Chuyện về hai cô giáo Nghệ An tình nguyện đi cách ly tập trung với học sinh

Mỹ Hà 23/09/2021 19:31

(Baonghean.vn) - Khi quyết định đi cách ly với học sinh, điều trước tiên mà các giáo viên nghĩ đến chính là thương học trò. Và tình thương, đã giúp cho 2 giáo viên, 52 học sinh và 7 phụ huynh vượt qua được 14 ngày cách ly khó khăn nhưng cũng đầy những kỷ niệm khó quên.

Quyết định không dễ dàng

Hơn 2 tuần trước, ngày 7/9, Quế Phong bất ngờ trở thành “tâm điểm” của dịch Covid-19 khi xuất hiện trở lại những ca dương tính trong cộng đồng tại xóm Chợ, xã Tri Lễ. Bệnh nhân đầu tiên khi đó là một người đàn ông 44 tuổi, lái xe chạy tuyến cố định Quế Phong - Vinh. Ngay sau đó, chùm ca bệnh đã tiếp tục xuất hiện với người bệnh là vợ và ba con trong cùng gia đình…

Các học sinh ở Khu cách ly tập trung đều là học sinh tiểu học. Ảnh: NVCC.
Các học sinh ở khu cách ly tập trung đều là học sinh tiểu học. Ảnh: NVCC

Trước đó một ngày, vào ngày 6/9, tại Trường Tiểu học Tri Lễ 1, hai trong ba người con của gia đình đã đến trường để tham gia buổi học đầu tiên của năm học mới. Ngay khi ca bệnh mới được phát hiện, sự hoang mang, lo lắng bao trùm khu vực xóm Chợ và các phụ huynh có con đang học tại trường.

Gần một ngày rà soát, sàng lọc, hơn 100 trường hợp F1 tiếp xúc gần được đưa đi cách ly tập trung tại thị trấn và Trường PT DTBT THCS xã Tri Lễ. Còn lại, 52 học sinh tiểu học là bạn cùng lớp với 2 bệnh nhân nhí cũng đã được lên phương án phải cách ly vì các em có gặp nhau trong ngày đầu tựu trường.

Lấy mẫu xét nghiệm cho các học sinh tại Khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC.
Lấy mẫu xét nghiệm cho các học sinh tại khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC.

Thời điểm đó, quyết định cách ly cho các học sinh là cần thiết nhưng việc triển khai không dễ dàng vì tuổi các em đều còn rất nhỏ (32 học sinh lớp 2A1 và 20 học sinh lớp 5A2). Phương án đầu tiên có 7 phụ huynh xung phong đi cùng các con. Tuy nhiên, vì việc cách ly có thể sẽ phải kéo dài nhiều ngày (trong trường hợp xuất hiện bệnh nhân F)) thì cần có thêm người để hỗ trợ các em trong chăm sóc, sinh hoạt và xử lý những tình huống khác…nên phương án tối ưu nhất là cần có các giáo viên vào để cùng hỗ trợ cho khu cách ly tập trung.

Hơn 20 năm công tác, cô giáo Hà Thị Dung - giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 1 chưa bao giờ gặp phải tình huống như thế này. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn trên, chị không có nhiều thời gian để suy nghĩ và đã đề nghị với hiệu trưởng nhà trường cho chị vào cách ly với học trò.

Kể lại quyết định của mình, chị cho biết: Gia đình tôi các con đều đã lớn nên các cháu hiểu mối nguy hiểm của dịch bệnh và ban đầu cũng rất lo lắng cho mẹ. Là trụ cột gia đình, tôi cũng hiểu tâm tư mọi người nên cũng suy nghĩ rất nhiều. Nhưng rồi, lúc đó tôi chỉ nghĩ tới học trò và thương các con vì mình sống cùng các con không chỉ ở trường mà còn ở gần nhà các con nên hiểu hoàn cảnh từng học trò. Nếu không có người đồng hành cùng các con thì các con sẽ rất vất vả.

Cuộc sống yên bình của các học trò ở Khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC.
Cuộc sống yên bình của các học trò ở khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC.

Cùng đồng nghiệp với cô giáo Hà Thị Dung, cô giáo Hà Thị Kim cũng đưa ra quyết định vào cách ly tập trung cùng các con rất nhanh bởi “32 học sinh lớp 2A1 là học trò tôi chủ nhiệm năm ngoái”. Trong bối cảnh lúc đó, cả hai cô dường như không kịp chuẩn bị gì. Gói ghém các tư trang cá nhân, giao lại công việc nhà cho chồng, cho bố mẹ, hai cô giáo bắt đầu hành trình cách ly 14 ngày tại khu cách ly tập trung ở Trường mầm non Tri Lễ…

Hành trang cũng không thể thiếu những cuốn truyện, những cuốn sách giáo khoa sách tham khảo. Đó sẽ là những “món ăn tinh thần” để cô và trò cùng vượt qua những ngày cách ly - cách biệt với thế giới bên ngoài.

Những ngày đặc biệt ở Khu cách ly tập trung

Trước khi đón các học trò vào khu cách ly tập trung, Trường mầm non xã Tri Lễ đã được chính quyền khẩn trương dọn dẹp và bố trí thêm một số dụng cụ cần thiết như chăn, màn, chiếu. Ở đây, các em sẽ được bố trí từ 7 - 8/người/ phòng do một phụ huynh hoặc một giáo viên đảm nhiệm.

Một học sinh ở khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC
Một học sinh ở khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC

Hàng ngày, các cô giáo và phụ huynh ngoài việc quản lý học sinh, hạn chế tiếp xúc giữa các phòng thì còn kiêm thêm công việc của “bảo mẫu” như lấy cơm cho các con, nhắc nhở các con ăn, uống, sinh hoạt theo đúng giờ quy định…Thời gian còn lại, các em sẽ giải trí bằng cách đọc truyện, xem sách…Bài nào khó, học sinh hỏi, cô giáo sẽ giảng và trả lời nhưng cũng chỉ đứng từ xa.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng những câu chuyện phát sinh trong khu cách ly thì không ai lường trước được. Những ngày mới vào nhiều học sinh lần đầu xa nhà, xa bố mẹ phải sống trong một môi trường hoàn toàn mới nên đêm nào các em cũng thút thít khóc, không chịu đi ngủ, không chịu ăn cơm. Trường hợp cô bé Lô Kiều Oanh (bố mất sớm, mẹ lấy chồng xa), em ở với ông bà. Vì hoàn cảnh đặc biệt nên khi mới vào khu cách ly, dường như ngày nào Oanh cũng khóc. Sau này, ông bà mượn được một chiếc điện thoại để gửi vào và gọi điện hàng ngày thì Oanh mới từng bước làm quen với cuộc sống mới.

Những cuốn sách truyện là bạn đồng hành của các học trò. Ảnh: NVCC.
Những cuốn sách truyện là bạn đồng hành của các học trò. Ảnh: NVCC

Giải quyết được vấn đề sinh hoạt thì nỗi lo về dịch bệnh cũng khiến tất cả mọi người hoang mang. “3 đêm đầu tiên tôi đã thức trắng không ngủ được”…cô giáo Hà Thị Dung kể về những ngày đầu ở khu cách ly.

Đó cũng là ba ngày mà cả cô, trò và phụ huynh cùng mang tâm trạng hồi hộp lo lắng chờ đợi kết quả xét nghiệm Covid-19 sau lần lấy mẫu thứ nhất tại nơi cách ly tập trung. Khi nhận được thông báo kết quả âm tính, niềm vui như đã vỡ òa.

Phòng cách ly tập trung được trang bị đầy đủ thiết bị sinh hoạt. Ảnh: NVCC
Phòng cách ly tập trung được trang bị đầy đủ thiết bị sinh hoạt. Ảnh: NVCC

Liên tiếp những ngày sau đó, trung bình vài ngày cô và trò sẽ được lấy mẫu xét nghiệm một lần. Mỗi lần có lịch gọi đi lấy dịch, các giáo viên lại phải làm công tác “tư tưởng” bởi nhiều học sinh rất sợ cây kim của nhân viên y tế và không chịu hợp tác. Rồi mỗi lần có học sinh sổ mũi, nhức đầu mọi người cũng sợ hãi vì lỡ chăng đó là dấu hiệu của bệnh Covid-19…

Hoàn cảnh của 52 học sinh ở Trường Tiểu học Tri Lễ đặc biệt, nhiều em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Có trường hợp, ở nhà các em chỉ ăn rau, ăn chuối…Vào khu cách ly, các em được ăn ngày ba bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng lại không quen, cứ tối đến lại kêu đau bụng phải gọi y tá.

Là một giáo viên trẻ, chưa có gia đình nên những ngày sống cùng học sinh ở khu cách ly là những ngày đáng nhớ của cô giáo Hà Thị Kim. Có lần, chị lên điểm danh phòng học cho học sinh lớp 2 ở tầng 2, thấy cô, trò “mếu máo” khóc , định ùa vào lòng cô. Thế nhưng lúc ấy, cô và trò phải đứng cách xa nhau hơn 1 mét, chỉ biết động viên nhau qua lời nói. Vào đây, từ những cậu bé, cô bé chỉ mới 7, 8 tuổi, sau mấy ngày làm quen nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, các em đã có thể tự lập, tự giặt áo quần, xếp chăn màn…

ết trung thu đặc biệt ở Khu cách ly. Ảnh: NVCC
Tết Trung thu đặc biệt ở Khu cách ly. Ảnh: NVCC

Đây cũng là năm đầu tiên cô và trò có một tết Trung thu đặc biệt…Trung thu năm nay không có những màn múa lân, không có tiệc phá cỗ nhưng cô và trò vẫn thấy ấm áp bởi vẫn có đèn Trung thu, có những món quà ý nghĩa được các bác, các chú từ ngoài khu cách ly gửi vào…

Tết Trung thu cũng là thời điểm cuối cùng mà các em hoàn thành gần 14 ngày ở khu cách ly. Trước giờ nhận quyết định được về nhà, không cần giáo viên nhắc nhở các em đã tự giác dọn dẹp áo quần, sách vở và đếm từng phút chờ cánh cổng trường mầm non mở ra…

Cô giáo Hà Thị Kim chụp trong khu cách ly. Ảnh: NVCC
Cô giáo Hà Thị Kim chụp trong khu cách ly. Ảnh: NVCC

Trở về nhà, dịch bệnh đã lùi lại phía sau, cô và trò Trường Tiểu học Tri Lễ 1 đã có những ngày đáng nhớ mà ở đó các em là những chiến binh và cô giáo thực sự là mẹ hiền…

Mới nhất

x
Chuyện về hai cô giáo Nghệ An tình nguyện đi cách ly tập trung với học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO