Chuyện thoát nghèo ở “thủ phủ Quế”
(Baonghean.vn) - Xã Quế Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) là một xã mới thành lập hơn 7 năm nay. Thời kỳ đầu mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 65%, nhưng nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm chưa đầy 35%. Tốc độ giảm nghèo ấn tượng ở “thủ phủ Quế” khiến nhiều người khâm phục .
(Baonghean.vn) - Xã Quế Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) là một xã mới thành lập hơn 7 năm nay. Thời kỳ đầu mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 65%, nhưng nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm chưa đầy 35%. Tốc độ giảm nghèo ấn tượng ở “thủ phủ Quế” khiến nhiều người khâm phục .
Chị Phan Thị Cảnh, xóm Hải Lâm 2, xã Quế Sơn lập gia đình từ năm 2005 – cùng thời điểm thành lập xã Quế Sơn dựa trên cơ sở tách ra từ xã Mường Noọc. Lúc bấy giờ, như đa phần người dân trong xã, vợ chồng chị thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chật vật khó khăn, thiếu thốn đủ bề. “Lập gia đình xong, vợ chồng tui không có tài sản gì trong tay, lại không nghề nghiệp, chỉ có mảnh vườn của ba mẹ cho làm vốn, khó khăn đủ bề”, chị Cảnh nhớ lại.
Tưởng rằng cuộc sống của gia đình sẽ cứ mãi luẩn quẩn với nghèo đói thì cơ hội đến với gia đình Cảnh khi Hội phụ nữ xã đứng ra bảo lãnh cho gia đình chị vay tín chấp số vốn 5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quế Phong. Vay được đồng vốn và tận dụng mặt bằng có sẵn, chị Cảnh cùng chồng là anh Hồ Văn Khương đầu tư chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Làm ăn có hiệu quả, năm 2008, gia đình chị lại tiếp tục vay NHCSXH thêm 15 triệu để đầu tư mở rộng sản xuất theo mô hình chăn nuôi tổng hợp theo mô hình VAC. Hiện nay, gia đình anh chị đã có trong tay 16 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 1 mẫu ao nuôi cá, 200 vịt. Trừ chi phí, gia đình có thu nhập 80 triệu đồng/năm. “Nhờ có số vốn ban đầu mà gia đình có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo, có điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn”, anh Khương phấn khởi cho biết.
Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế mà gia đình anh Hồ Văn Khương đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Tháng 11/2011, gia đình anh Khương và 9 hộ khác cùng xóm Hải Lâm 2 đã góp mỗi hộ 100 triệu đồng thành lập HTX chuyên cây, con Quế Sơn để hỗ trợ nhau cùng phát triển, biến Hải Lâm 2 thành vùng sản xuất hàng hóa sạch cung cấp cho thị trường huyện và tỉnh. Anh Khương được bầu làm Chủ nhiệm HTX nhiệm kỳ đầu tiên này. “Các hộ gia đình tham gia HTX đều có mô hình làm ăn tương tự nhau. Vì vậy nếu ở trong cùng một HTX, chúng tôi sẽ có điều kiện trao đổi kỹ thuật, giống, giá đầu vào, đầu ra để khỏi bị ép giá…Từ đó, giúp cho kinh tế của mỗi gia đình phát triển để không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”, Chủ nhiệm HTX chia sẻ.
Cũng tại xã Quế Sơn, chúng tôi còn được nghe kể về nhiều hộ gia đình thoát nghèo đáng khâm phục. Gia đình bà Ngân Thị Minh (52 tuổi), dân tộc Thái, chồng là thương binh hạng 2/4, từng là một hộ nghèo đã thoát nghèo từ vốn vay của NHCSXH. Từ 15 triệu đồng, gia đình bà mua được trâu phục vụ sản xuất, trồng 60 ha keo. Giờ đây, gia đình đã có nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ.
Giúp nhân dân tiếp cận với nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là cách làm mà Quế Sơn đang thực hiện để giúp dân xóa đói giảm nghèo. Ông Trần Văn Đức – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên thành lập các “Tổ vay vốn và tiết kiệm”. Người dân tham gia các tổ chức hội cơ sở này sẽ được bảo lãnh vay vốn từ NHCSXH theo hình thức tín chấp để phát triển kinh tế”. Thực hiện theo hướng này, đến nay cả xã Quế Sơn có hơn 700/838 hộ được vay vốn từ NHCSXH thông qua các tổ chức đoàn thể cơ sở. Các tổ chức hội sẽ tổ chức các mô hình chăn nuôi, trồng trọt điểm rồi hướng dẫn bà con làm theo. Chị Võ Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Thông qua hội phụ nữ đã có 300 chị em được vay vốn và nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ đồng vốn này”.
Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của nhiều hộ gia đình Quế Sơn
Đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, Trần Văn Đức phấn khởi: “Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật, nuôi với sự trợ lực của nguồn vốn tín dụng dành cho người nghèo từ NHCSXH thực sự đã đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của xã. Năm 2011, xã giảm tỷ lệ hộ nghèo được 12%”.
Quế Sơn vẫn là một xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm gần 35% dân số. Nhưng tin rằng, với hướng đi đúng đắn cũng với sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú, Quế Sơn sẽ vượt qua khó khăn, thoát nghèo nhanh và bền vững, trở thành một xã khá của Quế Phong./.
Nguyễn Thành Duy