Chuyện những người "vác tù và"…

19/04/2015 15:12

(Baonghean) - Cách đây khoảng 10 năm, khi ở Nghệ An đang có 4 CLB bóng đá gồm SLNA, QK4, VST, Sara Thành Vinh, lãnh đạo ngành thể thao đã ấp ủ ý tưởng thành lập Liên đoàn bóng đá tỉnh nhằm giúp các CLB có tiếng nói thống nhất và hỗ trợ các đội bóng hoạt động hiệu quả hơn. 

(Baonghean) - Cách đây khoảng 10 năm, khi ở Nghệ An đang có 4 CLB bóng đá gồm SLNA, QK4, VST, Sara Thành Vinh, lãnh đạo ngành thể thao đã ấp ủ ý tưởng thành lập Liên đoàn bóng đá tỉnh nhằm giúp các CLB có tiếng nói thống nhất và hỗ trợ các đội bóng hoạt động hiệu quả hơn.

Khoảng 5 năm gần đây, cùng với xu hướng chung của cả nước, bóng đá chuyên nghiệp ở Nghệ An có phần trầm lắng, thế nhưng bóng đá phong trào lại phát triển rất rầm rộ. Tính đến thời điểm này, chỉ riêng trên địa bàn Thành phố Vinh đã có khoảng hơn 200 CLB bóng đá phong trào. Do hoạt động tự phát nên nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Thiếu sân chơi, không có các giải đấu thường xuyên, nhiều đội tự thách đấu với nhau, thậm chí bỏ tiền túi kéo quân đi đá giao lưu với các CLB ở tỉnh khác như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Hội bóng đá phong trào Nghệ An tổ chức bán đấu giá áo của Công Phượng  ủng hộ chương trình “1.000 ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sỹ”.
Hội bóng đá phong trào Nghệ An tổ chức bán đấu giá áo của Công Phượng ủng hộ chương trình “1.000 ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sỹ”.

Trước bối cảnh đó, một số cá nhân tâm huyết như Nguyễn Đàm Văn (ông bầu CLB FC Văn Minh), Trịnh Quốc Bảo (FC BB), Hồ Lê Đức (FC Chương Dương), Nguyễn Hồng Phong (nguyên là Chủ tịch Hội CĐV SLNA), Nguyễn Hoàng Trung (FC Free)… đứng ra vận động thành lập Hội bóng đá phong trào Nghệ An nhằm tập hợp các đội để tổ chức những giải đấu thực sự ý nghĩa, trên tinh thần thể thao cao thượng và đoàn kết. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục CLB bóng đá trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực, họ cùng nhau góp ý soạn thảo Đề án thành lập Hội để thông qua đó tổ chức những giải đấu thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, góp phần thúc đẩy “môn thể thao vua” ngày càng phát triển, đồng thời giúp cho ngành văn hóa thể thao thuận lợi hơn trong việc quản lý, định hướng chỉ đạo phong trào…

Với mục đích và ý nghĩa tốt đẹp đó, ngày 20/11/2014, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 6498/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội bóng đá phong trào Nghệ An. Như vậy, lần đầu tiên trên cả nước, một Hội bóng đá phong trào chính thức ra đời, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngày 17/01, Hội bóng đá phong trào Nghệ An đã tiến hành Đại hội lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2015 – 2020), hàng chục Hội viên là các đại biểu đại diện cho 16 CLB bóng đá phong trào mạnh nhất trên địa bàn Thành phố Vinh đã tham dự.

Điều đặc biệt, với tính chất là một Hội hoàn toàn tự nguyện nên tất cả kinh phí cho mọi hoạt động của Hội đều do các thành viên tự nguyện đóng góp và kêu gọi các “Mạnh Thường Quân”, doanh nghiệp tài trợ thông qua các giải đấu. Từ đầu năm 2015 đến nay, Hội bóng đá phong trào Nghệ An đã tổ chức được 3 giải đấu: Giải bóng đá “Vì người nghèo” tranh cúp LG An Thịnh, Giải bóng đá “Vinh League 2015”... Cả 3 giải đấu này đều thu hút sự tham gia của hàng chục CLB bóng đá phong trào mạnh nhất trên địa bàn Thành phố Vinh hiện nay, trong đó có nhiều cầu thủ rất nổi tiếng như Văn Quyến, Huy Hoàng, Lâm Tấn, Hải Nam, Minh Ngọc,… thậm chí một số ngôi sao đang khoác áo đội 1 SLNA như Hoàng Thịnh, Khắc Ngọc,… cũng tranh thủ những ngày nghỉ tham gia sân chơi “phủi” để giao lưu và có những đóng góp ý nghĩa cho bóng đá phong trào tỉnh nhà.

Thông qua các giải đấu và một số hoạt động xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn các thành viên Hội bóng đá phong trào Nghệ An đã quyên góp được hàng chục triệu đồng ủng hộ người nghèo. Trong trận thi đấu giữa SLNA - HAGL hôm 12/4 vừa qua, được sự đồng ý của Công Phượng, các thành viên Hội bóng đá phong trào Nghệ An tổ chức bán đấu giá chiếc áo thi đấu của ngôi sao này thông qua mạng xã hội facebook nhằm quyên góp ủng hộ chương trình “1.000 ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sỹ”, có người đã đồng ý mua chiếc áo với giá 20 triệu đồng. Ngoài ra, khi biết thông tin bà con nông dân Quảng Nam đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ dưa hấu bởi thương lái Trung Quốc ép giá, những ngày qua, Hội bóng đá phong trào Nghệ An đã hỗ trợ bằng cách nhận làm đại lý tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Vinh, kêu gọi đông đảo tình nguyện viên đứng ra bán hàng tại nhiều địa điểm. Hình ảnh những cầu thủ và nhiều nữ CĐV bóng đá xinh đẹp đứng bán dưa hấu ở các ngả đường thu hút rất đông khách hàng đến ủng hộ. Theo anh Nguyễn Hồng Phong cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục tấn dưa hấu đã được bán hết, giúp nhiều hộ nông dân ở Quảng Nam thoát khỏi một mùa dưa hấu trắng tay.

Có thể thấy Hội bóng đá phong trào Nghệ An mới ra đời nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa. Mô hình đầu tiên trên cả nước này đang được rất nhiều người tâm huyết với bóng đá phong trào ở các tỉnh khác đến tham khảo học tập. Anh Nguyễn Đàm Văn – Chủ tịch Hội bóng đá phong trào Nghệ An cho biết: “Từ 16 CLB thành viên, chỉ sau 3 tháng ra đời, Hội đã thu hút được trên 30 CLB tham gia. Sau giải Vinh League 2015, Hội sẽ tiếp tục tổ chức giải hạng nhất để tranh suất dự Vinh League năm sau. Đến thời điểm này đã có trên 50 CLB bóng đá phong trào nộp đơn đăng ký dự giải. Tuy nhiên hoạt động của Hội hiện nay chủ yếu mới bó hẹp trên địa bàn Thành phố Vinh, chúng tôi mong muốn mở rộng ra khắp 21 huyện, thành trên toàn tỉnh để quy mô của Hội đúng như tên gọi là Hội bóng đá phong trào Nghệ An nhằm thúc đẩy phong trào bóng đá tỉnh nhà ngày càng phát triển”.

Hoàng Hảo

Mới nhất
x
Chuyện những người "vác tù và"…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO