Chuyện nghề thẩm phán

Lương Mai 02/09/2021 07:37

(Baonghean.vn) - Nghĩ đến nghề tòa án, ai cũng nghĩ đó là nghề khô khan, nơi pháp đình tôn nghiêm. Nhưng thực tế, đó là sự gặp gỡ giữa khuyến thiện và trừng ác, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ XHCN; từ đó làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Trăn trở qua những vụ án xét xử dân sự

Mặc dù đã về hưu gần 3 năm, nhưng bà Lê Thị Thu Hà ở Làng Văn hóa Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Nghệ An chứa đầy tâm huyết. Bà kể, năm 1989, bà làm thẩm phán TAND huyện Thanh Chương khi tuổi đời mới 26, cũng là thẩm phán trẻ nhất tỉnh. Bà được HĐND huyện bầu, không phải do bổ nhiệm.

Làm thẩm phán, với bà nhiều ký ức xét xử án phân chia tài sản thừa kế lại rất đau xót về nhân tình. Còn nhớ một vụ án (xin giấu tên cụ thể) bố mẹ chết không để lại di chúc. Người anh đã có nhà, còn em chưa có đất, cháu đích tôn chiếm giữ tất cả. Người chú viết đơn lên tòa, xin tòa chia đất cho mình. Một mình đương sự - người cháu mà có tới 3 đồng chí công an đi kèm, đương sự vẫn cố ý chống đối, quậy phá.

Rất nhiều câu chuyện xúc động bên hành lang pháp đình. Ảnh tư liệu Trần Vũ
Rất nhiều câu chuyện xúc động bên hành lang pháp đình. Ảnh tư liệu Trần Vũ

Sau khi đọc quyết định xét xử, giới thiệu thành phần tố tụng, phiên tòa tạm hoãn để đương sự giảm bớt giận dữ, nhưng 3 ngày sau, đương sự vẫn đầy thách thức. Tiếp tục xét xử, tòa đã phân tích thấu đáo, nghe ra, tâm lý bị đơn dịu lại. Khi tòa tuyên án, bị đơn thấy có tình, có lý đã không dám quậy phá nữa...

Tới năm 2009, nữ thẩm phán Lê Thị Thu Hà chuyển về TAND tỉnh công tác cho đến tuổi về hưu. Bà vui vẻ nói: “Hơn 37 năm ấy đã để lại trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, xót xa và thương cảm. Càng nhớ, suy ngẫm trăn trở, tôi càng yêu thương những con người, những mảnh đời trong xã hội”.

Nghề cần những kỹ năng tố tụng đặc biệt

Nói về kỹ năng tố tụng không thể không nhắc đến ông Vi Văn Chắt - Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tỉnh, nguyên Chánh tòa Hình sự giai đoạn 2012-2021. Ông là Thẩm phán kỳ cựu trong xét xử án hình sự. Với không ít năm kinh nghiệm trong công tác xét xử, 12 năm lãnh đạo Tòa Hình sự, bản thân ông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án lớn, phức tạp, nhất là những vụ án về tham nhũng, ma túy có chuyên môn cơ bản và chuyên sâu còn phải có kỹ năng tố tụng để xử lý tốt những tính chất truy xét, những vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh... Ông Chắt chia sẻ: “Người Thẩm phán phải trang bị cho mình kiến thức tình huống phát sinh trong quá trình điều hành phiên tòa”...

Trăn trở nhất là xét xử các vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại một số địa phương. Các bị cáo (đa số là cán bộ cấp xã) từ chỗ mong muốn có kinh phí hoạt động; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; xây dựng các thiết chế cộng đồng phục vụ lợi ích chung... hoặc mong muốn có nguồn lực tài chính để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã dẫn đến những sai phạm trong việc quản lý đất đai.

Đơn cử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại xã Thanh An, huyện Thanh chương (năm 2012) khi cơ quan pháp luật vào cuộc cũng chỉ nghĩ rằng, các vi phạm chỉ mức độ xử lý hành chính...

Một xét xử lưu động tại Trung tâm Lao động xã hội huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu Hùng Cường
Một xét xử lưu động tại Trung tâm Lao động xã hội huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu Hùng Cường

Xót xa nhất và đáng trách nhất là các bị cáo trong những vụ án ma túy. Năm 2013, xét xử vụ án Vũ Đức Mạnh cùng đồng phạm mua bán 255 bánh heroin, phải tuyên tử hình 5 bị cáo và chung thân 1 bị cáo. Điều đáng nói trong vụ án này có 5 bị cáo là nữ, trong đó, 1 bị cáo là giáo viên nhưng lôi kéo chị dâu (có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) tham gia đường dây này, 1 bị cáo phạm tội là do kinh doanh vận tải thua lỗ khi gặp một bị cáo (là bạn) trong vụ án này cũng bị lôi kéo tham gia.

Hay như năm 2017, xét xử vụ án Nguyễn Thế Hà cùng đồng phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy 10 bánh heroin và 4 kg ma túy đá, vụ án này có 5 bị cáo, trong đó 1 bị cáo đã thắt cổ chết, 2 bị cáo là vợ, chồng. Vấn đề đặt ra với vụ án này là bị cáo Hà (chủ mưu, cầm đầu) kêu oan trong khi bị cáo Giang (đồng phạm) là người mua ma túy đã chết, như vậy, liệu có oan sai hay không.

Vụ án phải kéo dài thời gian xét xử gần 2 năm, qua nhiều phiên xét xử, những vấn đề tranh tụng mới được làm rõ tại phiên tòa, vai trò của từng bị cáo được xác định, được đánh giá chính xác, khách quan. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đều làm đơn kháng cáo kêu oan, tuy nhiên, bản án của tòa án cấp phúc thẩm khẳng định không oan sai. Và còn nhiều vụ án nữa...

Một phiên tòa án dân sự rút kinh nghiêm về tranh chấp di sản thừa kế tại TAND tỉnh Nghệ An.
Một phiên tòa án dân sự rút kinh nghiêm về tranh chấp di sản thừa kế tại TAND tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu.

Đanh thép trên pháp đình

Có một người mà cả nguyên Thẩm phán Lê Thị Thu Hà và Thẩm phán Vi Văn Chắt thường hay nhắc đến trong cuộc trò chuyện, đó là ông Trần Ngọc Sơn - đương nhiệm Chánh án TAND tỉnh Nghệ An. Ông Chắt cho hay, ông được tham gia Hội đồng xét xử rất nhiều vụ án cùng với ông Trần Ngọc Sơn, đặc biệt là các vụ án lớn về các tội xâm phạm an ninh quốc gia như vụ án Hồ Ngọc Hòa cùng đồng phạm (13 bị cáo), vụ án Lê Đình Lượng đều phạm tội an ninh quốc gia có tổ chức.

Các bị cáo đều có trình độ học vấn cao, nhận thức chính trị rõ ràng nên tại phiên tòa thường khai báo rất quanh co, thủ đoạn tinh xảo. Nhưng với bề dày kinh nghiệm và với những kỹ năng tố tụng được tích lũy trong nhiều năm làm công tác xét xử, Thẩm phán Trần Ngọc Sơn đã điều hành phiên tòa vừa đảm bảo tranh tụng, vừa xử lý các tình huống tố tụng phát sinh mà khi nghiên cứu hồ sơ không thể dự đoán hết, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình

Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn.
Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn.Ảnh: P.V

Nguyên Thẩm phán Lê Thị Thu Hà chia sẻ lại hồi ức: Tôi biết đến ông Trần Ngọc Sơn khi ông còn là Thẩm phán ở TAND thành phố Vinh, ông đã từng một mình một xe máy đi vào Huế để kiểm tra, xác minh rõ ràng các tình tiết cần thiết; nhiều chuyến ông đi tận vào Quảng Bình hoặc ngược Quốc lộ 7 lên rẻo cao Kỳ Sơn, hay lên tận cùng Quốc lộ 48 ở rẻo cao Quế Phong...

Cứ như thế, vụ án nào còn băn khoăn, chưa sáng tỏ là ông Sơn lại lên đường. Tâm huyết, trách nhiệm và nghiêm túc với nghề, trên chốn pháp đình, nhưng mọi người cũng nhắc nhiều đến ông Trần Ngọc Sơn là cây văn nghệ, “kho tàng” thơ ca, ví, giặm xứ Nghệ,...

Quả thực, được gặp gỡ, chuyện trò, mới hiểu những người thẩm phán ấy với nghề của mình đã và đang lặng thầm góp phần làm cho môi trường xã hội được ngày càng tốt đẹp, trong sạch hơn.

Mới nhất

x
Chuyện nghề thẩm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO