gian lấy trộm tượng Phật đều là người ở địa phương khác. Sau khi lấy trộm tượng Phật, gia đình thường xuyên gặp chuyện không may. Nên nhiều người lỡ bán rồi nhưng vẫn tìm cách chuộc lại để mang lên trả. Hiện nay, lo sợ đặt ở tháp cổ không có bảo vệ sẽ tiếp tục bị mất nên 5 tượng Phật đang được xã Mỹ Lý bảo vệ nghiêm ngặt, còn 2 bức tượng khác do ban quản lý bản Yên Hòa cất giữ. “Chúng tôi dự kiến sau này tháp cổ được trùng tu, tôn tạo lại sẽ trả lại cho tháp cổ những bức tượng còn sót lại này. Còn bây giờ nếu để bên trong tháp sợ tiếp tục mất”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói.

Mới nhất
x
Chuyện ly kỳ về những bức tượng quý bị đánh cắp ở vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO