Chuyện về 'Bảo đen' đô vật
Với hàng chục Huy chương Vàng giành được, vận động viên Nguyễn Kim Bảo được xem là một “tượng đài” của làng vật dân tộc. Dù đã ở gần giai đoạn cuối của sự nghiệp nhưng vận động viên này vẫn đang được đầu tư trọng điểm để giành được những thành tích nổi bật cho thể thao Nghệ An trong thời gian tới.
Cậu bé yêu hội vật quê hương
Sinh năm 1997, là con trai út trong gia đình chỉ có 2 chị em tại xóm 4, xã Nam Anh (Nam Đàn), từ khi còn là cậu học sinh tiểu học, Nguyễn Kim Bảo đã sớm hứng thú với môn vật qua những lần đi xem Lễ hội Đền Vua Mai.
Đây là một thể thao truyền thống nổi tiếng của huyện Nam Đàn, thường xuyên được đưa vào thi đấu tại lễ hội này vào đầu tháng Giêng hằng năm. Hình ảnh những đô vật cởi trần, đóng khố, bắp thịt nở nang, rắn chắc quần nhau trên sới vật, xung quanh là hàng ngàn người quây tròn reo hò cổ vũ đã ăn sâu vào tâm thức của cậu bé học sinh trường làng ngày đó. Và Bảo luôn mơ ước được một ngày trở thành một trong những đô vật lực lưỡng so tài tại hội vật trên quê hương Nam Đàn.
Say mê “học lỏm” những động tác, những miếng đánh qua mỗi lần đi xem hội vật, tích cực rèn luyện thể lực, đến đầu năm 2011, chưa đầy 14 tuổi, Nguyễn Kim Bảo đã được thỏa nguyện ước mơ khi được chọn vào đội tuyển vật của xã Nam Anh thi đấu tại Lễ hội Đền Vua Mai. Dù không giành được thành tích do phải đối đầu với những đô vật nhiều tuổi hơn, giàu kinh nghiệm hơn nhưng với thể hình rắn chắc cùng sự quyết tâm cao độ trong thi đấu, Nguyễn Kim Bảo đã lọt vào “mắt xanh” của anh Đặng Xuân Nghĩa - huấn luyện viên bộ môn vật thuộc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện TDTT Nghệ An (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An).
Sau một số bài kiểm tra, tháng 3/2011, Bảo được tuyển chọn vào trung tâm, chính thức trở thành vận động viên tuyến trẻ của bộ môn vật.
Làn da đen nhẻm, ngay từ khi vào trung tâm, Nguyễn Kim Bảo được đặc biệt danh là “Bảo đen”. Bảo cho biết, so với các vận động viên cùng lứa lúc đó, anh được tuyển chọn muộn hơn từ 2-3 năm nên cũng gặp nhiều khó khăn hơn, từ môi trường tập luyện, sinh hoạt hoàn toàn mới và đặc biệt là quy trình đào tạo vận động viên chuyên nghiệp đòi hỏi rất cao và khắc nghiệt. Với bộ môn đối kháng trực tiếp này, những người mới tập sẽ phải trải qua chấn thương liên tục, hai tai sẽ bị đau thường xuyên, bị va chạm tì đầu, tay, sụn tai. Tuy nhiên, với niềm say mê thể thao, thái độ cầu thị, Nguyễn Kim Bảo đã nỗ lực và tiến bộ dần qua từng ngày tập luyện và lần lượt vượt qua các đợt sàng lọc khắt khe ở tuyến trẻ.
Tháng 6/2011, Nguyễn Kim Bảo được tham gia giải đấu đầu tiên là Giải Vô địch thiếu niên vật tự do và vật cổ điển toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa. Dù không giành được huy chương nhưng qua giải đấu này, Bảo đã có được sự tự tin để chinh phục những giải đấu tiếp theo. Một năm sau, tại Giải Vật dân tộc trẻ và thiếu niên toàn quốc lần thứ XIV được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Kim Bảo đã giành được Huy chương Vàng ở lứa tuổi thiếu niên - khởi đầu tốt đẹp cho một chuỗi thành tích ấn tượng sau này.
“Tượng đài” làng vật dân tộc
Những năm đầu trong sự nghiệp, Nguyễn Kim Bảo thi đấu ở cả 2 nội dung là vật dân tộc và vật tự do. Từ năm 2012 - 2014, ngoài các tấm Huy chương Vàng giành được ở nội dung vật dân tộc, Bảo giành được Huy chương Vàng ở nội dung vật tự do vào các năm 2013, 2014.
Đến năm 2015, Nguyễn Kim Bảo chỉ tập trung thi đấu ở nội dung vật dân tộc và từ năm 2016 đến nay, hầu như năm nào vận động viên người Nam Đàn này cũng giành được Huy chương Vàng ở 2 giải đấu quan trọng nhất của nội dung vật dân tộc là Giải Vô địch vật dân tộc quốc gia và Giải Vô địch anh tài vật dân tộc quốc gia. Trong đó, theo Bảo, tấm Huy chương Vàng mà anh cảm thấy ấn tượng nhất tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, khi vượt qua một đối thủ rất mạnh ở trận chung kết là vận động viên Phạm Như Kiên của đoàn quân đội.
Được xem là một trong những “tượng đài” trong làng vật dân tộc nhưng Nguyễn Kim Bảo mới chỉ một lần duy nhất được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia vào năm 2014 và cũng chưa từng thi đấu ở các quốc tế. Đơn giản là phần lớn thời gian sự nghiệp của vận động viên này là dành cho vật dân tộc, trong khi nội dung này không có các giải đấu quốc tế. Hiện nay, trong bộ môn vật - jujitsu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An, cũng chỉ có Nguyễn Kim Bảo cùng với các vận động viên Nguyễn Bá Lực, Nguyễn Văn Sơn… là tập trung hẳn vào vật dân tộc, còn lại đều thi đấu cả vật tự do và jujitsu.
Trong hơn 13 năm gắn bó với môn vật, Nguyễn Kim Bảo đã gặp rất nhiều những chấn thương lớn nhỏ. Trong đó, nặng nhất là bị đứt dây chằng chân phải vào năm 2020 khiến anh không thể tham gia bất cứ giải đấu nào trong năm. Năm 2024 này, Nguyễn Kim Bảo bị chấn lưng hành hạ nhưng vẫn kịp giành được 1 tấm Huy chương Vàng tại Giải Vật dân tộc Hà Nội tranh cúp Phùng Hưng.
Năm 2020, Nguyễn Kim Bảo lập gia đình với một cô gái người Hưng Nguyên. Hiện 2 vợ chồng đang quản lý một Trung tâm tiếng Anh tại xã Nam Anh.
Em luôn tự hào vì sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Nam Đàn có truyền thống vật dân tộc, nơi đã hun đúc cho em niềm tin yêu vào môn vật; tự hào vì đã mang về được những tấm Huy chương Vàng cho thể thao thành tích cao Nghệ An. Thời gian để em gắn bó với sự nghiệp thể thao không còn nhiều nên ngoài việc nỗ lực tập luyện để tiếp tục chinh phục những giải đấu mới, em sẽ nỗ lực truyền lại kinh nghiệm của mình cho các em để các em có thể tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước.
Vận động viên Nguyễn Kim Bảo
Nhận xét về học trò, huấn luyện viên Đặng Xuân Nghĩa - Trưởng bộ môn vật - jujitsu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An cho biết: “Dù là một trong những vận động viên nhiều tuổi nhất của bộ môn, nhưng nhiều năm qua, Nguyễn Kim Bảo luôn thể hiện sự điềm đạm, cần cù, chịu khó học hỏi. Sau khi lấy vợ, nhà cách trung tâm 20km và ngày nào cũng đi đi về về nhưng Bảo chưa bao giờ trễ giờ tập. Trong các giờ tập, Bảo luôn thể hiện sự nhiệt tình, tích cực bày vẽ cho các vận động viên trẻ hơn, trở thành tấm gương sáng của các em trong bộ môn".
Dù đã ở gần giai đoạn cuối của sự nghiệp nhưng Nguyễn Kim Bảo vẫn là một vận động viên được đầu tư trọng điểm, trước mắt là phấn đấu giành thành tích cao tại Giải Vô địch vật dân tộc quốc gia được tổ chức trên sân nhà vào năm sau và xa hơn là bảo vệ tấm Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Huấn luyện viên Đặng Xuân Nghĩa - Trưởng bộ môn vật - jujitsu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An