Chuyện người nuôi dế

(Baonghean) - Dế kêu loạn xạ. Rắn mối bò lổm ngổm, rắn chui vào giường ngủ. Lũ bò cạp giương vuốt nhe nanh, gườm gườm. Mùi bọ xít hăng hăng. Căn nhà vừa như một cánh đồng, hoang liêu, phơ phất; vừa giống một “đại công xưởng” sản xuất côn trùng. Nhìn đâu cũng thấy dế, châu chấu, cào cào, rắn mối, bọ cạp... 

Đàn dế tại “trang trại” của anh Nguyễn Thế Thắng.
Đàn dế tại “trang trại” của anh Nguyễn Thế Thắng.
Có lần, bọn bạn rủ tôi đến quán Thắng “dế” trên đường Phong Định Cảng (TP. Vinh). Thắng, chủ quán, gầy như cái tóp mỡ, tóc tai luộm thuộm, quần áo lúc nào cũng nồng nặc mùi côn trùng, lăng xăng chạy ra chạy vào. Quán của Thắng chuyên bán côn trùng đã qua chế biến lẫn tươi sống, món chủ lực là dế, dân nhậu thuận miệng gọi Thắng là Thắng “dế”.
Gì chứ, dế, cào cào, châu chấu, hồi con nít bọn tôi ăn suốt. Mùa lụt, châu chấu cào cào vỡ tổ, bay kín trời, tụ thành dịch. Đàn châu chấu, cào cào di cư đến đâu, lũy tre, ruộng lúa tan hoang đến đấy. Triệu cái mồm ngấu nghiến, nửa buổi sáng đã hết veo cây cối trên cánh đồng. Lúa tả tơi, cỏ tả tơi, làng mạc khô trụi, tan hoang. Bắt châu chấu, cào cào về vặt đầu, bỏ ruột, cho vào chảo mỡ rán, thêm tý hành tỏi đã thơm lừng. Đêm sáng trăng, chúng tôi cầm vợt rình chao bọ vừng. Bọ vừng nướng lên, giòn hơn, nhưng không béo, không bùi như cào cào, châu chấu.
Đùng cái, Thắng “dế” chuyển quán. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu chàng trai mê...dế tha vợ con từ chỗ này qua chỗ khác. “Hồi mới vô Vinh, mỗi tháng chỉ kiếm được 1 triệu bạc, em thuê nhà hết 800.000, còn 200.000 để kinh doanh!”, giọng Thắng đều đều. 
Chuyện Nguyễn Thế Thắng (SN 1978, quê Diễn Thắng, Diễn Châu) “ngộ” dế cũng lạ. Năm 2011, đang dạy học cấp 3, Trường THPT Nguyễn Văn Tố (huyện Diễn Châu) thì bỗng nhiên anh rời quê, khăn gói vào Vinh mở một quán hàng chuyên kinh doanh dế. Để có nguồn nguyên liệu, Nguyễn Thế Thắng hàng ngày lọ mọ đạp xe về Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, vào từng hộ nông dân bàn cách nuôi dế. “Kỹ thuật nuôi loại côn trùng này, em mày mò học ở trên... mạng. Từ 300.000 đồng tiền đầu tư cho 2 khay giống ban đầu, đến nay, hội nuôi dế đã có hơn 400 hội viên rộng khắp tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Em nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân!”, Thắng kể. Riêng tại Hà Tĩnh, Nguyễn Thế Thắng hợp tác với Trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân xây dựng dự án phát triển đàn dế tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) với cái tên rất “oách”: Ngân hàng giống dế!
Thắng hay lang thang ngoài đồng, tìm những chú dế mèn phổng phao về phối giống cho lũ dế cái. Những chuyến điền dã như thế giúp chàng trai mê dế khám phá nhiều điều thú vị về loài côn trùng này. “Mùa nước lên, con đực thường cất tiếng gọi bạn tình. Ở đâu có tiếng kêu của dế đực, ở đó thường tụ tập cả đàn dế cái. Dế đực chỉ làm mỗi việc...đờn ca, tán tỉnh, dế cái nghe tiếng kêu tự mò đến”
Nguyễn Thị Lý, nữ sinh trường Diễn trong những lần nghe thầy Thắng thao thao bất tuyệt về vòng đời của dế mèn, châu chấu, bỗng sinh ra mê mẩn. Một ngày đẹp trời, Lý bỏ quê hương bản quán, khăn gói vào Vinh nâng khăn sửa túi cho “thầy”.  Phòng trọ chật hẹp, vừa là chỗ ở của đôi uyên ương, vừa là trại sản xuất dế. Bốn phía là đường nhựa, bê tông, không có đất cho đàn côn trùng dung thân, hàng ngày họ phải huy động hết xô, chậu giặt quần áo để nuôi dế. Đàn dế giống lớn lên, đến kỳ sinh sản, đôi vợ chồng nghèo cũng chẳng có tiền mua thêm vật dụng, bèn mang mâm, khay đựng nước đổ đầy đất vào, tưới thêm chút nước lấy độ ẩm rồi tỉ mẩn nhặt từng con dế cho vào mâm đất, khay đất. Đàn dế dụi mông, đẻ trứng vào đấy, chín ngày thì trứng nở, 30 ngày sau dế thành thương phẩm, có thể tiêu thụ được. Nhẫn nại, cặm cụi như vậy ròng rã ba bốn năm liền, từ chỗ một hàng quán đơn lẻ Nguyễn Thế Thắng trở thành một tổng đại lý chuyên kinh doanh, chế biến dế. Dân nhậu thấy món ăn chế biến từ dế vừa rẻ, quán vỉa hè vừa có thể bù khú lai rai, kéo đến ngày một đông.
“Sẽ đơn điệu và nhàm chán, nếu cứ tiếp tục một điệp khúc dế liên hoàn. Em và vợ bàn nhau mở mang các món ăn côn trùng, vừa phục vụ khách, vừa góp phần...tiêu diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng và tạo việc làm cho bà con nông dân!”, Thắng lý sự. Ngoài dế xào, dế rán, gỏi dế, Nguyễn Thế Thắng nghiên cứu chế biến các món từ châu chấu, cào cào, rắn mối, bọ cạp, bọ xít. Góp được mấy chục triệu, Thắng tậu một chiếc ô tô cà tàng. Mùa lụt, hễ nghe phong thanh ở đâu có dịch cào cào, châu chấu là anh lái xe phi thẳng về nơi đó, thuê đám trẻ ra đồng bắt cào cào, châu chấu, dập dịch. Những chuyến xe trĩu nặng cào cào kìn kìn về xuôi. Có hôm, vừa rời Bồng Khê (huyện Con Cuông), xe chạy được một đoạn, tài xế thấy dân hai bên đường giơ tay chỉ trỏ ôm bụng cười ngặt nghẽo bèn ngoái cổ lại nhìn. Phía sau, gà vịt đuổi theo xe, bay nháo nhác. Dừng lại kiểm tra, Thắng hốt hoảng phát hiện dây chạc buộc chiếc bì đựng cào cào đã bung ra, bọn cào cào đập cánh loạn xạ. Vội vàng đóng cửa xe, Thắng chạy một mạch về Vinh. Chiếc xe lúc này như cái chuồng nuôi động vật, luộm thuộm, nặng mùi.
Thắng chỉ cho tôi 3 yến bọ xít vừa mua về. Số côn trùng này, Thắng cho công nhân cắt đít, bỏ vùng chứa độc tố, rút đầu, làm sạch ruột rồi gói thành từng bịch trong túi ni-lon, cất trong tủ đá. “Gần đây, có nhiều ca ngộ độc do ăn côn trùng, có trường hợp dẫn đến tử vong, vì họ không biết cách chọn côn trùng và chế biến sai!”, chàng “dế học” lý sự. Theo kinh nghiệm của Nguyễn Thế Thắng, chỉ có loài bọ xít sống trên cây nhãn người ta mới ăn được. “Loài bọ xít màu xanh bắt ở ngoài đồng, ăn vào, chết mất ngáp!”. Ve sầu thì chọn những con đã đủ lông đủ cánh, tuyệt đối không ăn nhộng của ve sầu khi chúng làm tổ dưới đất, vì cơ thể chúng chứa nhiều độc tố có thể gây tử vong. Chàng “dế học” cũng lưu ý, khi thưởng thức các món ăn chế biến từ côn trùng, trước khi nuốt phải măm măm đầu lưỡi để...thử test. Nếu thấy mẩn ngứa, tuyệt đối không ăn. Và khi xơi các món ẩm thực “thể hiện đẳng cấp” này, nên kèm lá đinh lăng, bởi lá đinh lăng có thể giải độc.
“Hội dế” của Thắng “dế” ngày một đông thêm, từ Nghệ An lan ra Thanh Hóa, vào Quảng Bình, Quảng Trị, dế “phủ sóng” khắp Bắc Trung bộ. Bao tiêu sản phẩm cho nông dân, cứ mỗi kg dế, Nguyễn Thế Thắng trả cho nhà nông 100.000 đồng. “Tại các vùng nông thôn luôn sẵn đất để phát triển đàn dế. Nếu chăm sóc tốt, mỗi nhà nông có thể sản xuất được trên 20 kg dế thương phẩm/tháng. Nghề nuôi dế cũng có thu nhập, giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống!”, Thắng bảo. Dự định trong năm tới, anh sẽ thuê một mảnh đất ven Thành phố Vinh để mở rộng trang trại dế.
Bài, ảnh: QL

tin mới

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.