Kinh tế

Chuyện phấn đấu thoát nghèo ở xã miền núi Châu Kim

Khánh Ly - Lô Thị Hương 31/08/2024 13:57

Không còn tư duy “ăn xổi, làm xổi”, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Châu Kim (huyện Quế Phong) đã nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Để tạo sự thay đổi “trong nếp nghĩ, nếp làm” của bà con, bên cạnh công tác tuyên truyền, cấp uỷ, chính quyền xác định hướng đi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung vào cây con, sản phẩm bản địa gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái, tâm linh…

711fcd98959132cf6b80(1).jpg

Tập trung phát triển các sản phẩm bản địa

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về với xã Châu Kim là những cánh đồng lúa nước xanh rì trải dài mướt mắt.

Đồng hành cùng chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Kim - Lương Thị Biết cho hay: Người dân chủ yếu tập trung vào trồng lúa Japonica chất lượng cao và lúa nếp Khau cày nọi (nếp gà con) là giống lúa nếp truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tại Quế Phong. Điểm nổi bật của giống lúa này là hạt tròn, to, khi nấu chín dẻo, đậm vị, thơm ngon.

e26a5f2ace24697a3035-1-.jpg
Những cánh đồng lúa xanh mướt mắt ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Ảnh: Khánh Ly

Hiện tại cả 6/6 bản ở xã Châu Kim đều canh tác hai loại lúa này. Điển hình như bản Liên Phương có diện tích 50 ha đất lúa, vụ xuân đều trồng lúa Japonica, còn vụ mùa trồng nếp Khau cày nọi, mỗi vụ cho thu hoạch đạt 310 tấn lúa, năng suất đạt 62 tạ/ha.

Tại bản Đô việc tập trung sản xuất lúa Japonica chất lượng cao và lúa nếp Khau cày nọi cũng đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân, bà con sản xuất đến đâu được thu mua hết đến đó, giúp lao động nghề nông gắn bó hơn với nông nghiệp.

img_2537(1).jpg
Bí thư Chi bộ bản Đô (xã Châu Kim) Lương Văn Duy (ở giữa) chia sẻ về hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: Quỳnh An

Bí thư Chi bộ bản Đô Lương Tiến Duy vui vẻ cho biết: Bản có 23 ha đất sản xuất lúa cho chất lượng tốt, năng suất 53 tạ/ha. Hiện giá nếp Khau cày nọi thương phẩm là 250 nghìn đồng/yến (lúa nếp 120-150 nghìn đồng/yến), gạo Japonica được bán với giá 200 nghìn/yến (lúa 100 nghìn đồng/yến).

Theo ông Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ xã Châu Kim: Địa phương được thiên nhiên ban cho một vùng bình địa rộng lớn, lại thêm dòng sông Nậm Giải mềm mại uốn lượn chảy qua làm cho những cánh đồng luôn tươi tốt.

1.3(1).jpg
Người dân xã Châu Kim (huyện Quế Phong) thu hoạch lúa chất lượng cao. Ảnh: CSCC

Do vậy, cấp uỷ, chính quyền đã triển khai các giải pháp để khai thác tối đa diện tích nông nghiệp để phát triển vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; đồng thời tập trung chỉnh trang lại đồng ruộng gắn với tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt từ 54 - 56,25 tạ/ha.

Bên cạnh lúa Japonica được trồng ở cả 6 bản vào vụ xuân, xã chủ trương trồng nếp Khau cày nọi vào vụ mùa, phấn đấu xây dựng thương hiệu sản phẩm nếp Mường Tôn (tên xưa của Châu Kim). Đặc biệt, toàn xã đã gieo cấy mở rộng diện tích giống lúa nếp Khau cày nọi thương phẩm từ 37 ha năm 2023 lên 70 ha trong vụ mùa năm 2024, trở thành địa phương đang dẫn đầu toàn huyện về diện tích lúa nếp Khau cày nọi.

ec7026d6bdd81a8643c9(1).jpg
Diện tích lúa nếp Khau cày nọi ở xã Châu Kim đang ngày càng được mở rộng. Ảnh: KL

Ngoài lúa chất lượng cao, Châu Kim cũng chỉ đạo khối Dân vận xã tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác bảo vệ rừng, trồng mới, bảo vệ các loại lâm sản (độ che phủ rừng đạt 78,9%); Chỉ đạo UBND xã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên giao đất, gắn giao rừng cho 419 hộ gia đình, cá nhân; đồng thời xây dựng các mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (thảo qủa, mú từn, sâm bảy lá 1 hoa...) đặc biệt là bảo tồn chè hoa vàng với diện tích 97ha và trồng mới 17ha tập trung ở bản Cọ Muồng, bản Hữu Văn.

1.2(1).jpg
Đến nay xã Châu Kim đã xây dựng được 01 vườn ươm giống chè hoa vàng. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến nay, hệ thống chính trị của xã Châu Kim đã triển khai được 30 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 13 mô hình kinh tế. Điển hình như Mô hình trồng rau màu ở các bản Đô, Khoẳng Đổ, Cọ Muồng; Mô hình bảo tồn và phát triển cây Quế Quỳ tại bản Cọ Muồng với tổng diện tích 5 ha; Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả với 2,9 ha tại hai bản Cọ Muồng, Hữu Văn; tổ hợp nghề nghiệp chăn nuôi dê tại bản Hữu Văn…

Hiện toàn xã có 3 trang trại thu nhập trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/năm; có 16 gia trại lớn, nhỏ chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, gà và trồng cây keo, quế… Thu nhập từ các hộ mỗi năm 50 - 60 triệu đồng/năm.

img_2686(1).jpg
Xã Châu Kim chỉ đạo thành lập các tổ hội nghề nghiệp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi. Ảnh: Quỳnh An

Đồng thời, nắm bắt lợi thế trên địa bàn có đền Chín Gian - Di tích lịch sử văn hóa có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành các bản mường của đồng bào Thái đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia; cùng địa hình nhiều thác ghềnh; văn hoá mang nhiều bản sắc, có nghề truyền thống đan lát, thổ cẩm lâu đời… xã Châu Kim đã ban hành và triển khai kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn xã giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

den-chin-gian-dinh-tuyen-1(1).png
Đền Chín Gian - Di tích lịch sử văn hóa Quốc Gia tại xã Châu Kim. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Điểm nhấn là xây dựng và đưa vào hoạt động khá hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 07/2021/NQ của HĐND tỉnh. Qua đó, tạo mô hình sinh kế và đòn bẩy cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững…

Người dân tự giác xin thoát nghèo

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động đi trước một bước kết hợp sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong “xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại”, xóa đói, giảm nghèo ở khu dân cư, người dân xã Châu Kim ngày càng có ý thức tự giác, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Vào tháng 2 năm 2023, lần đầu tiên huyện Quế Phong tổ chức Hội nghị biểu dương các hộ gia đình có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo. Đáng chú ý là trong 34 hộ gia đình tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị này thì có tới 30 hộ đồng bào dân tộc Thái ở xã Châu Kim.

1-1(1).jpg
Gia đình ông Lương Văn Trường - Bản Cọ Muồng, xã Châu Kim thoát nghèo nhờ chăm chỉ lao động. Ảnh tư liệu: Hoàng Khánh Trình

Ông Lương Văn Trường (70 tuổi) ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim - người được vinh dự chọn phát biểu tham luận tại hội nghị chia sẻ: Lý do tôi viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo đơn giản là bởi trước đây gia đình tôi đã được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của địa phương đối với hộ nghèo, nay nhờ đầu tư trồng 7ha rừng, phát triển đàn trâu, bò, chăm chỉ làm ruộng... kinh tế đã ổn định hơn, nên gia đình tôi xác định phải tự lực cánh sinh, nhường lại cho người khác khó khăn hơn”.

fotojet(1).jpg
Người dân xã Châu Kim chú trọng chăn nuôi các loại con giống bản địa để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Ảnh: KL-QA

Theo chia sẻ của lãnh đạo xã Châu Kim đến cuối năm 2023, toàn xã có 40 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo với mong muốn thoát khỏi trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên. Điển hình như gia đình ông Vi Văn Tuyến (SN 1957) ở bản Khoẳng Đỗ, trước đây hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn và có con trai đầu đi xuất khẩu lao động nên ông đã chủ động làm đơn đề nghị xin thoát nghèo với lý do “nỗ lực phấn đấu vươn lên nên đã có khả năng thoát nghèo”.

Một số hộ gia đình xuất phát điểm khó khăn nhưng hiện nay đã vươn lên thành hộ khá, giàu. Điển hình như hộ ông Vi Kim Sinh tại bản Cọ Muồng với 3 ha cây ăn quả và cây lấy gỗ như lát, keo, quế; kết hợp 2 áo cá, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, mỗi năm cho thu nhập 90 triệu đồng. Mô hình vườn, ao, chuồng, rừng… của gia đình ông Kim Văn Dung ở bản Hữu Văn cho thu nhập bình quân mỗi năm 200-300 triệu đồng.

img_2807(1).jpg
Bên cạnh phát triển chăn nuôi, người dân bản Hữu Văn, xã Châu Kim chú trọng gìn giữ, bảo tồn nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Quỳnh An

Mừng nhất là một số cán bộ thôn, bản đã có sự đồng hành cùng người dân trong xoá đói giảm nghèo như bà Hà Thị Phương Lan - Trưởng ban công tác bản Cọ Muồng đã vận động được 10 hộ trong bản chuyển đổi trồng lạc, ngô trên đất ruộng bỏ hoang, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, năng suất 4 - 5 tạ/vụ và hiện đang trồng thử nghiệm nếp Chắm niểu cho kết quả khả quan.

Hay ông Lô Văn Sô - Bí thư Chi bộ bản Cọ Muồng là 1 trong 3 hộ tiên phong làm homstay để phát triển điểm du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng… góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

du-lich-co-muong-dinh-tuyen(1).png
Điểm du lịch sinh thái Cọ Muồng (xã Châu Kim). Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Dẫu còn khó khăn nhưng việc chủ động vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương hay tình nguyện viết đơn đề nghị ra khỏi diện hộ nghèo của người dân xã Châu Kim là bước thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

Chuyện phấn đấu thoát nghèo ở xã miền núi Châu Kim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO