Chuyện một người đàn ông toàn lo việc 'bao đồng'
(Baonghean.vn) - Ở thị xã Thái Hoà, hỏi đến anh Cao Huy Chung, hầu như người nào cũng biết. Đó là một người đàn ông chân chất, thẳng thắn và luôn nhiệt tình lo việc “bao đồng” bằng sự tử tế hiếm có.
Những điều bình thường
“Bình thường” có lẽ là cụm từ lặp lại nhiều nhất trong cuộc trò chuyện của tôi với anh Cao Huy Chung (sinh năm 1974). Anh kể về những công việc mình đã làm với sự điềm nhiên, như thể đó là một lẽ thường tình, như thế ai cũng sẽ làm như vậy…
Nhiều năm nay, người dân Thái Hòa đã quá quen với hình ảnh anh Chung tay xách nách mang những dụng cụ như bồ cào, cuốc xẻng, xe rùa, chổi, găng tay... đi dọn rác ở các tuyến phố, nạo vét ống cống, vớt rác lòng hồ... Không nề hà hôi thối, bẩn thỉu, nhờ anh dọn dẹp và đặt biển cấm đổ rác mà rất nhiều điểm đen đổ rác tự phát trên địa bàn thị trấn đã được dẹp bỏ. Cũng chính anh Chung là người đã kiên trì dọn rác ở bàu sen thị xã nhiều năm liền; mới đây lại kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vớt bèo cho bàu sen, đem lại cảnh quan sạch sẽ cho công trình này.
Lý giải cho sự quan tâm đến đặc biệt đến vấn đề cảnh quan, môi trường, anh Chung nói: “Người dân chưa nhận thức được việc bảo vệ môi trường nên họ xả rác rất tùy tiện, công nhân công ty vệ sinh làm không xuể. Tôi quyết định tự mình dọn rác, trước là để bản thân và mọi người cảm thấy thoải mái khi tận hưởng sự sạch sẽ, trong lành, sau là mong muốn thay thói quen vứt rác của người dân”.
Với tính chất công việc cần phải đi lại nhiều, nếu chẳng may gặp những “ổ gà” nguy hiểm trên đường, anh kiêm luôn nhiệm vụ “vá đường” hoặc cắm biển cảnh báo. Đến nhiều nơi, gặp nhiều người, anh Chung hình thành một “phản xạ”: hỏi han, nắm thông tin của những gia đình, trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Nếu có thể, anh sẽ dốc hết tiền để hỗ trợ ngay; cần thiết, anh lưu lại địa chỉ để chia sẻ lại cho những nhà hảo tâm khác.
Đợt bùng phát dịch Covid-19, anh chủ động mua thuốc khử khuẩn và phun ở những điểm công cộng đông dân cư như bến xe bus, cây ATM… Khi thị trường thiếu khẩu trang, anh lùng mua khẩu trang để về phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Nhận được điện thoại nhờ giúp đỡ của những gia đình bị cách ly, nửa đêm anh đi mua nhu yếu phẩm đến phun khử khuẩn và phát miễn phí cho những người không hề quen biết.
Trong đợt lũ quét lịch sử tại Kỳ Sơn vào năm 2022, anh tự mình bỏ tiền túi thuê xe cẩu, máy xúc lật và mang theo thực phẩm lên tận nơi bị ảnh hưởng nặng nhất để hỗ trợ người dân 10 ngày liền.
Với quan điểm, sống là chia sẻ, anh Chung luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ mọi người ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Trong trường hợp bản thân không thể giúp, tôi sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Rất nhiều lần tôi thuyết phục những đơn vị cung cấp giảm giá, ưu đãi cho các hoàn cảnh khó khăn. Không ai muốn đặt mình vào tình huống phải xin xỏ, cũng không ai muốn vất vả, bận rộn nhưng nếu không giúp, bản thân tôi sẽ rất áy náy, khó chịu.
Anh Chung không thể nhớ được những trường hợp mình từng giúp đỡ, không thể đếm những chương trình thiện nguyện mình từng tham gia, không thể thống kê được giá trị mình đã trao đi… “Tôi có một tuổi thơ vất vả, thiếu thốn tình cảm vì bố mẹ chia tay, từng bị bạo hành, từng nhặt ve chai kiếm sống nơi đất khách, từng bị bạn bè lừa sạch tiền... Nhìn lại những năm tháng đó, tôi cảm thấy mình của bây giờ quá may mắn, có sức khoẻ để lao động, có gia đình để thương yêu. Vì không muốn ai phải trải qua những cơ cực, đau buồn như mình trước đây nên tôi sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người hết sức trong khả năng của mình” - anh Chung trải lòng.
“Nhen lên” sự tử tế
Trong những câu chuyện về anh Chung, chuyện anh đặt thùng nước đá miễn phí ở những điểm đông dân cư từng được người dân thị xã Thái Hoà nhắc đến như một giai thoại vui.
Chuyện rằng, mùa hè nắng nóng, anh Chung đã tự mình mua và đặt những thùng nước đá miễn phí ở những khu vực đông người qua lại trên địa bàn thị xã. Ở mỗi điểm, anh “đầu tư” một chiếc ô che nắng, một chiếc bàn, một bình đựng nước, một thùng đựng đá và để lại số điện thoại của mình để người dân gọi khi hết nước. “Công trình” vừa đưa vào hoạt động chưa được mấy ngày thì cả anh và người dân chưng hửng vì vấn nạn trộm đồ. Điểm thì bị lấy ô, điểm thì bị lấy thùng đá, điểm thì bị lấy bình nước… Thương anh vừa mất công vừa mất của, nhiều người bàn anh bỏ ý tưởng này đi. Nhưng không, anh Chung quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình bằng được.
Anh nói: “Hôm nay họ lấy cái nào thì ngày mai tôi mua mới bù vào ngay cái đó. Tiếp tục bị lấy mất, tôi lại tiếp tục đặt, đặt cho đến khi kẻ gian chán không muốn trộm nữa, cho đến khi ý thức của họ tốt lên mới thôi”...
Cứ thế một thời gian, cuối cùng, sự kiên trì kỳ lạ của anh cũng thắng. Người ta không buồn trộm nữa và những thùng nước mát miễn phí đó trở thành một nét đẹp đáng tự hào của thị xã Thái Hòa suốt một thời gian dài. Mãi cho đến khi xuất hiện dịch Covid-19, anh Chung mới dừng mô hình này để hạn chế việc lây lan dịch bệnh.
Sự tử tế có phần “cố chấp” của anh không chỉ thay đổi một hay vài người. Bà Nguyễn Thị Hoa Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn chia sẻ: “Tôi biết anh Chung trong một lần đăng bài kêu gọi sự giúp đỡ cho học sinh của mình cách đây 6 năm. Đọc được bài viết của tôi, anh Chung đã chia sẻ và liên hệ để giúp đỡ em học sinh này. Anh dặn, có hoàn cảnh khó khăn nào thì cứ báo với anh, trong khả năng của mình, ít nhiều gì anh cũng sẽ hỗ trợ. Và anh làm đúng như những gì đã nói. Suốt 6 năm nay, anh đã hỗ trợ giúp đỡ cho rất nhiều học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Trung thu và Tết năm nào cũng chủ động chuẩn bị quà cho các em một cách chu đáo. Sự chu đáo đó còn thể hiện trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện, từ thiện khác. Anh không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn chu toàn từng chút, luôn nghĩ cho người khác và sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân. Chúng tôi học hỏi và được truyền cảm hứng từ anh rất nhiều”.
Trong những hoạt động từ thiện, thiện nguyện của anh Chung thường xuất hiện một nhân vật đặc biệt: cậu bé Cao Huy Hoàng (tên thường gọi là cu Tèo) - con trai anh. Ngoài những buổi đến trường, Tèo được theo bố đi dọn rác, lấp ổ gà, trao quà từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn… Từ khi biết đi xe đạp, Tèo được bố “rèn luyện” cho thói quen đi gom phế liệu ở những điểm gần nhà. Số phế liệu này sẽ được bán lấy tiền, đến cuối tháng, toàn bộ số tiền sẽ được dùng để mua mì tôm, nhu yếu phẩm để tặng cho các hoàn cảnh khó khăn.
Nếu những hoàn cảnh đó ở gần thì cháu Tèo sẽ tự đi, nếu ở xa thì anh Chung sẽ chở cháu đi. Chứng kiến hoạt động này đã giúp tôi nảy ra ý tưởng xây dựng quỹ từ thiện từ phế liệu cho trường mình. Theo đó, học sinh có thể gom giấy vụn, cho vào sọt chung ở trường, khi nào đầy thì bán lấy tiền mua gạo cho các bạn mồ côi.
Cũng từ chia sẻ và kêu gọi của anh Chung, rất nhiều nhà hảo tâm, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đồng hành thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, vì cộng đồng ý nghĩa, thực chất. Những việc làm của anh cũng lan toả, ảnh hưởng tích cực nhiều đến mọi người, điển hình như thói quen dọn dẹp, làm đẹp cảnh quan trên địa bàn. Rất nhiều người nghĩ rằng, một người dành rất nhiều thời gian của mình để làm thiện nguyện, để giúp đỡ mọi người... thì hẳn là người đó phải rất giàu có và rảnh rỗi. Với anh Chung, sự giàu có đó nằm ở sự tử tế. Từ sự tử tế của mình, anh đã nhen lên, lan tỏa rất nhiều sự tử tế ở mọi người./.