Chuyện thầy nội và trò giỏi thi đấu nước ngoài

Bùi Hoa 23/09/2022 10:56

(Baonghean.vn) - Hiện nay, với sự khẳng định chất lượng đào tạo trẻ của hàng loạt lò đào tạo như Hà Nội FC, Viettel, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (PVF), Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Học viện NutiFood… chất lượng cầu thủ trẻ đã nâng lên một bước mới, đứng đầu khu vực và tiệm cận với trình độ châu lục. Chất lượng V-League cũng từng bước được khẳng định. Nhưng vẫn còn 2 vấn đề chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đó là từng bước nâng tầm bóng đá Việt là đưa cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu và nâng cấp chất lượng đội ngũ huấn luyện viên nội.

Câu chuyện mới nhất minh chứng cho điều này là quá trình sang Pháp thi đấu ở giải hạng 2 nhưng vô cùng trầy trật của ngôi sao Quang Hải. Vẫn còn sớm để nói Quang Hải thất bại hay thành công nhưng có vẻ như sau những kinh nghiệm để đời của Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu… bóng đá Việt chưa thực sự có được cầu thủ nào đủ sức chơi bóng ở các giải bóng đá tiên tiến ở châu lục trở lên. So với các ngôi sao khu vực như Chanathip của Thái Lan thi đấu ở J-League hay Asnawi của Indonesia thi đấu ở K-League, các ngôi sao bóng đá Việt vẫn loay hoay với việc hòa nhập hay không với các nền bóng đá ngoài V-League. Và nếu so với Nhật Bản hay Hàn Quốc thì chúng ta vẫn cách một quãng đường vời vợi về câu chuyện vô cùng quan trọng và cấp thiết này.

Quang Hải đang gặp khó khăn trong màu áo của Pau FC. Ảnh: Bongdaplus.vn

Cũng chuyện mới nhất về huấn luyện viên liên quan đến vòng loại U20 châu Á 2022 vừa diễn ra ở Indonesia. Tại đó, 2 kỳ phùng địch thủ khu vực là U20 Indonesia với lợi thế sân nhà, lại được huấn luyện viên Shin Tae-yong vốn là huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Indonesia dẫn dắt, đối đầu với U20 Việt Nam do huấn luyện viên nội Đinh Thế Nam dẫn dắt. Kết quả ra sao mọi người đã biết. Và ai ai cũng biết vấn đề được nói ra ngay lập tức là tại sao U20 Việt Nam không được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên ngoại, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang có trong tay các ông thầy tầm cỡ như Park Hang-seo, Gong Oh-kyun, để rồi phải chịu thất bại vô cùng đáng tiếc?

Tất nhiên, đã đi thi đấu khu vực hay châu lục, không ai muốn… thua cả. U20 Việt Nam nếu thua thì có thể mất vé dự vòng chung kết U20 châu Á, một sân chơi hứa hẹn nhiều điều, nơi “sản sinh ra” những lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt hiện tại như Quang Hải, Hoàng Đức… Thực tế U20 Việt Nam đã vươn lên dẫn trước nhưng vẫn thua ngược ở 10 phút cuối trận vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là do huấn luyện viên trưởng thiếu linh hoạt, biến hóa và không đọc trận đấu tốt nhất có thể.

Nhưng ở đây là câu chuyện dài hơi, là chấp nhận thất bại tạm thời để tiến xa hơn, vững bền hơn. Đúng là bóng đá Việt cần có Park Hang-seo, cần Gong Oh-kun cũng như nhiều huấn luyện viên ngoại trước đó để từng bước nâng tầm cả nền bóng đá. Nhưng hơn bao giờ hết, bóng đá Việt cần những huấn luyện viên nội như Mai Đức Chung-bóng đá nữ, Phạm Minh Giang-futsal, cần Hoàng Anh Tuấn, Vũ Hồng Việt, Đinh Thế Nam, Đinh Văn Dũng…-bóng đá trẻ.

Họ là những ông thầy lăn lộn với phong trào, với học trò từ những ngày thơ bé, am hiểu cả quá trình rèn luyện của học trò nên có lợi thế riêng. Hơn nữa, một giải bóng đá trẻ mà đặt nặng thành tích, ăn thua cay cú, thi đấu với toan tính của người lớn không hẳn đã là điều nên làm với bất cứ nền bóng đá nào. Người Indonesia 5 năm nay không vượt qua được Việt Nam nên có lý khi họ dốc toàn lực cho một trận thắng. Còn chúng ta, thắng hay thua thì cũng phải nhìn xa trông rộng cho cả quá trình đi lên vững chắc, cậy thầy ngoại nhưng phải lo chất lượng thầy nội, không quá phụ thuộc và cũng không quá tự lực một cách vô vọng.

U 20 Việt Nam thua trận gặp U20 Indonesia. Ảnh: VFF

Và dù thua trận quyết định để giành ngôi đầu bảng nhưng U20 Việt Nam vẫn đạt được kết quả mong đợi lọt vào vòng chung kết U20 châu Á nhờ vị trí thứ nhì có kết quả tốt nhất. Cái chính là từ đây, cơ hội cho Xuân Tiến, Văn Khang… sẽ vô cùng rộng rãi khi được đối đầu với các đối thủ cùng trang lứa ở tầm châu lục như các đàn anh nòng cốt đội tuyển hiện nay từng có được. Đó mới thực sự là điều quan trọng không chỉ cho các học trò mà cả ban huấn luyện khi trải qua những trận đấu đỉnh cao, thu được nhiều bài học bổ ích trong sự nghiệp cầm quân vô cùng khó nhọc và hấp dẫn.

Để thấy quá trình nâng tầm bóng đá Việt sẽ không dễ dàng, có việc làm tốt ngay nhưng cũng có nhiều việc phải trải qua thất bại mới hy vọng thành công về sau. Ngay cả tầm ngôi sao như Quang Hải, Công Phượng mà cũng không hề dễ dàng khi ra nước ngoài thi đấu thì các cầu thủ khác chỉ có một công việc duy nhất là hãy cố gắng thi đấu tốt nhất có thể ở V-League, từ đó mới có hy vọng về một điều mới mẻ nào đó khi cơ hội mở ra...

Mới nhất

x
Chuyện thầy nội và trò giỏi thi đấu nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO