Chuyện những người 'làm chế độ' cho tử thi

19/08/2017 09:21

(Baonghean) - Họ là những cán bộ, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh, đã luôn thầm lặng phía sau mỗi vụ án, chuyên án. Với tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, lương tâm con người, những bí mật của hiện trường, hồ sơ, tử thi được hé mở, góp phần rất lớn giúp cơ quan điều tra các cấp khám phá nhanh các vụ án.

Giải mã những bí ẩn

Sau nhiều cuộc hẹn bị gián đoạn bởi lịch công tác dày đặc, tôi mới có dịp gặp Trung tá Phạm Văn Nhung - Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường (PC54). Vừa về đến phòng sau chuyến đi công tác, Trung tá Nhung bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nụ cười nhẹ nhõm.

Anh bảo, nghề của mình nó thế, đi tối ngày nên nhiều khi có hẹn rồi thất hẹn là chuyện bình thường. Lắm lúc, hứa với vợ con là tối nay sẽ về ăn cơm, nhưng chỉ 5 phút sau, phải gọi điện xin lỗi vợ rồi lên đường làm nhiệm vụ.

Các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh vào hiện trường vụ án bản Phồng (Tương Dương) để khám nghiệm. Ảnh: Phạm Bằng
Các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh vào hiện trường vụ án bản Phồng (Tương Dương) để khám nghiệm. Ảnh công an cung cấp

Gần 20 năm gắn bó với công tác khám nghiệm hiện trường, Trung tá Nhung cho rằng, thời gian anh tiếp xúc với người chết còn nhiều hơn người sống. Mỗi khi có một vụ án mạng, tai nạn giao thông, cháy nổ, trộm... là các anh lại lên đường với một nhiệm vụ duy nhất là làm sáng tỏ được nguyên nhân, giúp cho cơ quan điều tra khám phá nhanh các vụ án một cách chính xác, khách quan.

“Hiện trường là một khái niệm rộng, có thể trên đường, trong rừng sâu, trong ô tô, căn phòng... nên khó có thể kể hết được cụ thể công việc của mình. Việc khám nghiệm hiện trường là hoạt động trong giai đoạn tố tụng hình sự. Nhiều khi, đây là chìa khóa mở cho công tác điều tra, làm rõ các vụ án hình sự” - anh Nhung cho biết.

Trong quãng thời gian công tác của mình, anh Phạm Văn Nhung chưa quên được vụ trộm 100kg ngà voi trong kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Vinh. Khi đến hiện trường, anh Nhung thấy phía cửa sổ bị phá, nhưng các cửa chính vào kho vẫn được khóa bằng 3 lớp. Phía trong cửa sổ có một tủ sắt nặng vẫn đứng thẳng, không đổ. Anh Phán đoán, nếu kẻ trộm chui từ cửa sổ thì chắc chắn phải di chuyển tủ và có thể làm đổ tủ. Quan sát phía dưới chân tủ, anh thấy có sự xê dịch, các lớp bụi không hằn khớp với nhau.

Từ các cơ sở đó, anh khẳng định, kẻ trộm không thể vào bằng đường cửa sổ, mà phải vào từ cửa chính. Và đối tượng một là có chìa khóa, hoặc có sự thông đồng của bảo vệ. Từ những nhận định đó, cơ quan điều tra đã làm rõ, kẻ trộm thật sự chính là Đinh Thị Trà Giang (thủ kho), Đặng Ngọc Thế (nhân viên văn phòng) và Tạ Đức Anh (bảo vệ) của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Vinh.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát hình sự giám định con dấu để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: P.V
Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát hình sự giám định con dấu để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: P.V

Nhưng đó là những hiện trường chưa có nhiều biến động, đối với các vụ án giết người hoặc tai nạn giao thông thì công tác khám nghiệm hiện trường khó khăn gấp bội phần. Vì nhiều nạn nhân được phát hiện sau khi chết cả tháng trời, cộng với thời tiết, nên hiện trường đã biến đổi. Hoặc có những vụ cháy, tất cả các đồ vật đã thành tro nên việc tìm ra nguyên nhân không phải là điều đơn giản.

Như vụ án giết 4 người ở bản Phồng (Tương Dương), hiện trường nằm trong rừng sâu, heo hút, ít người qua lại nên việc tìm ra nguyên nhân là rất phức tạp. Tuy nhiên, với mục tiêu làm rõ phương thức, cách thức, thủ đoạn gây án, các cán bộ, chiến sỹ làm công tác khám nghiệm hiện trường không bỏ sót một vật chứng nào, dù là nhỏ nhất như dấu vấn tay, vết máu, tế bào da... Từ đó, nhiều mấu chốt được gợi mở là cơ sở để các bộ phận khác xác định đúng hướng điều tra vụ án.

Làm “chế độ” cho người chết

Người ta thường nói “chết là hết”. Song, đối với các cán bộ Đội điều tra pháp y (PC54), việc “bắt” các tử thi lên tiếng vừa là nhiệm vụ, vừa là lương tâm để người đã khuất không phải mang nỗi oan ức khi kẻ thủ ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Công tác pháp y hiểu đơn giản là giải phẫu tử thi để tìm những manh mối tội ác còn lưu lại trên cơ thể nạn nhân, xác định nguyên nhân gây ra cái chết.

Có 17 năm trong nghề, Đại úy Trần Văn Hải - Đội trưởng Đội Giám định pháp y (PC54) đã tham gia giải phẫu hàng ngàn tử thi. Trung bình mỗi năm anh phải tham gia giải phẫu 300 tử thi. Như để chứng minh, Đại úy Trần Văn Hải lật giở cuốn sổ công tác rồi nói, bây giờ chưa hết tháng 8 mà mình đã tham gia 200 vụ việc rồi. Có ngày mình phải tiếp xúc với 2-3 tử thi nên không dám về nhà. “Ai cũng biết đây là nghề gian khổ, khó khăn, tiếp xúc với nhiều thứ độc hại nhưng bắt buộc phải có người làm. Nếu mình không làm thì người khác cũng làm, nên mình chịu khó vậy”, anh chia sẻ.

Những cán bộ, chiến sỹ trẻ của Phòng kỹ thuật hình sự miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, nghiên cứu khoa học để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: P.V
Những cán bộ, chiến sỹ trẻ của Phòng Kỹ thuật hình sự miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, nghiên cứu khoa học để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: P.V

Đang ăn cơm, có điện báo là lên đường; nửa đêm rét cắt da, lén ra khỏi nhà để vượt hàng trăm km vào rừng sâu để “làm án” đối với các anh trở thành “cơm bữa”. Lắm lúc, trong một ngày xảy ra nhiều án, thì các anh phải chạy “sô” từ địa phương này qua địa phương khác. Đối với những tử thi chết giữa rừng, chết lâu ngày, đã bị phân hủy thì việc tìm ra nguyên nhân tử vong là rất khó khăn.

“Khó không phải là không thể, nhiều khi phải chạy đua với thời gian để tử thi không mất các dấu vết, để kẻ thủ ác chưa có điều kiện trốn xa. Hay nhiều khi gia đình nạn nhân chọn giờ tốt để khâm liệm thì mình cũng phải tranh thủ khám nghiệm cả đêm. Như 2 vụ tai nạn làm 6 người chết ở Quỳ Hợp vừa rồi, anh em chúng tôi làm từ chiều đến sáng ngày hôm sau”, Đại úy Hải tâm sự.

Ngồi nói chuyện mới hiểu hết công việc của các anh luôn đòi hỏi độ thận trọng, chính xác, khách quan, toàn diện để phục vụ công tác điều tra, phá án. Nếu bỏ sót một chi tiết dù là nhỏ nhất trong lúc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thì quá trình truy tìm hung thủ gặp rất nhiều khó khăn.

Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm và lòng say mê khoa học, sáng tạo, lực lượng cảnh sát Kỹ thuật hình sự đã kịp thời phát hiện, xử lý các dấu vết, vật chứng và cung cấp những thông tin quan trọng giúp cơ quan điều tra các cấp điều tra khám phá nhanh các vụ án. Những kết luận của cơ quan giám định đã trở thành những tài liệu chứng cứ quan trọng không thể thiếu được trong việc xử lý các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ANTT trên địa bàn./.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chuyện những người 'làm chế độ' cho tử thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO