Chuyện 'săn pháo đài bay B-52' trên vùng trời Nghệ An
(Baonghean.vn) – Đại tá Vũ Đình Rạng được biết đến là phi công đầu tiên của Việt Nam bắn bị thương “Pháo đài bay B-52” của Mỹ. Chiến công ấy gắn với vùng đất và vùng trời Nghệ An.
Cách đây hơn 2 năm, trong lần vào sân bay Dừa, thuộc xã Tường Sơn (Anh Sơn – Nghệ An) thăm lại chiến trường xưa, Đại tá phi công Vũ Đình Rạng đã kể lại cho nhân dân nơi đây về cuộc đời binh nghiệp, đặc biệt là chiến công bắn bị thương và loại khỏi vòng chiến đấu “Pháo đài bay B-52” của Mỹ.
Ông sinh năm 1945 ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải (Thái Bình), sớm gia nhập quân ngũ, năm 18 đã là phi công thuộc Lữ đoàn dù 305. Năm 1965, Vũ Đình Rạng được tuyển chọn sang Liên Xô học lái máy bay MiG-21. Ba năm sau, tốt nghiệp khóa học bay, ông cùng với 60 phi công trong lớp học được điều về sân bay Nội Bài, biên chế vào đại đội chiến đấu chuyên luyện tập đánh ban ngày.
Đại tá, phi công Vũ Đình Rạng (giữa) thăm hang cất giấu máy bay chiến đấu tại sân bay Dừa, xã Tường Sơn (Anh Sơn - Nghệ An). Ảnh: Công Kiên |
Tháng 7/1969, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô, Vũ Đình Rạng và 12 phi công khác bắt đầu tổ chức tập bay đêm. Việc bay đêm thực sự rất khó khăn, bởi phi công không thể dùng mắt thường để quan sát, hoàn toàn phụ thuộc vào sở chỉ huy mặt đất. Hơn nữa, việc cất cánh và hạ cánh trên sân bay dã chiến thường gồ ghề, đường băng hẹp, ngắn, không có điện chiếu sáng nên khó khăn càng tăng cao.
Thời điểm này Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 trút bom xuống những trọng điểm giao thông trên tuyến đường Trường Sơn với độ nên độ chính xác cao, gây cho ta nhiều tổn thất. Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân quyết tâm dùng tiêm kích MiG-21 để hạ B-52.
Phi công Vũ Đình Rạng - người đầu tiên loại máy bay B-52 ra khỏi vòng chiến đấu kể lại trận xuất kích tại sân bay Dừa đêm 20/11/1971. Ảnh: Công Kiên |
Tốp bay đêm 13 người, trong đó có phi công Vũ Đình Rạng được điều vào Khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52, trực tiếp quan sát đội hình máy bay địch bay ở độ cao 10 km bằng ống nhòm để lên phương án tác chiến.
“Đêm 20/11/1971 có lệnh báo động máy bay B-52 xâm phạm vùng trời Khu 4, kíp máy bay chiến đấu ở sân bay Dừa được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Chiếc MiG-21 xuất kích đầu tiên do anh Hoàng Biểu điều khiển bị ra-đa địch phát hiện nên tốp B-52 đã quay trở lại Thái Lan” – phi công Vũ Đình Rạng nhớ lại.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trong một chuyến bay đêm. Ảnh tư liệu |
Ông kể tiếp: “Khoảng 15 phút sau, kíp trực chiến lại nhận được tin báo B-52 xuất hiện từ hướng Thái Lan bay sang. Lần này, tôi được lệnh xuất kích. Theo chiến thuật đã được huấn luyện, tôi điều khiển chiếc MiG-21 bay rất thấp, men theo dãy Đại Huệ với vận tốc nhỏ, đề phòng chệch hướng ra biển. Đến vùng trời Quảng Bình, nhận được lệnh của sở chỉ huy mặt đất là vứt thùng dầu phụ và tăng tốc lên cao”.
Vũ Đình Rạng bay về hướng có B-52 và bật ra- đa, phát hiện mục tiêu cách khoảng 6km. Với khoảng cách này, việc sử dụng tên lửa không đối không sẽ không hiệu quả nên ông quyết định tiếp tục tiến sát mục tiêu. Bị địch phát hiện nhưng ông vẫn bình tĩnh, điều khiển chiếc MiG-21 bám sát B-52, khi khoảng cách chỉ còn 2km, ông nhấn nút phóng tên lửa.
Các em thiếu nhi xã Tường Sơn (Anh Sơn) tặng hoa Đại tá Vũ Đình Rạng (ngoài cùng, bên phải) và các phi công từng chiến đấu tại sân bay Dừa trong dịp thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Công Kiên |
Tên lửa rời bệ phóng, bay thẳng vào mục tiêu và phát nổ. Vũ Đình Rạng lập tức tăng tốc, thoát ly lên cao và trở về hạ cánh tại sân bay Dừa trong niềm hân hoan, vui mừng của đồng chí, đồng đội.
Về sau, theo tài liệu của Không quân Mỹ, chiếc B-52 trúng tên lửa của Vũ Đình Rạng bị hỏng 1 động cơ vẫn “lết” về được Thái Lan nhưng không thể sửa chữa và bị loại khỏi cuộc chiến. Vì thế, Không quân Mỹ vẫn xem ông là người đầu tiên bắn hạ B-52.
“Là phi công chiến đấu với hàng nghìn lần cất cánh và hạ cánh, hàng trăm lần xuất kích, gắn bó với hàng chục sân bay nhưng tôi không thể quên trận xuất kích đêm 20/11/1971 ở sân bay Dừa. Với tôi, vùng trời Nghệ An luôn là những kỷ niệm đẹp” – Đại tá Vũ Đình Rạng chia sẻ.
Công Kiên