Chuyện người Mỹ học tiếng Việt để thăng tiến

29/05/2016 10:39

Hàng nghìn người gốc Latinh đang làm việc cho các nhà hàng Việt Nam ở bang California, Mỹ. Để có thể thăng tiến, họ phải am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Việt.

Gần 25 năm trước, Roberto Torres chuyển từ bang Guerrero thuộc Mexico tới hạt Orange, bang California, Mỹ để làm công việc rửa bát tại một nhà hàng Việt Nam. Anh là một phần của làn sóng di cư từ Việt Nam và Mexico khiến khu vực trung tâm của hạt Orange thay đổi. Ở hạt Orange, người gốc Á và Latinh chiếm tỷ lệ cao nhất trong dân số.

Roberto phục vụ tại nhà hàng Song Long. Sau nhiều năm, anh trở thành trưởng nhóm bồi bàn.

“Chào anh, chào chị. Anh chị thích gọi món gì hôm nay?”, Roberto chào đón một cặp nam nữ mặc trang phục sang trọng tới từ thành phố Santa Ana.

Mặc dù rất nhiều người gốc Latinh làm việc trong các nhà hàng Việt Nam, Roberto là một trong số ít người thoát ra khỏi khu bếp để tiếp xúc với khách hàng.

Roberto Torres chuẩn bị bữa ăn theo yêu cầu của khách trong khu bếp của nhà hàng Song Long. Ảnh: Los Angeles Times
Roberto Torres chuẩn bị bữa ăn theo yêu cầu của khách trong khu bếp của nhà hàng Song Long. Ảnh: Los Angeles Times

Trong quá trình “thăng tiến” khiêm tốn, anh cảm nhận cách thức cộng đồng người gốc Á và gốc Latinh kết hợp với nhau để thay đổi đời sống kinh tế và văn hóa của hạt Orange.

Số liệu của Cơ quan Dân số Mỹ cho thấy, gần 145.000 người Việt và hơn 344.000 người gốc Latinh sống tại Westminster, Garden Grove và Santa Ana - 3 thành phố tạo nên vùng Little Saigon - trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới năm 2014.

Bất chấp sự khác biệt về tư tưởng chính trị - người Việt có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, còn người Latinh ủng hộ đảng Dân chủ - hai cộng đồng hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong khu vực.

Hoạt động bán lẻ của người Việt phát triển mạnh, song các thương nhân không thể tuyển đủ nhân lực đồng hương do số lượng người nhập cư từ Việt Nam giảm mạnh trong vài năm gần đây.

Vì thế người nhập cư từ Mexico và các nước Mỹ Latinh khác coi Little Saigon là lối dẫn tới ngành bán lẻ, dù họ phải xuất phát từ vị trí thấp.

“Dòng người di cư từ Việt Nam hầu như đã ngừng. Những chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tìm nguồn lao động từ nơi khác. Vì thế họ tiếp tục tuyển người nhập cư Mỹ Latinh.

Người Mỹ Latinh sẵn sàng nhận những công việc có thù lao rẻ mạt. Số lượng người nhập cư từ Mỹ Latinh tăng liên tục nên việc tuyển dụng luôn dễ dàng”, Linda Vo, một giáo sư chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Á của Đại học California tại thành phố Irvine, nhận xét.

Môi trường làm việc không phải là sân chơi bình đẳng. Người Việt luôn là chủ, còn người gốc Latinh chỉ có thể đảm nhiệm những vị trí thấp. Roberto có thể thăng chức, song rất nhiều người lao động gốc Latinh khác không bao giờ thoát khỏi bếp hay khu rửa bát.

“Người Việt Nam cũng bắt đầu từ những vị trí như thế, nhưng chỉ trong những năm đầu. Đa số họ làm việc cho người thân hoặc bạn bè nên có nhiều cơ hội thăng tiến hơn”, Vo giải thích.

Người Việt và người gốc Latinh (chủ yếu là người Mexico) bắt đầu chiếm tỷ lệ đa số tại khu vực trung tâm của hạt Orange từ cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80.

Ban đầu phần lớn người Việt định cư ở thành phố Westminster, còn người Latinh ở thành phố Santa Ana. Theo thời gian, ranh giới giữa hai cộng đồng mờ dần.

Vo nhận định một số người Việt bắt đầu cuộc sống ở Mỹ với một số lợi thế. Một số người biết tiếng Anh và được học hành tử tế ở quê hương.

Một cuộc khảo sát vào năm 2010 cho thấy thu nhập trung bình năm của người Việt tại hạt Orange đạt khoảng 64.000 USD, lớn hơn nhiều so với mức 56.000 USD của người Mỹ Latinh.

Dân nhập cư gốc Mexico làm việc trong mọi loại nhà hàng ở phía nam bang California và những khu vực xa hơn. Nhưng ngay trong những nhà hàng châu Á, rất hiếm khi họ xuất hiện trước mặt thực khách.

Với một nhân viên như Roberto Torres, trở thành trưởng nhóm bồi bàn đồng nghĩa với việc anh phải am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Khách thường xuyên kiểm tra khả năng hiểu ngôn ngữ của anh.

“Tôi nói với anh ta bằng tiếng Việt, bắt anh ta đọc tên những món trên đĩa. Anh ta thực sự hiểu những câu tôi nói”, Mai Hoang, một thực khách kể.

Will, em trai của Mai Hoàng, xác nhận: “Mỗi khi tôi tới đây, anh chàng đó đều chào đón. Anh ấy luôn phục vụ đúng những món tôi gọi”.

Sử dụng hai điện thoại di động để phục vụ công việc, doanh nhân Vince Doan nói rằng ông không cảm thấy ngạc nhiên trước khả năng nói tiếng Việt của Roberto.

“Từ khi chúng tôi định cư ở phía nam bang California, tôi đoán sự giao thoa văn hóa sẽ diễn ra. Giờ đây mọi người dân ở đây đều hiểu những nền văn hóa khác”, Doan tâm sự.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chuyện người Mỹ học tiếng Việt để thăng tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO