Chuyện qua sông ở Lưu Tiến

24/08/2014 07:25

(Baognhean) - Chúng tôi về bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) vào một ngày đầu mùa mưa. Dòng Nậm Mộ ngày thường khá hiền hòa nay bắt đầu cuồn cuộn chảy. Từ Quốc lộ 7A, muốn sang Lưu Tiến chỉ có cách duy nhất là đi thuyền. Con thuyền ở Lưu Tiến cũng rất lạ, khác hẳn với con thuyền ở miền xuôi... 

(Baognhean) - Chúng tôi về bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) vào một ngày đầu mùa mưa. Dòng Nậm Mộ ngày thường khá hiền hòa nay bắt đầu cuồn cuộn chảy. Từ Quốc lộ 7A, muốn sang Lưu Tiến chỉ có cách duy nhất là đi thuyền. Con thuyền ở Lưu Tiến cũng rất lạ, khác hẳn với con thuyền ở miền xuôi...

Bản Lưu Tiến chỉ cách Quốc lộ 7A con sông Nậm Mộ, nhưng việc qua lại thật khó kể hết gian nan. Trước đây, khi chưa xảy ra trận lũ quét lịch sử vào năm 2011, cầu treo Khe Tang chưa bị cuốn trôi, việc đi lại dễ dàng, thuận lợi. Kể từ khi cầu bị cuốn trôi, bà con Lưu Tiến bắt đầu bước vào những ngày tháng vất vả, gian nan mỗi khi có việc phải rời bản. Phương tiện đi lại chủ yếu là chiếc thuyền gỗ kích (khoảng 8 người ngồi), được neo bằng sợi dây cáp mắc qua 2 bờ. Thuyền gắn với sợi dây cáp bằng chiếc ròng rọc và sợi dây thừng rất dài. Khác với loại thuyền thông thường được điều khiển bằng bai chèo, thuyền máy điều khiển bằng cần lái, còn chiếc thuyền ở Lưu Tiến được điều khiển bằng... dây thừng! Tốc độ nhanh hay chậm không phụ thuộc vào ý muốn của người điều khiển, mà phụ thuộc vào tốc độ của dòng sông. Nghĩa là con thuyền di chuyển nhờ vào lực của dòng nước, vai trò của người điều khiển là giữ thăng bằng, tránh nguy cơ nước tràn vào thuyền, không để thuyền bị lật.

Chiếc thuyền tròng trành giữa dòng Nậm Mộ.
Chiếc thuyền tròng trành giữa dòng Nậm Mộ.

Chúng tôi có việc cần sang Lưu Tiến, dù rất ái ngại, vẫn phải bước lên thuyền, không có cách nào khác. Thuyền ghé vào bờ, khách bước lên đã có cảm giác dập dềnh, chóng mặt. Khi qua luồng nước chảy mạnh, con thuyền bỗng dưng tròng trành, chao đảo, ai nấy đều không tránh khỏi cảm giác... thót tim. Nước sông dâng cao và chảy mạnh nên thuyền lướt rất nhanh, thoáng chốc đã sang đến bờ bên kia. Hành khách là dân bản địa đều tỏ ra bình thường, còn với những hành khách miền xuôi lên như chúng tôi, đều thở phào nhẹ nhõm.

Lưu Tiến nằm cách xa trung tâm xã, là nơi cư trú của gần 150 hộ đồng bào dân tộc Khơ mú. Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề phát nương làm rẫy và chăn nuôi gia súc, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều hộ vẫn lâm vào cảnh thiếu đói quanh năm. Những ngôi nhà ở Lưu Tiến vẫn còn thấp bé, đường vẫn còn lầy lội vào mùa mưa. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Cụt Văn Tiến cho biết: “Bản ta vẫn còn nhiều khó khăn lắm, nhất là việc đi lại. Những ngày nước to bản bị cô lập. Chưa có cầu, mùa lũ đi thuyền rất nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa đi bán cũng rất khó khăn, tốn kém. Lo nhất là các cháu học sinh THCS phải lên học ở trung tâm xã, mỗi tuần ít nhất qua sông 2 lần”. Theo thống kê sơ bộ, năm học mới này, bản Lưu Tiến có khoảng hơn 20 học sinh cấp THCS. Hầu hết các em đều ở lại trường, đầu tuần đi, cuối tuần về. Vì thế, việc đi lại của các em trong những ngày mưa lũ là hết sức nguy hiểm.

Đến Lưu Tiến, chúng tôi nhận ra một điều khá đặc biệt, đó là những cái nhà “kho” cất phương tiện xe máy và xe đạp. Cũng xuất phát từ việc đò giang cách trở, chiếc thuyền nhỏ kể trên chỉ có thể dùng để chở người, không thể chở được phương tiện nên bà con ở đây nghĩ ra cách làm nhà “kho”. Đó là những ngôi nhà nhỏ, lợp pờ-rô xi măng, thưng bằng ván, dựng gần bến đò, phía bên Quốc lộ 7A để cất xe đạp và xe máy. Khoảng 10 gia đình chung nhau một cái “kho” như vậy. Nghĩa là không thể đưa xe về nhà nên khi về đến bến đò, người dân Lưu Tiến mở khóa nhà “kho” để cất xe, khi cần lấy đi lại sang mở khóa. Điều đáng nói là xe để ở “kho”, cách khu dân cư khá xa, lại cách sông cách đò mà không lo bị mất trộm. Bởi lẽ, bà con nơi đây luôn có ý thức giúp nhau giữ gìn, bảo quản tài sản, thường xuyên có người thay nhau canh giữ. Thầy, cô giáo đến dạy ở điểm trường Lưu Tiến hoặc khách từ nơi khác đến đều để xe ở gần bến đò và luôn có người “để mắt” giúp.

Dẫn chúng tôi đến vị trí cầu treo đang thi công dang dở, Trưởng bản Tiến chia sẻ: “Cầu cũ bị lũ cuốn trôi, Nhà nước đầu tư làm cầu mới, bà con lúc đầu mừng lắm. Nhưng thi công hơn 2 năm rồi, vẫn chưa xong phần mố cầu, mà khá lâu rồi cũng không thấy nhà thầu thi công tiếp. Mong chiếc cầu này sớm hoàn thành, để người dân Lưu Tiến bớt đi những mối lo!”.

Bài, ảnh: Tường Anh

Chuyện qua sông ở Lưu Tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO