Chuyến thị sát nhằm gửi thông điệp đến Mỹ của Tập Cận Bình
Ông Tập nhấn mạnh thông điệp "tự lực" khi đi thị sát, kêu gọi tăng sản phẩm trong nước để tránh phụ thuộc vào nước ngoài.
Sự tương đồng giữa ảnh ông Tập đi thị sát ở đông bắc Trung Quốc vào tháng này và áp phích tuyên truyền vẽ hình Mao Trạch Đông cùng nông dân những năm 1950. Ảnh: Xinhua/UIG. |
Trong khi Trump công kích Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở New York trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thị sát ba ngày về miền đông bắc của đất nước.
Một bức ảnh trong chuyến đi thăm trang trại ở tỉnh Hắc Long Giang cho thấy ông Tập đang bước về phía trước trong khi các nông dân đứng xung quanh tươi cười nhìn ông, phía đằng sau là nền trời xanh. Hình ảnh này gây liên tưởng đến áp phích tuyên truyền vẽ cựu chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và nông dân vào những năm 1950.
Mao Trạch Đông là bậc thầy về tuyên truyền ở các vùng nông thôn. Ông đã sử dụng các hình ảnh và bài hát để làm nổi bật mối quan tâm của mình đối với người lao động, theo NYTimes.
Pang Laikwan, giáo sư tại Đại học Trung Văn Hong Kong, cho rằng Tập Cận Bình đã học hỏi cách thu hút dân túy từ Mao Trạch Đông. "Ông Mao có sự quan tâm chân thành trong việc giao tiếp với những người dân bình thường. Điều đó một phần tạo nên sức lôi cuốn cho ông ấy", bà nói.
David Bandurski, đồng giám đốc của Dự án Truyền thông Trung Quốc, chương trình nghiên cứu liên kết với Đại học Hong Kong, chỉ ra rằng ông Tập đã thêm những nét hiện đại cho hình ảnh nông thôn, với một loạt các máy gặt đập liên hợp ở hậu cảnh bức ảnh nhằm thể hiện những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm, ông Tập trò chuyện với một công nhân nhà máy sản xuất thiết bị ở Tề Tề Cáp Nhĩ. "Những nguyên liệu thô này có được sản xuất trong nước không?", ông hỏi. "Vâng, tất cả chúng đều là hàng nội địa", công nhân trả lời.
Ông Tập đã sử dụng chuyến thị sát để nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc tiến nhanh hơn trong việc xây dựng các công nghệ riêng nhằm ít phụ thuộc vào Mỹ.
Khi căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng và đe dọa chuỗi cung ứng, ông Tập thường xuyên thúc giục Trung Quốc tự phát triển vi mạch, phần mềm và các công nghệ khác - một phần trong chiến lược trở thành siêu cường hàng đầu thế kỷ 21.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh việc "tự lực cánh sinh". Ông cầm một cái bát ăn cơm lên và nói: "Gạo Trung Quốc, bát Trung Quốc".
"Sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh kinh tế của chúng ta", ông Tập nói, sử dụng cụm từ mà nước này hay dùng để mô tả sự trỗi dậy của Trung Quốc. "Chỉ khi đó Trung Quốc mới có thể mãi bất khả chiến bại".
Cây bút Glenda Korporaal nhận xét trên Australian rằng chuyến thị sát của ông Tập được thiết kế để cho thấy "một lãnh đạo bình tĩnh và rất quan tâm đến dân thường vào thời điểm nước này đang hứng chịu một loạt đòn tấn công từ Mỹ".
Mỹ tuần này leo thang chiến tranh thương mại bằng cách áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Trước đó, hai nước đã áp thuế 50 tỷ USD với nước đối phương. Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ, hạn chế công ty Mỹ tiếp cận thị trường, trợ cấp không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước. Mỹ muốn gây sức ép để Bắc Kinh thay đổi.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn từ chối nhượng bộ, dù họ đang cạn kiệt phương án đáp trả, vì lượng hàng họ nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều so với lượng hàng họ xuất khẩu sang.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Trump còn cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 với ý định làm đảng Cộng hòa của ông thất thế.
Trump còn nói rằng tình bạn của ông với Tập Cận Bình có thể chấm dứt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đại diện nước này tại cuộc họp ở LHQ, đã bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử.
"Khi Trung Quốc bước vào Tuần lễ Vàng (kỳ nghỉ một tuần nhân dịp Quốc khánh) vào tuần tới, họ có thể hy vọng Washington sẽ giảm công kích chính trị. Tuy nhiên, vì mối quan hệ hai bên ngày càng tồi tệ, cả hai giờ đang bị cuốn vào một cuộc chiến kéo dài", Korporaal viết.