Chuyện tích điện, trữ nước trên quần đảo Trường Sa

Quang An 22/02/2023 12:58

(Baonghean.vn) - Việc đảm bảo nguồn điện và nước ngọt để phục vụ rèn luyện, sinh hoạt trên quần đảo Trường Sa luôn được ưu tiên hàng đầu. Quân và dân trên các đảo luôn ý thức được tầm quan trọng của các yếu tố này, do đó thường xuyên sử dụng tiết kiệm, đảm bảo nguồn điện, nước luôn duy trì ổn định.

Phủ nguồn năng lượng sạch

Con tàu 490 cập bến đảo Song Tử Tây - hòn đảo nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa vào thời điểm trời nhá nhem tối. Đặt chân lên đảo, ấn tượng với chúng tôi không chỉ là khung cảnh yên bình, không khí mát lành mà đó là những ánh đèn được thắp sáng lên trên các nẻo đường. Những công trình, nhà dân, ngọn hải đăng… rực sáng trong đêm, mọi sinh hoạt tại hòn đảo cũng nhiều nét tương đồng như trên đất liền khi có ánh điện.

Con tàu tiến về đảo Song Tử Tây. Ảnh: Quang An

Cách xa hàng trăm hải lý, việc đưa điện lưới quốc gia ra đến quần đảo Trường Sa là điều dường như không thể. Do đó, nguồn điện phục vụ rèn luyện, sinh hoạt tại đảo chủ yếu là nguồn năng lượng sạch. Đi trên các con đường của đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông… không khó để bắt gặp những chiếc quạt gió cao hàng chục mét quay liên hồi; trên các công trình, mái nhà của người dân, từng tấm pin mặt trời được phủ kín... Đây là hai thiết bị thu năng lượng sạch tự nhiên là gió và mặt trời để tạo ra điện - nguồn năng lượng đặc biệt quý giá trên quần đảo Trường Sa.

Nguồn điện giúp đảo Song Tử Tây sáng lên trong đêm. Ảnh: Quang An

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây cho biết: Trước đây cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ và người dân rất khó khăn. Khi chưa có hệ thống điện gió và điện mặt trời, nguồn điện trên đảo chỉ có cách là chạy máy phát điện bằng dầu, nguồn điện tạo ra thấp và không ổn định, đôi khi chỉ phát điện được 2 - 3 giờ, phải tiếp nhiên liệu liên tục. Ngày đó điện phải ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, liên lạc… Từ khi có các nguồn năng lượng sạch, nguồn điện trên đảo đã được duy trì ổn định hơn, đời sống của quân và dân trên đảo được cải thiện rõ rệt.

Hàng cây quạt gió trải dài trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quang An

Ra đảo hơn 4 năm nay, gia đình anh Ngọc Đức Phương cũng như nhiều hộ dân khác trên đảo Sinh Tồn đã tự mua sắm, trang bị cho gia đình mình nhiều thiết bị cần thiết phục cho sinh hoạt hàng ngày như ti vi, tủ lạnh, quạt… Anh Phương chia sẻ: “Trước đây, khi nguồn điện chập chờn, các thiết bị liên tục bị gián đoạn khi sử dụng, gia đình phải tranh thủ những giờ có điện để ưu tiên cho việc thắp sáng, nấu nướng, sạc điện thoại để tiện liên lạc. Từ khi hệ thống điện đã được nâng cấp, gia đình đã có thêm điện để có thể xem ti vi, dùng quạt điện, tủ lạnh…”.

Tại quần đảo Trường Sa, nguồn điện được xem là năng lượng quý giá nhất. Ngoài việc thắp sáng vào ban đêm thì nguồn điện đã giúp cho các cán bộ, chiến sĩ được xem truyền hình, tiếp cận với các thông tin, kiến thức về thời sự, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, xoá đi khoảng cách giữa đất liền và hải đảo. Ngoài ra, do quanh năm bao phủ bởi nắng gió nên việc bảo quản lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Từ khi nguồn điện được ổn định, quân và dân trên quần đảo đều đã trang bị được tủ lạnh, tủ cấp đông để đảm bảo lương thực trong thời gian dài.

Pin năng lượng mặt trời được lắp đặt nhiều trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quang An

Thực tế cho thấy tại quần đảo Trường Sa, việc phát triển năng lượng sạch rất có tiềm năng khi có số giờ nắng nhiều, sức gió mạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nước biển và hơi mặn từ biển, nên các quạt gió hay tấm pin năng lượng mặt trời sẽ bị hao mòn theo thời gian, do đó cần phải có yêu cầu cao trong việc quản lý cũng như bảo dưỡng. Các chiến sĩ vận hành luôn phải tìm tòi và học tập bổ sung kiến thức, để các thiết bị luôn hoạt động trơn tru, an toàn, hiệu quả. Hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều cử các cán bộ, nhân viên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị phát điện đã hư hỏng trên đảo.

Trung tá Trần Danh Hoàng - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: Nguồn điện ở Trường Sa đặc biệt quan trọng nên quân và dân trên đảo luôn ý thức được việc tiết kiệm điện, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Đảo đã quán triệt rõ đối với các cán bộ, chiến sĩ không sử dụng điện lãng phí, làm ảnh hưởng đến nguồn điện trên đảo; thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như lắp đặt các thiết bị chiếu sáng đóng ngắt tự động, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời để chiếu sáng, tự giác tắt các thiết bị điện khi không sử dụng… Nhờ đó, nguồn điện trên đảo đã được duy trì ổn định.

Tiết kiệm từng giọt nước

Nếu như nguồn điện được xem là yếu tố quyết định mọi hoạt động rèn luyện, sinh hoạt trên đảo thì nước ngọt cũng được ví như mạch nguồn sự sống. Giữa trùng khơi quanh năm bao phủ bởi nước biển mặn chát, những giọt nước ngọt luôn được quân và dân trên đảo nâng niu, trân quý.

Bể dự trữ nước ngọt tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: Quang An

Theo tìm hiểu, nguồn nước trên các đảo tại Trường Sa được cung cấp bởi 3 nguồn chính, bao gồm nước mưa, nước giếng và máy lọc từ nước mặn thành nước ngọt nhưng mỗi nguồn nước này lại có những khó khăn nhất định.

Nước mưa là nguồn nước được sử dụng nhiều nhất tại Trường Sa. Ở đảo nào cũng xây dựng các bể nước có dung tích hàng trăm mét khối, ngoài ra, tại các hộ dân đều có các bồn chứa, bể chứa nước. Mặc dù vậy, nước ngọt chỉ thực sự đủ khi vào bước vào mùa mưa, đối với mùa khô, nắng nóng liên tục, nguồn nước vẫn chưa thể đảm bảo.

Chiến sĩ trên đảo tích trữ nước ngọt. Ảnh: Quang An

Đối với nguồn nước giếng, tại các đảo như Song Tử Tây, Sinh Tồn đều đã có giếng nước lợ được khoan hàng chục năm trước, nhưng nước ở đây vẫn còn độ mặn nhất định, không thể mang đi tưới cây hay tăng gia sản xuất. Nếu tắm rửa, giặt giũ bằng nguồn nước này cũng phải tráng qua thêm 1 lần nước ngọt nếu không quần áo, đồ dùng sẽ bị gỉ sét, bạc màu.

Trong những năm trở lại đây, tại các đảo trên quần đảo Trường Sa đều đã được trang bị hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, việc thiếu nước ngọt tại các đảo đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, dù có máy nhưng lượng nước có thể lọc liên tục không thể dồi dào như trên đất liền, chưa kể đến việc máy móc vẫn thường xuyên bị gỉ sét do bị muối biển ăn mòn, việc lọc nước cũng tuỳ thuộc vào nguồn điện, nhiên liệu…

Các hộ dân đều có các bồn chứa nước ngọt. Ảnh: Quang An

Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên phó Đảo Song Tử Tây cho biết: Mặc dù nguồn nước ngọt hiện đã được cải thiện hơn so với trước đây nhưng vẫn phải tiết kiệm. Sau khi tắm rửa, nước ngọt được hứng lại, tận dụng để tưới cây, rau xanh, tăng gia sản xuất. Đảo cũng trồng thêm nhiều cây xanh, tạo mái che để hạn chế tối đa việc nước ngọt bị bay hơi trong những ngày nắng gắt.

Các chiến sĩ trên đảo tăng gia sản xuất. Ảnh: Quang An

Những năm gần đây, từ khi chủ động được nguồn năng lượng sạch, nước ngọt, cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã được cải thiện rõ rệt. Đảo được thắp sáng mỗi đêm, cán bộ, chiến sĩ được xem ti vi, được nghe đài đều đặn. Sinh hoạt của người dân và hoạt động khám chữa bệnh, dạy học, liên lạc về đất liền ở trên đảo cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên các đảo cũng không ngừng được nâng cao, tiếp thêm ý chí, nghị lực để yên tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

Mới nhất
x
Chuyện tích điện, trữ nước trên quần đảo Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO