Chuyện nghề phóng viên: Đi, nghe và thấy
(Baonghean) - Chặng đường xuôi ngược của những lần tác nghiệp, chúng tôi không chỉ được học hỏi thêm về kinh nghiệm nghề nghiệp, mà bên cạnh đó còn được người dân chia sẻ những kinh nghiệm quý trong cuộc sống, những tâm sự đời thường...
Học “mẹo” chữa bệnh của đồng bào
Trong những lần đặt chân đến miền Tây xứ Nghệ, không ít lần trèo đèo lội suối, nhưng chuyến công tác theo đoàn Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh bằng đường rừng sang nước bạn Lào để tổ chức lễ kết nghĩa giữa 2 bản biên giới giữa Việt Nam và Lào là chuyến đi để lại cho tôi và cô bạn đồng nghiệp nhiều kỷ niệm và đặc biệt là những kinh nghiệm nghề nghiệp bổ ích.
Phóng viên Báo Nghệ An thực hiện phóng sự điều tra tại xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu |
Lần đó, sau gần 1 ngày rong ruổi, đến được chốt canh gác Nhọt Lợt của Đồn Biên phòng Mỹ Lý thì rừng chiều cũng bắt đầu buông sương giá, mặt trời dần khuất dạng sau ngút ngàn núi non. Sau khi sửa soạn xong tư trang trước khi ăn bữa tối, cô bạn đi cùng mặt biến sắc khi phát hiện mình bị vắt cắn. “Thủ phạm” đã rời đi từ khi nào (vì chắc đã no nê), chỉ còn vết cắn không ngừng chảy máu. Tôi “báo cáo” tình hình với 2 nữ quân nhân đi cùng và bác sỹ quân y, các anh đã dùng vỏ điếu thuốc lá dán vào vết vắt cắn, rồi dùng băng y tế để “chữa trị” nhưng vẫn không có tác dụng.
Tại chốt lúc đó có anh Già Tông Bì là Trưởng bản Phà Chiếng đi cùng đoàn, anh Tông Bì đã “bật mí” cho chúng tôi biết bí quyết chữa vắt cắn cực kỳ hiệu quả của người dân tộc Mông. “Để tôi chữa cho”, vừa nói anh vừa rút con dao lúc nào cũng mang theo bên mình ra, mọi người ngơ ngác không hiểu chuyện gì, anh lại bảo “Cho tôi mượn 1 con dao nữa”.
Không khí có vẻ nín lặng, anh đầu bếp rón rén đưa con dao cho trưởng bản. Trưởng bản Già Tông Bì nhẹ nhàng cạo lớp gỗ mỏng ở cán dao của mình thành một nhúm bột mịn, hơi nâu nâu và lấy bột đó đắp vào chỗ vắt cắn. Quả nhiên, vừa đắp thứ bột đó vào, máu liền lập tức ngừng chảy.
Phóng viên Báo Nghệ an tác nghiệp tại xã Mường Ải (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu |
Qua một đêm, vết vắt cắn đã đóng vảy và bong, hầu như không để lại dấu vết gì. Lúc đó, anh Tông Bì giải thích, “đây là bí quyết chữa vắt cắn hiệu quả của đồng bào. Tuy nhiên, phải cạo bột gỗ từ con dao đã dùng khá lâu năm mới hiệu nghiệm”. Mọi người ồ à ngạc nhiên. Tôi không quên xin thêm một ít “bột quý” dự phòng cho cuộc hành trình của ngày hôm sau và thấy nỗi lo lắng sên vắt đã giảm đi đáng kể.
Một lần khác, năm 2016, công tác tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, đi thăm bản dân tộc Thái, thấy cuộc sống yên bình, người dân chăm chỉ làm ăn, đặc biệt Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lương Thị Hảo rất nhiệt tình, chân thành. Dáng người mảnh khảnh, gầy gầy nhưng hoạt bát, đi đến đâu cũng được bà con quý mến. Là phụ nữ cùng đi, qua chuyện trò, chị Hảo cho hay, trước đó chị bị bệnh sỏi thận, sỏi mật rất nan giải, đã chữa trị nhiều nơi, ai bày cách gì cũng đều thử nhưng không được.
Chị từng phải đi bệnh viện tán sỏi mấy lần. Song, một lần tình cờ gặp được người tốt bụng chỉ cho phương thuốc dân gian từ hoa cây đu đủ đực chữa sỏi mật, sỏi thận dễ làm, chị thực hành và đã 5 năm không còn tái phát bệnh. Chị Hảo cho biết, nam giới chỉ cần dùng 7 lạng hoa, nữ 9 lạng, đem rang vàng hạ thổ rồi đổ 3 bát nước nấu cạn còn lại 1 bát và uống. Ngày uống 1 bát, mỗi lần như vậy sắc uống cho đến khi nước ra màu nhạt thì dừng. Và chỉ cần uống 3 đợt là được.
Tôi hí hoáy ghi chép, và từ đó về sau, trên những chặng đường công tác, nếu biết ai bị bệnh sỏi thận, sỏi mật tôi đều “truyền” lại cho họ cách chữa bệnh của chị Hảo với hi vọng họ cũng sẽ khỏi bệnh. Đó cũng là một trong những niềm vui nho nhỏ mà mỗi bước đường tác nghiệp giúp chúng tôi thêm yêu công việc mình đã chọn.
Lắng nghe, đồng hành cùng cơ sở
Một lần công tác tại huyện Quỳ Châu, tôi và đồng nghiệp đi điều tra một vụ việc khá phức tạp ở một bản cách khá xa trung tâm huyện. Sau những cú điện thoại hẹn gặp cơ sở, tôi nhờ một cán bộ trẻ cấp xã chở xe máy men theo con đường ngoằn ngoèo để đến được địa điểm hẹn trước.
Phóng viên Báo Nghệ An tham gia hành quân cùng bộ đội biên phòng và tác nghiệp tại địa bàn xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: Hoài Thu |
Dọc đường đi, qua những trao đổi, chuyện trò, người cán bộ xã còn trẻ, thuộc thế hệ 8X bày tỏ những tâm tư khi tham gia công tác ở UBND xã. Cũng tốt nghiệp đại học ra trường, tình nguyện về xã nhà công tác và xây dựng gia đình ngay tại mảnh đất quê hương. Qua hơn 10 năm tham gia phong trào địa phương, đến nay cậu vẫn là cán bộ bán chuyên trách. Cậu tâm sự “tuy là bán chuyên trách nhưng công việc nhiều lắm, nhiều lúc còn phải dành thời gian ngoài giờ để làm, nhất là đi cơ sở”. Tuy nhiên, cậu cho biết, không ngại khó, không ngại trèo đèo lội suối nhưng vấn đề khiến cậu luôn phải suy nghĩ, giằng co đấu tranh tư tưởng đó là vấn đề “đầu tiên”.
Với mức lương hơn 1 triệu đồng 1 tháng, như cậu trình bày nào chi phí xăng xe, liên hoan cưới hỏi, đám đình người dân mời... chưa nói chuyện nuôi vợ con. Cậu cán bộ cũng vô tư cho hay, “may mà nhờ vợ em cũng làm ra tiền, kết hợp với em chịu khó sản xuất chăn nuôi thêm, lại được ông bà hỗ trợ. Chứ không là dù không muốn em cũng phải bỏ việc thôi chị ạ”.
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hoài Thu |
Lắng nghe những chia sẻ của cậu cán bộ xã, cũng chỉ kém tôi vài tuổi, dù thực tế đó đã diễn ra nhiều năm nay với hàng trăm, hàng nghìn trường hợp cán bộ cơ sở cấp xã, xóm, nhưng mỗi lần trực tiếp nghe “người thật việc thật” bày tỏ tâm tư, chứng kiến môi trường, địa bàn làm việc của họ, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng miền Tây, tôi lại thấy chạnh lòng, và không tránh khỏi những suy tư. Và chỉ biết động viên họ nỗ lực, tự vun vén, tự xoay xở, cùng với sự hỗ trợ của gia đình hay hi vọng tương lai không xa những cống hiến của họ sẽ được đền đáp.
Và hiện tại, có lẽ động lực giúp những người như vậy duy trì công tác chính là gia đình và sự ghi nhận, chia sẻ của chính quyền và người dân, và có cả những thấu hiểu, chia sẻ của cánh phóng viên báo chí như chúng tôi.